Nghị định 45/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường nêu rõ "xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định". Nghị định này bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2025.
Với hành vi không phân loại và lưu giữ riêng chất thải rắn công nghiệp sau phân loại, tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất sẽ bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
ngày 2/11/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 9368/BTNMT-KSONMT hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Cụ thể, nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế (gồm giấy thải, nhựa thải, kim loại thải, thủy tinh thải, vải, đồ da, đồ gỗ, cao su, thiết bị điện và điện tử thải bỏ); nhóm 2 là chất thải thực phẩm (gồm thức ăn thừa, thực phẩm quá hạn sử dụng, chất thải từ quá trình sơ chế thực phẩm) và nhóm 3 là chất thải rắn sinh hoạt khác (gồm chất thải nguy hại, chất thải cồng kềnh và chất thải khác còn lại).
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại, phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi…
Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý theo hướng: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Đối với thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, Khoản 3 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt và công bố rộng rãi. Đồng thời, có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định).
UBND các địa phương và thanh tra ngành tài nguyên và môi trường có thẩm quyền xử phạt hành vi trên.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những chính sách môi trường có hiệu lực từ 1/1/2025, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Đây là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Phân loại rác thải tại nguồn góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý, tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra. Thực hiện phân loại rác tại nguồn còn là ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Minh Thành