Sản phẩm OCOP 3 sao chả rươi Hải Nam của gia đình anh Lương Văn Nam (thứ hai từ phải sang) đã có mặt tại Hội chợ Vietnam Expo lần thứ 33 vào tháng 4/2024 (ảnh tư liệu)
Những bước chân rời làng ra phố lớn
Từ lâu, người dân Hải Dương, nhất là vùng giáp ranh Hải Phòng như Kim Thành, Thanh Hà, Kinh Môn, đã có mối liên hệ kinh tế, văn hóa sâu sắc với thành phố cảng. Nhưng phải đến khoảng một thập kỷ trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của Hải Phòng trong vai trò trung tâm công nghiệp – dịch vụ lớn đã tạo ra dòng chảy di chuyển mạnh mẽ của lao động từ Hải Dương sang "phố lớn". Đây không chỉ là câu chuyện của mưu sinh, mà là cả một hành trình chuyển dịch về tư duy, cách sống và thích ứng xã hội.
Xã Tam Kỳ (Kim Thành) là một điển hình sống động. Nằm ngay sát phường An Hòa (quận An Dương, TP Hải Phòng), người dân Tam Kỳ hằng ngày nối nhau sang làm việc tại các khu công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, Nomura. Số lượng lao động lên tới khoảng 1.500 người, chiếm hơn 20% dân số toàn xã. Với mức thu nhập trung bình từ 8 – 10 triệu đồng, có người lên tới vài chục triệu mỗi tháng, Tam Kỳ từ một xã thuần nông đã “thay da đổi thịt” nhờ luồng gió công nghiệp hóa.
Không chỉ đi làm công nhân, người dân Tam Kỳ còn len lỏi vào các lĩnh vực dịch vụ, xây dựng – những ngành nghề linh hoạt hơn nhưng cũng đòi hỏi khả năng thích ứng xã hội tốt. Anh Nguyễn Văn Khoa, chủ một đội thợ xây ở thôn Kỳ Côi, hiện đang thi công tại khu đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chia sẻ: “Công việc nhiều, anh em làm đều tay, sáng đi tối về. Cuộc sống khá hơn hẳn chục năm trước”. Những đội thợ như của anh không chỉ đem sức lao động từ quê ra phố mà còn học hỏi kỹ năng, cách tổ chức thi công, làm quen với văn hóa thị thành – thứ mà trước đây vốn xa lạ với họ.
Tại thôn Nại Đông, cũng thuộc xã Tam Kỳ, khoảng 90% số lao động trong độ tuổi sang Hải Phòng làm việc. Sự chuyển mình rõ rệt thể hiện qua những dãy nhà khang trang mọc lên san sát. Người thôn quê giờ đây không chỉ “làm nông, ở nhà” như trước, mà đã quen với việc đi làm ca, tăng ca, lĩnh lương hằng tháng, sử dụng ngân hàng điện tử, thậm chí đi du lịch dịp lễ.
Sang Hải Phòng làm ăn, nhiều người dân xã Tam Kỳ (Kim Thành) có thu nhập ổn định lo cho gia đình, con cái ăn học
Đặc biệt, sự thích ứng không chỉ đến từ lớp trẻ mà còn ở thế hệ trung niên. Những phụ nữ tuổi ngoài 50 từng quen với luống rau, nồi cám, nay sang Hải Phòng làm tạp vụ, bán hàng. Sự dịch chuyển này cho thấy khả năng thích nghi của người dân Hải Dương không chỉ nhanh nhạy mà còn linh hoạt theo độ tuổi, nhu cầu và điều kiện sống.
Thay đổi trong tư duy và kết nối xã hội
Không khó để nhận ra rằng, sự chuyển dịch từ “làng ra phố” không chỉ làm thay đổi cấu trúc kinh tế gia đình, mà còn chuyển hóa mạnh mẽ tư duy sống. Nếu trước kia, người nông dân chỉ mong “ăn chắc mặc bền”, trông vào mùa vụ, thì nay, họ đã biết tính toán theo thời giá, tìm kiếm cơ hội làm ăn, quan tâm đến thị trường tiêu thụ và kể cả... đầu tư tương lai cho con cái.
Điển hình là trường hợp anh Lương Văn Nam ở thôn An Quý, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) – một vùng quê giáp ranh Hải Phòng, Thái Bình. Nhận thấy giá trị tiềm năng của con rươi – đặc sản vùng đất bãi, anh không chỉ nuôi rươi mà còn chế biến thành chả rươi, mọc rươi, rươi kho, xây dựng thương hiệu Hải Nam và đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Điều này chứng minh một bước tiến vượt bậc trong tư duy sản xuất: không dừng ở nguyên liệu thô, mà hướng tới sản phẩm có giá trị gia tăng.
Người dân xã Tam Kỳ thu hoạch rau đến đâu đều được các thương lái đến tận ruộng thu mua, đưa đi các chợ ở Hải Phòng tiêu thụ. Ảnh: HÀ VY
Tuy nhiên, sự thay đổi tư duy cũng đi kèm những đòi hỏi mới. Anh Nam cho biết: “Phát triển con rươi ồ ạt mà không tính đến đầu ra thì không ổn định. Cần quy hoạch sản xuất, có doanh nghiệp thu mua, chế biến chuyên nghiệp”. Đó là mong muốn không chỉ của anh Nam mà của nhiều bà con nuôi rươi ở đây. Khi "ra biển lớn", những người nông dân mong muốn có sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với chuỗi cung ứng hiện đại – điều mà tự thân người nông dân truyền thống khó có thể làm nếu không có sự hỗ trợ, kết nối của Nhà nước.
Tại khu vực phố Quý Cao (xã Nguyên Giáp) – nơi có sự giao thoa giữa dân cư Hải Dương và Hải Phòng – người dân đã thích nghi với nhịp sống đô thị nhanh, đồng thời đối mặt với thách thức về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, từ khi có công an chính quy về xã, đời sống đã ổn định hơn. Đây cũng là ví dụ cho thấy: quá trình "ra phố" không chỉ đơn thuần là địa lý, mà còn đòi hỏi năng lực quản trị xã hội – điều mà chính quyền và người dân cùng phải học cách thích ứng.
Một câu nói vui của ông Phạm Văn Ngát, Trưởng thôn Nại Đông (xã Tam Kỳ) khiến nhiều người bật cười: “Người trong thôn biết đường sá bên Hải Phòng rõ hơn đường đi lối lại ở Hải Dương”. Câu nói ấy phản ánh rõ mức độ gắn bó về kinh tế, giao tiếp xã hội và đời sống hằng ngày của một bộ phận người Hải Dương với “phố lớn”.
Từ thích ứng đến hội nhập
Tuyến quốc lộ 10 giúp cho giao thương giữa xã Nguyên Giáp với các địa phương của Hải Phòng thuận lợi hơn
Việc Hải Dương – Hải Phòng có chủ trương sáp nhập đang mở ra một viễn cảnh mới cho người dân vùng giáp ranh. Không còn đơn thuần là “đi làm bên phố lớn”, mà là cơ hội để hội nhập toàn diện: từ thể chế, hạ tầng, dịch vụ đến an sinh xã hội.
Tỷ lệ đồng thuận khi lấy ý kiến người dân tại xã Tam Kỳ và Nguyên Giáp đều đạt trên 99%. Đó không chỉ là sự đồng thuận mang tính hình thức, mà là kỳ vọng thật sự: người dân mong rằng một khi “đã chung một nhà”, thì những vấn đề hiện tại sẽ được giải quyết triệt để – từ giao thông, đất đai, quy hoạch, cho đến chất lượng sống.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hóa, Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Hải Dương đã đưa ra khái niệm “cộng lực phát triển” thay vì chỉ là “sáp nhập địa giới”. Theo ông, việc hợp nhất không nên là sự xóa nhòa, mà là cộng hưởng thế mạnh của hai vùng: Hải Phòng – công nghiệp, biển cả; Hải Dương – nông nghiệp, đất đai màu mỡ. Sự gặp gỡ này sẽ định hình nên một không gian phát triển mới: vừa năng động, vừa gìn giữ bản sắc.
Một mối lo ngại chính đáng là liệu người dân nông thôn khi “lên phố” có đánh mất đi văn hóa làng, nếp sống quê? Nhưng thực tế cho thấy: văn hóa làng – như sự cố kết cộng đồng, tính chất “tối lửa tắt đèn có nhau”, sự hiếu học, cần cù – vẫn được gìn giữ. Họ mang theo những giá trị đó đến nơi làm việc, vào nhà trọ, ra công trường. Và từ đó, dần hình thành nên một “văn hóa phố mới” – nơi người nông dân không còn lam lũ, mà là chủ thể sáng tạo.
Câu chuyện “từ làng ra phố” của người Hải Dương không đơn thuần là một hiện tượng kinh tế, mà là minh chứng cho quá trình chuyển hóa xã hội sâu sắc: từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp – dịch vụ, từ nếp sống khép kín sang hội nhập, từ tư duy an phận sang chủ động thích nghi.
Họ ra phố không phải để rời bỏ làng quê, mà để làm làng quê đổi thay – bằng chính mồ hôi, khối óc và trái tim của những con người giàu nghị lực. Và khi sáp nhập Hải Dương – Hải Phòng thành hiện thực thì đây sẽ là lực đẩy để người dân quê ngày càng tự tin bước vào đô thị – không chỉ với tư cách người làm thuê, mà là những cư dân năng động của một không gian phát triển chung.
NGÂN HẠNH - HÀ KIÊN