Tư lệnh của buôn làng Tây Nguyên

Tư lệnh của buôn làng Tây Nguyên
6 giờ trướcBài gốc
Đất nghèo cho quả ngọt
Sáng mùa thu, phố núi Pleiku (Gia Lai) bồng bềnh mây trắng. Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ tiếp chúng tôi ngay tại “đại bản doanh”. Câu chuyện anh kể chủ yếu nói về đóng góp của những người lính “binh đoàn xanh” đối với đồng bào Tây Nguyên...
Nói đúng ra, từ thập niên 1990, khi đó đồng chí Hoàng Văn Sỹ còn là cán bộ của Công ty 715 (Binh đoàn 15) thì nhiều bà con đồng bào DTTS đã biết đến anh. Ngày ấy vùng biên giới Ia Grai (Gia Lai) heo hút, còn thiếu cái ăn, cái mặc. Đồng bào DTTS chiếm hơn 80%, trong đó tỷ lệ đói nghèo chiếm gần 40%. Cả một vùng rộng lớn đất đai khô sạm, bạc màu. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân, người lao động và đồng bào còn nhiều khó khăn.
Với suy nghĩ “mình là Bộ đội Cụ Hồ, mà để dân khổ cực, thiếu ăn, thiếu mặc là có tội với dân và không hoàn thành nhiệm vụ...”, thế nên anh Sỹ chủ động đề xuất với Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 715 chỉ đạo cán bộ, đảng viên tích cực, chủ động “bám dân, bám rừng, bám buôn làng” để mở rộng diện tích vườn cây, tuyển người dân địa phương vào làm công nhân, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.
Trên cơ sở nội dung đề xuất, tham mưu của anh Sỹ, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty 715 thực hiện “đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”. Đơn vị chủ động tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng vườn cây và thay đổi phương án nhận khoán, phát huy dân chủ, công khai và bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, công nhân, người lao động...
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ tham gia Chương trình “Tết sum vầy-Xuân chia sẻ" năm 2024 cùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ trao quà tặng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.
Hành quân lên huyện Đức Cơ, tôi lại được nghe bà con nói nhiều về tình đoàn kết quân dân sâu nặng, thắm thiết nơi đầu nguồn biên giới... Dấu ấn đậm nét nhất là từ khi Trung tá Hoàng Văn Sỹ về làm Giám đốc Công ty 74. Với phương châm: “Tập trung đầu tư, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh”. Dưới sự điều hành của Giám đốc Hoàng Văn Sỹ, đơn vị mạnh dạn sắp xếp lại vườn cây, đầu tư sản xuất và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, theo hướng tập trung. Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng theo công nghệ hiện đại được triển khai hiệu quả. Công ty còn hỗ trợ bà con địa phương trồng hàng trăm héc-ta lúa trên đất tái canh cây cao su... Chính sự kết hợp sáng tạo này đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó với công ty, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Một thời đói cơm, rách áo xa dần, thay vào đó là diện mạo buôn làng mới với nhiều khởi sắc. Những cánh rừng cao su xanh thẳm; vườn cà phê, hồ tiêu đang mùa quả chín; những ruộng lúa nước, nương lúa xen canh trĩu hạt hứa hẹn vụ mùa bội thu... Màu xanh no ấm ấy có được bởi chính bàn tay của cán bộ, chiến sĩ, người lao động Binh đoàn 15 và sự cố gắng của bà con đồng bào DTTS. Cả vùng đất Tây Nguyên đói nghèo năm xưa đang hiện hữu một nhịp sống mới.
Chia sẻ về sự đổi thay của quê hương, già làng Kpuih Beo ở làng Do, xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) phấn khởi nói: “Ngày trước, đồng bào Ê Đê, Gia Rai ta nghèo lắm, bà con chỉ quen đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được nữa, lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào miệng thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có bộ đội Binh đoàn 15 về, buôn làng, mọi thứ đều đổi khác...”.
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15 thăm hỏi, động viên đối tượng chính sách điều trị tại Bệnh viện Quân y 15.
Tư lệnh đương đầu với sóng gió
Đồng chí Hoàng Văn Sỹ được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Binh đoàn 15 trong điều kiện chịu nhiều sóng gió, bởi giá mủ cao su xuống thấp, thu nhập bình quân đầu người sụt giảm. Đơn vị thực hiện phương án tái cơ cấu vào thời điểm một số cán bộ nguyên lãnh đạo của Binh đoàn và các công ty vi phạm pháp luật phải xử lý. Thế nên một số cán bộ, công nhân, người lao động có biểu hiện tâm lý dao động...
Trước những khó khăn, thử thách ấy, Tư lệnh Hoàng Văn Sỹ đã chủ động trao đổi, thống nhất cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn đưa vào nghị quyết các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, thiết thực. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống cho người lao động, Tư lệnh Hoàng Văn Sỹ chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát với tình hình thực tiễn, nhất là thực hiện nghiêm “5 khâu quản lý” về kế hoạch, tiền lương, lao động, kỹ thuật và vật tư, tài chính.
Theo đó, các đơn vị chủ động nguồn vật tư, phân bón, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây và khai thác hiệu quả các dây chuyền sản xuất; huy động các nguồn đóng góp để đầu tư phân bón tăng thêm cho vườn cây. Binh đoàn chủ trương đổi mới, trong đó, tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đa dạng hóa sản phẩm là 3 mũi nhọn đột phá. Từng công ty chủ động phối hợp với các địa phương, quy hoạch các khu kinh tế-quốc phòng, khai hoang đồng ruộng, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bảo đảm lương thực, thực phẩm trước, từng bước trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) và ổn định dân cư... Nhờ vậy, giá trị sản xuất giai đoạn 2019-2024 đạt 13.106 tỷ đồng, doanh thu đạt 11.929 tỷ đồng, lợi nhuận 804 tỷ đồng và đều tăng cao so với giai đoạn trước, trong đó, giá trị sản xuất tăng 183,44%. Hiện tại, thu nhập bình quân đạt 7,35 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Những ân tình sâu nặng
Đầu tháng 8-2024, Binh đoàn 15 tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt năm 2023-2024 và trao bằng khen tặng 104 già làng, trưởng thôn tiêu biểu. Tại hội nghị này, tôi được đồng bào kể nhiều về ân tình của Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ với niềm tin yêu, mến phục. Làm Tư lệnh, làm giám đốc, phải lo kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận là lẽ đương nhiên của bất kỳ doanh nghiệp nào trong thương trường, nhưng Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ và các đời Tư lệnh Binh đoàn trước đây lại có cách làm “khác người”, nhường phần thuận lợi cho dân, nhận phần khó khăn, vất vả cho mình, cho bộ đội. Tôi rất ngạc nhiên nghe bà con kể, chính Binh đoàn đã đề ra công thức “suối-dân-bộ đội”. Nghĩa là, từ mép suối trở lên 100 đến 150m đất tốt, lại gần nước, thì dành cho dân sản xuất. Còn ở bên trong, khu đất ít thuận lợi hơn, bộ đội sẽ nhận làm. Công thức ấy, chỉ có thể kết tinh từ trái tim Bộ đội Cụ Hồ của dân, do dân, vì dân, là minh chứng sinh động thể hiện vai trò đội quân công tác ngay ở lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất trong thời bình là “thương trường”. Thành công của Binh đoàn 15, biến những vùng rừng không dân, xác xơ, nghèo đói, những vùng đất hoang hóa, đầy vết tích chiến tranh thành những “phòng tuyến xanh” gồm ngút ngàn rừng cây công nghiệp, những khu dân cư, buôn làng trù phú. Đó cũng chính là chiến lược “biên giới mềm”. Để bảo vệ vững chắc biên cương, nếu chỉ mình Quân đội thực hiện thì chưa đủ, mà cái chính phải dựa vào dân, “chúng chí thành thành” như cha ông ta từng đúc kết.
Hôm ấy, tôi còn được nghe các già làng, trưởng thôn nói về ân tình của Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ khi anh đến tận từng phòng động viên, hỏi thăm tình hình sức khỏe và trao quà tặng các cụ. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, vì đó là tình cảm chân thành của những người lính Cụ Hồ dành cho đồng bào.
Mục tiêu an dân, yên dân
Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ tâm sự: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện mục tiêu an dân, yên dân, tạo động lực giúp bà con thoát nghèo, những năm qua, Binh đoàn đã chú trọng xây dựng, phát triển toàn diện từng địa bàn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa học tập, rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần, “lấy ngắn nuôi dài”, làm vườn, trồng rừng đến đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó!”.
Quả thực, nhiều cách làm sáng tạo của Binh đoàn 15 đã được triển khai tích cực, đồng bộ theo phân cấp và “đơm hoa, kết trái” từ thực tiễn sinh động như các mô hình: Gắn kết hộ, cây lúa xen canh, chuối cao sản... Đồng hành với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên, Binh đoàn 15 mạnh dạn mở rộng sản xuất, thực hiện chính sách ưu tiên tuyển lao động là người DTTS, kết hợp chặt chẽ giữa thu hút lao động, chăm lo hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình nhằm tạo sự yên tâm, gắn bó, bám trụ địa bàn.
Cuối tháng 7-2024 vừa qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã đến thăm, làm việc với Bộ tư lệnh Binh đoàn 15. Sau khi nghe Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ báo cáo khái quát kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, Đại tướng Phan Văn Giang chúc mừng đơn vị có sự đoàn kết thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của đơn vị kinh tế, quốc phòng trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Gắn bó máu thịt với đồng bào Tây Nguyên từ những ngày gian khó nhất nên Tư lệnh Hoàng Văn Sỹ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, phải coi trọng công tác dân vận và an sinh xã hội. Phát huy sức mạnh nội lực và tinh thần khắc phục khó khăn, Binh đoàn đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trên từng bản làng, thôn, xóm trên địa bàn đóng quân. Đến nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm đã về đến những vùng sâu, vùng xa trên tuyến biên giới do đơn vị quản lý. Các công ty chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các dự án về kinh tế, xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Vùng đất Tây Nguyên đang đổi thay từng ngày. Sự bình yên và phát triển ấy có dấu ấn của những người lính “binh đoàn xanh” trên cao nguyên đỏ. Phút chia tay, chúng tôi nhớ mãi câu nói của Thiếu tướng Hoàng Văn Sỹ: “Binh đoàn chúng tôi đang hướng tới những mục tiêu lớn hơn, đó là: Tập trung vào nhiệm vụ nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào DTTS, không chỉ giúp họ có cuộc sống ổn định, phồn vinh, mà hơn thế là ý nghĩa to lớn của việc xây dựng một binh đoàn “ngụ binh ư nông” với thế đứng chiến lược trên vùng cao nguyên chiến lược của Tổ quốc...
Bài và ảnh: VĨNH LỘC - THANH QUÝ
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/tu-lenh-cua-buon-lang-tay-nguyen-799489