Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Từ kết quả của Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, các nhà trường sẽ phải điều chỉnh lại quá trình dạy và học để phù hợp với yêu cầu mới là nhận định của các chuyên gia, nhà giáo dục tại hội nghị công bố phổ điểm thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều nay, 15/7.
Không còn học mẹo
Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức, phổ điểm thi năm nay đã phản ánh đúng năng lực học sinh và cách ra đề thi đã cho thấy không thể dạy và học theo các mẹo mực. Cô Quỳnh nêu ví dụ ở môn Toán, trước đây, học sinh có mẹo dùng chính các phương án lựa chọn đề đưa ra để tính ngược lại và từ đó chọn được phương án đúng.
Tuy nhiên, với đề thi năm nay, cách làm này không còn hiệu quả. Với đề thi có tính ứng dụng thực tiễn cao, nhà trường, thầy cô, học sinh sẽ phải thay đổi lại cách dạy và học để học sinh nắm vững kiến thức mới có thể hoàn thành tốt bài thi.
Ở môn Tiếng Anh, đề thi với phần đọc hiểu khá dài, đòi hỏi học sinh phải có năng lực ngoại ngữ thực sự. Cô Bội Quỳnh cho rằng cách dạy tiếng Anh truyền thống theo lối nặng về ngữ pháp không thể đáp ứng được yêu cầu. Các thầy cô giáo sẽ phải điều chỉnh cách dạy theo định hướng trang bị cho học sinh 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, dạy ngoại ngữ như một sinh ngữ và học sinh phải làm chủ được ngôn ngữ đó.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây cũng là chia sẻ của Giáo sư, Tiến sỹ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An. Ông Thành cho hay rất vui mừng với phổ điểm thi năm nay và cho rằng phổ điểm đã thể hiện được kết quả của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo chương trình phổ thông 2018.
Theo ông Thành, đây là kỳ thi đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới với định hướng đánh giá năng lực, đề thi gắn với thực tiễn đời sống nên ngay từ đầu, các địa phương và các nhà trường đều xác định đề thi sẽ khó hơn so với các năm trước. Vì vậy, cùng với sự chỉ đạo và công bố đề minh họa sớm hơn mọi năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác ôn tập đã được các cơ sở giáo dục triển khai rốt ráo.
Ông Thành cho rằng đề thi, kết quả thi chính là bảng tham chiếu để các địa phương, nhà trường, giáo viên nhìn nhận lại cách dạy và học của mình, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp để đáp ứng các yêu cầu mới.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An Thái Văn Thành khẳng định kết quả thi đã cho thấy hiệu quả của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo chương trình 2018. (Ảnh: PV/Vietnam)
Cũng theo ông Thành, với phổ điểm thi có độ phân hóa cao sẽ thuận lợi và tạo sự tin tưởng cho các trường đại học trong công tác xét tuyển.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục cùng nhận định phổ điểm thi đạt yêu cầu, đảm bảo mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông, cơ bản, nền tảng, được phân loại, và được sử dụng xét tuyển vào đại học có độ tin cậy.
Kết quả thi không gây “sốc”
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh việc kỳ thi đã diễn ra thành công tốt đẹp, đạt được đầy đủ ba mục tiêu lớn do Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt ra: xét công nhận tốt nghiệp; đánh giá chất lượng dạy học phổ thông; cung cấp dữ liệu tin cậy cho tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: kết quả thi không gây "sốc." (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng thành công của kỳ thi năm nay đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. “Chúng ta không chỉ chuyển cách thi mà còn thay đổi tư duy dạy – học, từ học thuộc sang phát triển phẩm chất, năng lực thật sự cho học sinh. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân,” Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, điểm trung bình, trung vị, độ lệch chuẩn và phân hóa điểm số cho thấy kỳ thi có độ tin cậy cao. Kết quả này không gây “sốc” mà phản ánh đúng năng lực học sinh và chất lượng giáo dục từng địa phương, hướng tới học sinh và hướng tới kết quả thật, đúng theo tinh thần chỉ đạo chủ động, sáng tạo, học thật, thi thật, kết quả thật, nhân tài thật của Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ học sinh, phụ huynh, chuyên gia với tinh thần cầu thị, nghiêm túc đồng thời vẫn phải giữ vững quan điểm chuyên môn để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, chỉ đạo và cải tiến kỳ thi trong các năm tiếp theo./.
(Vietnam+)