Từ lịch sử dân tộc đến đường đua Oscar 2025

Từ lịch sử dân tộc đến đường đua Oscar 2025
2 giờ trướcBài gốc
Chiến tranh, lịch sử - mảnh đất màu mỡ
“Đào, phở và piano” là bộ phim chiến tranh từng gây sốt dư luận, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức chọn làm tác phẩm đại diện Việt Nam tranh giải vòng sơ tuyển hạng mục Phim quốc tế tại Lễ trao giải Oscar 2025. Được biết, tác phẩm mang chủ đề chiến tranh - lãng mạn của đạo diễn Phi Tiến Sơn được lựa chọn từ danh sách 4 tác phẩm được gửi đến Cục Điện ảnh, trong đó có “Cái giá của hạnh phúc” (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm), “Lật mặt 7: Một điều ước” (đạo diễn Lý Hải) và “Mai” (đạo diễn Trấn Thành).
Phân cảnh đậm chất Nam Bộ trong bộ phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh.
Thông báo về việc lựa chọn phim tranh cử đã nhận phải nhiều ý kiến trái. Một số ý kiến khẳng định, phim không đạt đủ “tầm” để có thể tranh giải Oscar. Thế nhưng, một số quan điểm khác lại cho rằng trong số các tác phẩm được lựa chọn, thì “Đào, phở và piano” là bộ phim mang ý nghĩa lớn nhất.
Lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm của trận Hà Nội đông xuân 1946 - 1947, vào những ngày cuối cùng trước khi quân ta rút lên chiến khu Việt Bắc, “Đào, phở và piano” kể về câu chuyện tình của một anh chiến sĩ Vệ quốc quân (diễn viên Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành xinh đẹp (diễn viên Cao Thùy Linh) với sự góp mặt của các nghệ sĩ như NSƯT Trần Lực, NSND Trung Hiếu… Tác phẩm gửi gắm thông điệp về khát khao được sống, được yêu ngay cả trong khói lửa chiến tranh, bom rơi đạn lạc.
Là một bộ phim được Nhà nước đặt hàng sản xuất, “Đào, phở và piano” bất ngờ trở thành hiện tượng phòng vé trong dịp Tết Nguyên đán 2024, thu về hơn 20 tỷ đồng dù chỉ được chiếu tại duy nhất Rạp chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Tác phẩm sau đó trở thành chủ nhân của giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 và Cánh Diều Bạc tại giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Với bề dày văn hóa hàng ngàn năm, trải qua nhiều giai đoạn đầy biến động từ bi tráng đến hào hùng, lịch sử dân tộc đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại hình nghệ thuật bén rễ vươn mình. Điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có thể tái hiện những giai đoạn hào hùng của dân tộc qua những câu chuyện phong phú, nội dung đa dạng ở nhiều tác phẩm.
Từ “Chung một dòng sông” (1959), “Nổi gió” (1966), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1973), “Em bé Hà Nội” (1974), “Cánh đồng hoang” (1979), “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984), “Lưỡi dao” (1995), “Ai xuôi vạn lý” (1996); “Bến không chồng” (2000), “Hà Nội 12 ngày đêm” (2002), “Đừng đốt” (2009), “Khát vọng Thăng Long” (2011), “Mùi cỏ cháy” (2012) đến “Đào, phở và piano” (2024)… tất cả đã góp phần thổi bùng ngọn lửa về tình yêu Tổ quốc, bằng cả tiếng cười và nước mắt, nhớ thương và khắc khoải, đau đáu và sục sôi từ những năm tháng hào hùng của lịch sử. Bức tranh lịch sử dân tộc trên màn ảnh đang có sự tịnh tiến, phát triển theo thời gian. Tuy vậy, so với điện ảnh thế giới, chất lượng phim về đề tài chiến tranh, lịch sử đến nay vẫn còn khá “khiêm tốn” và chưa thỏa được kỳ vọng.
Dấu ấn phim Việt tại đấu trường Oscar
Trước “Đào, phở và piano” từng có nhiều bộ phim thuộc đề tài lịch sử được lựa chọn tham dự sơ tuyển Oscar. Trong đó có “Đừng đốt” của đạo diễn Đặng Nhật Minh (2009), “Khát vọng Thăng Long” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (2011), “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười (2012). Các tác phẩm đều không mang màu sắc giải trí, doanh thu không quá bứt phá và chủ yếu do nhà nước đầu tư.
Đến năm 2015, “Trúng số” của đạo diễn Dustin Nguyễn bất ngờ xuất hiện, tạo nên bước đột phá khi dung hòa tốt cả yếu tố thị trường lẫn nghệ thuật và đạt đến 35 tỷ doanh thu phòng vé. Hơn nữa, tác phẩm còn chiến thắng giải Cánh diều Vàng trước khi góp mặt vào vòng dự tuyển. Từ đó, phần lớn các phim Việt được gửi đến Oscar đều là những phim đạt doanh thu tốt, phổ biến với công chúng.
Nhìn lại hai thập niên vừa qua, phim Việt tham dự Oscar có sự thay đổi đáng kể về thể loại và tiêu chí. Từ phim do Nhà nước đặt hàng đến phim tư nhân, từ tác phẩm có doanh thu phòng vé cao đến phim đoạt giải thưởng ở các liên hoan quốc tế, từ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh đến câu chuyện văn hóa xã hội. Ở góc độ tổng quan, các tác phẩm được “chọn mặt gửi vàng” vào vòng sơ tuyển Oscar thường là phim về đề tài văn hóa, lịch sử mang đậm nét đặc trưng dân tộc.
Với dấu ấn văn hóa Nam Bộ rõ nét, “Tro tàn rực rỡ” trở thành phim đại diện Việt Nam tranh cử tại Oscar 2023.
Đó là hình ảnh đàn trâu ngụp lặn cùng số kiếp nổi trôi của phận người miền sông nước, với những con thuyền đơn độc, những túp lều lênh đênh, những dấu chân bì bõm... gợi nhớ một thời thương khó trong “Mùa len trâu” (2004). Là ký ức tuổi thơ êm ả, ngọt ngào với những giấc mơ xa nơi con đường làng rợp bóng tre xanh, cái cà-men cũ, đôi quang gánh, mùng vải, chiếc xe bò… ở một làng quê nghèo trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2016). Là những lát cắt đời thường, gần gũi, lối thoại đậm chất đời về một gia đình lao động nghèo tại Sài Gòn trong hành trình chạm đến yêu thương ở “Bố già” (2022). Là bức tranh số phận đầy tính biểu tượng của “những con người đổ nát” (chữ dùng của Nguyễn Ngọc Tư) nơi xóm chài miền Tây với những dòng chảy lẻ, những mái tranh nghèo, những con đò dọc ngang… trong “Tro tàn rực rỡ” (2023).
Đáng tiếc, dù đạt doanh thu cao, được công chiếu tại rạp thương mại ở nhiều nước trên thế giới hay đoạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, phim Việt vẫn thất bại tại đấu trường quốc tế. Kể từ năm 1993, chỉ có 21 bộ phim Việt Nam được gửi dự tranh hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất, nhưng điểm chung là không lần nào lọt vào danh sách 5 bộ phim được đề cử chính thức, tái lập thành tích của “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng.
“Khán giả” quốc tế cần gì ở phim Việt?
“Phim quốc tế xuất sắc” luôn là hạng mục hấp dẫn tại giải Oscar. Đường đua Oscar năm nay được xem là khắc nghiệt, với mặt bằng chung của các đại diện toàn cầu được đánh giá cao.
Một trong những ứng cử viên nặng ký không chỉ ở hạng mục Phim nước ngoài mà cả Phim xuất sắc nhất của năm là bộ phim thuộc thể loại tội phạm, nhạc kịch của Pháp - “Emilia Pérez” - kể về hành trình chuyển giới của một ông trùm băng đảng ma túy Mexico. Bên cạnh đó còn có “Kneecap”, tác phẩm hài, chính kịch của Ireland.15 bộ phim lọt vào danh sách rút gọn của Oscar sẽ được công bố vào ngày 17/12. Sau đó, Viện Hàn lâm Mỹ sẽ chính thức đề cử 5 tác phẩm xuất sắc nhất vào ngày 17/1/2025.
Với một nền điện ảnh chưa mang nhiều dấu ấn như điện ảnh Việt hiện nay, việc tham dự Oscar chủ yếu nghiêng nhiều về khía cạnh giao lưu, quảng bá văn hóa với các tác phẩm sở hữu ngôn ngữ điện ảnh hàm súc, góc khai thác mang đậm dấu ấn tâm hồn, văn hóa Việt. “Đào, phở và piano”, ở góc độ chuyên môn, phải thẳng thắn nhìn nhận phim còn nhiều hạn chế. Kinh phí đầu tư 20 tỷ, có lẽ đơn vị sản xuất cũng không thể làm gì khác.
Bài toán kinh phí cho những bộ phim chiến tranh, lịch sử hay cần đến sự chung tay của cả xã hội, có thể xã hội hóa kinh phí, hoặc phối hợp giữa tư nhân - nhà nước. Đơn cử như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - bộ phim do Nhà nước tài trợ, kết hợp cùng 3 hãng phim tư nhân - đã đạt doanh thu ấn tượng 78 tỷ đồng vào năm 2015.
Bên cạnh đó, nếu một bộ phim xuất sắc ở kịch bản, đề tài nhưng hình ảnh lại chưa được đầu tư kỹ lưỡng. Hơn nữa, như ý kiến của nhà phê bình Nguyên Lê thì phụ đề - yếu tố vô cùng quan trọng giúp các giám khảo quốc tế hiểu được văn hóa Việt - thường không được đầu tư thỏa đáng.
Hy vọng từ dấu ấn của “Đào, phở và piano”, trong thời gian tới, điện ảnh Việt sẽ được khoác lên mình một diện mạo mới.
Phan Thiên Di
Nguồn VNCA : https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/tu-lich-su-dan-toc-den-duong-dua-oscar-2025-i747555/