Chọn hướng đi mới
Những ngày cuối tuần, không khí tại các làng nghề của huyện Phú Xuyên càng trở nên sôi động, khi nhiều phiên livestream bán hàng được tổ chức. Sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản của địa phương được giới thiệu đến hàng vạn khách hàng qua mạng xã hội, như: Facebook, TikTok...
Huyện Phú Xuyên mời nhiều người nổi tiếng hỗ trợ chủ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ tại các làng nghề trên địa bàn mở các phiên livestream bán hàng. Ảnh: Hoài Hương
Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cơ sở khảm trai tại làng nghề Chuyên Mỹ cho biết: "Dịp cuối tuần, tôi thường livestream 2-3 tiếng giới thiệu sản phẩm mới. Khách hàng rất hào hứng khi được nhìn thấy quy trình làm ra sản phẩm, điều này giúp tăng thêm giá trị cho mặt hàng, thu hút nhiều đơn hàng từ khắp nơi".
Huyện có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp và làng nghề truyền thống, được mệnh danh là “vùng đất của những làng nghề”. 100% làng, khu dân cư trên địa bàn huyện có nghề; trong đó có 43 làng đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Điển hình như: Làng tò he Xuân La; làng đan cỏ Phú Túc; làng may comple Vân Từ; làng khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ... Sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo và chất lượng cao từ những làng nghề này không chỉ phục vụ thị trường trong nước, mà còn có tiềm năng xuất khẩu.
Các phiên livestream của làng nghề Phú Xuyên ngày càng sôi động, thu hút nhiều người quan tâm. Ảnh: Sơn Tùng
Song, dù có lợi thế rõ rệt, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Phú Xuyên vẫn mang tính nhỏ lẻ, phương thức truyền thống chiếm ưu thế. Hàng hóa chủ yếu được bán tại các chợ hoặc xuất bán cho tiểu thương, chưa khai thác hết cơ hội từ thương mại điện tử.
Trước năm 2023, thương mại điện tử ở Phú Xuyên chỉ áp dụng tại một số ít hộ kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân; doanh thu từ lĩnh vực này còn khiêm tốn. Theo số liệu từ cơ quan thuế, năm 2023, toàn huyện chỉ có 64 hộ kinh doanh thương mại điện tử, tổng doanh thu đạt gần 148 tỷ đồng, số thuế nộp ngân sách hơn 2,2 tỷ đồng.
Nhận thức rõ thương mại điện tử đang trở thành xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ năm 2023, Phú Xuyên đã xây dựng sàn thương mại điện tử, với địa chỉ https://phuxuyen.trangvangvietnam.top. Trên sàn này, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và hàng hóa từ làng nghề truyền thống của địa phương được quảng bá rộng rãi, tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng, hiệu quả hơn...
Song song với đó, huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn, từ cơ bản đến nâng cao cho người dân về kỹ năng kinh doanh trực tuyến: Cách bán hàng trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, xây dựng video ngắn, kỹ năng livestream bán hàng, nguyên tắc cơ bản của thương mại điện tử... Nhờ vậy, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất làm quen và thành công với hình thức kinh doanh hiện đại này.
Ngoài ra, huyện Phú Xuyên còn phối hợp với các tiktoker nổi tiếng để tổ chức các phiên livestream quảng bá nông sản, sản phẩm làng nghề. Hoạt động này, không chỉ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, mà còn nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP và hàng hóa địa phương.
Làng nghề bứt phá
Qua một thời gian triển khai, chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh doanh trên nền tảng số, đã mở ra giai đoạn mới. Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại Phú Xuyên tích cực tham gia sàn thương mại điện tử, tận dụng mạng xã hội để livestream bán hàng.
Chị Vương Thị Hồng Gấm, chủ cơ sở kẹo truyền thống Chiến Tấn tại thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long chia sẻ: "Trước đây, tôi chủ yếu bán sản phẩm tại chợ truyền thống hoặc qua đơn hàng nhỏ lẻ... Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, tôi tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Ban đầu cũng có chút bỡ ngỡ, giờ đây tôi đã biết cách livestream, chụp ảnh sản phẩm đẹp hơn; đăng bài quảng cáo hiệu quả. Hiện tại, doanh thu của cơ sở tăng khoảng 40% so với trước, thậm chí có tháng cao điểm đạt gấp đôi"...
Sản phẩm bánh kẹo truyền thống của cơ sở Chiến Tấn ở thôn Cổ Hoàng, xã Hoàng Long có doanh thu bán hàng điện tử tăng mạnh qua các phiên livestream. Ảnh: Sơn Tùng
Những giải pháp đồng bộ đã giúp thương mại điện tử tại Phú Xuyên có bước phát triển vượt bậc. Tính đến hết tháng 10/2024, số hộ kinh doanh thương mại điện tử được cơ quan thuế quản lý là 432 hộ, tổng doanh thu hơn 839 tỷ đồng, tăng gấp 5,6 lần so với cả năm 2023. Số thuế nộp ngân sách cũng tăng mạnh, đạt gần 12,6 tỷ đồng, gấp hơn 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, Phú Xuyên là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống, có tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua kênh truyền thống, phụ thuộc thị trường nhỏ lẻ. Nhận thức xu hướng tiêu dùng mới và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, huyện đã xây dựng lộ trình cụ thể, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Lãnh đạo huyện Phú Xuyên và thành phố Hà Nội thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ. Ảnh: Hoài Hương
Hiện tại, huyện Phú Xuyên tập trung vào các mũi nhọn: Nâng cao năng lực của người dân thông qua các lớp tập huấn và quảng bá sản phẩm bằng nền tảng trực tuyến; phối hợp với chuyên gia và doanh nghiệp giúp người dân nắm bắt kỹ năng kinh doanh hiện đại, chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, xây dựng thương hiệu trực tuyến; xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của huyện, góp phần nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề...
"Những con số tăng trưởng vượt bậc trong 10 tháng năm 2024 là minh chứng cho hiệu quả của hướng đi này. Chúng tôi tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân cải tiến chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường thương mại điện tử để nông sản, sản phẩm làng nghề của Phú Xuyên vươn xa hơn nữa", Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính nhấn mạnh.
Bạch Thanh