Dấu mốc lịch sử của dân tộc
Lịch sử của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, từ cổ chí kim, đều diễn ra dưới hai hình thái phổ biến. Một là sự phát triển tuần tự, trong đó các sự kiện nối tiếp nhau. Cùng với đó, cũng tồn tại một hình thái phát triển khác, đó là những sự kiện mang tính đột biến. Những sự kiện đột biến này thường tạo ra sự mở đầu cho một thời kỳ lịch sử mới và đương nhiên, cũng là dấu mốc kết thúc một thời kỳ lịch sử trước đó.
Diễu binh, diễu hành mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra tại TP.HCM sáng 30/4.
Trong lịch sử Việt Nam, đã từng có những sự kiện, những thời điểm lịch sử diễn ra dưới hình thức đột biến. Chẳng hạn, sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc, người Việt Nam đã giành lại được độc lập, mở ra một thời đại mới: thời đại của văn minh Đại Việt. Rõ ràng, thế kỷ X được coi là một dấu mốc đặc biệt, phân biệt giữa trước và sau thời kỳ mất độc lập và giành lại được độc lập.
Sự kiện 30/4/1975, theo một cách nhìn lịch sử, có thể được so sánh với các thời khắc quan trọng trong quá khứ dân tộc.
Đó là, năm 938, khi Ngô Quyền giành chính quyền và xưng vương, nhưng phải đến 30 năm sau, vào năm 968, khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và thống nhất đất nước, chúng ta mới hoàn thành sự nghiệp tái lập quốc.
Tương tự như vậy, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công vào năm 1945, phải đợi đến 30/4/1975, 30 năm sau, đất nước mới được thống nhất, từ Bắc chí Nam, tạo nên một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và thống nhất.
Đến thời kỳ hiện đại, từ một vùng đất gần như bị xóa tên trên bản đồ thế giới, chỉ còn là các vùng xứ Bắc Kỳ, xứ Trung Kỳ, ngang với xứ Lào, xứ Miên, chúng ta đã trở lại thành một quốc gia với vị thế bình đẳng trên bản đồ thế giới.
Ngày 9/8/1945, chúng ta giành được chính quyền, sau gần một thế kỷ sống dưới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân, người Việt Nam, không chỉ là một sự kiện lịch sử mà còn là một dấu mốc tạo ra một sự phát triển đột biến, làm thay đổi cơ bản tính chất của một giai đoạn lịch sử, chuyển sang một giai đoạn mới.
Ngày 30/4 năm nay, chúng ta kỷ niệm một sự kiện vô cùng vĩ đại trong lịch sử Việt Nam – chiến thắng trong một cuộc chiến không cân sức và thống nhất đất nước. Nếu nhìn một cách đơn giản, đây chỉ là kết thúc của một cuộc chiến tranh, nhưng cuộc kháng chiến chống thực dân đã kéo dài từ năm 1946 khi Hồ Chủ tịch kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Mọi tâm sức của toàn thể nhân dân và quân đội đều dành cho cuộc kháng chiến này, một quá trình liên tục, mặc dù có những giai đoạn tạm ngừng qua các hiệp định hòa bình ngắn, nhưng về cơ bản là một chuỗi sự kiện liên tục.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác, chúng ta sẽ thấy rằng vào năm 1945, khi giành được chính quyền, đất nước ta chưa có được một vị thế trọn vẹn. Lúc đó, chúng ta vẫn phải chờ đợi sự hiệp thương thống nhất đất nước, kéo dài hơn hai năm, nhưng cuối cùng không thực hiện được.
Vì vậy, việc tiếp tục kháng chiến để giải phóng hoàn toàn đất nước từ năm 1954 - 1975 chính là sự tiếp nối của cuộc kháng chiến giữ độc lập, sau khi đã giành được độc lập vào năm 1945 và là bước quan trọng để giành toàn quyền thống nhất đất nước.
Khối đại đoàn kết là sức mạnh vô song
Ngày 30/4/1975 không chỉ đơn giản là một sự kiện chính trị, là một chiến thắng quân sự.
Ngoài chiến thắng, chúng ta cũng không thể quên cái giá mà cuộc chiến tranh đã phải trả. Chiến tranh không chỉ gây tổn thất về vật chất mà còn để lại tổn thương sâu sắc về tinh thần cho cả dân tộc.
Đảng ta đã huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, bởi Đảng là hiện thân của lợi ích tối thượng của dân tộc.
Chính vì vậy, khi kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta không chỉ nhìn vào những thắng lợi, mà phải nhận thức rằng chúng ta đã trả một cái giá rất đắt để có được sự độc lập, thống nhất và vị thế trên trường quốc tế. Cái giá ấy không chỉ là sự hy sinh của hàng triệu chiến sĩ và đồng bào, mà còn là những vết hằn sâu đậm trong lòng dân tộc.
Đảng và Nhà nước hiện nay đã và đang thực hiện các chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, để vết thương chiến tranh không còn là rào cản cho sự phát triển và đoàn kết của đất nước.
Nửa thế kỷ sau chiến tranh, chúng ta cần suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề quan trọng để tiến tới những cuộc hành trình lớn hơn, huy động sức mạnh dân tộc vào các nhiệm vụ trọng đại hơn. Đoàn kết thống nhất là điều vô cùng quan trọng, bởi ngoài vũ khí và phương tiện vật chất, sức mạnh vô biên của chúng ta chính là tinh thần đoàn kết và ý chí quyết tâm.
Tuy nhiên, tinh thần ấy phải luôn hướng về lợi ích dân tộc, và chính vì thế, Đảng ta đã huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, bởi Đảng là hiện thân của lợi ích tối thượng của dân tộc.
Khi công tác ở nước ngoài, tôi đã nghe rất nhiều giáo sư quốc tế nói rằng Việt Nam có một tài nguyên vô cùng lớn mà chúng ta chưa khai thác được, đó là cộng đồng khoảng 5 triệu người Việt Nam sống ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển.
Nếu chúng ta tận dụng được nguồn lực này, sức mạnh của chúng ta sẽ vô cùng lớn. Tôi có linh cảm rằng, với đường lối mới của Ban Chấp hành Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, việc này sẽ được chú trọng hơn.
Từ "lũy tre làng" bước ra thế giới
Trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", ngày 5/9/1945 Bác Hồ viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu".
Khi đó đất nước chúng ta đang đói kém và lạc hậu, nhiều người chưa hiểu, chỉ nghĩ đó là Bác Hồ động viên. Nhưng đến giờ nhìn lại mới thấy đấy là khát vọng hiện thực - khát vọng đưa đất nước vươn mình mà chúng ta đang thực hiện dưới sự dẫn dắt của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Việc này giống như chúng ta đang trải qua những gì cần phải có trong hành trang đã chuẩn bị đầy đủ: một đất nước thống nhất; một nền tảng về nhân lực; vị thế quốc tế.
Có một thời kỳ dài, chúng ta thường bị ám ảnh bởi một triết lý rất "làng quê", đó là tư tưởng "ta về ta tắm ao ta", tức là chỉ lo cho mình mà không nhìn thấy bức tranh lớn hơn.
Tuy nhiên, với sự phát triển hiện nay, Việt Nam không thể chỉ chú trọng vào nội tại mà không quan tâm đến thế giới xung quanh. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, chúng ta cần phải mở rộng tầm nhìn, học hỏi từ các quốc gia khác để phát triển. Điều này không chỉ giúp chúng ta kết nối với thế giới mà còn giúp ta nhìn nhận các vấn đề nội bộ một cách khách quan hơn.
Ví dụ, trong công cuộc xây dựng đất nước, chúng ta cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng và phát triển công nghệ. Chính vì vậy, chúng ta không thể chỉ tồn tại trong "ao nhà" mà phải bước ra thế giới, tìm hiểu và học hỏi.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện những bước đi lớn trong việc hội nhập quốc tế, xây dựng các chính sách đối ngoại nhằm củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã và đang chứng tỏ mình là một đối tác đáng tin cậy và có ảnh hưởng quan trọng trong các diễn đàn quốc tế.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta nhận thấy rằng trong những giai đoạn khó khăn, đất nước luôn biết tìm ra con đường đúng đắn, giữ vững chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia. Vì thế, trong hành trình tiếp theo, Việt Nam cần duy trì sự đoàn kết và sức mạnh nội tại để bước ra thế giới với tư thế vững vàng hơn.
Để đạt được mục tiêu đó, mỗi người dân Việt Nam đều có trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ, phát triển, thịnh vượng và có vị thế trên trường quốc tế. Chúng ta không thể chỉ nhìn lại quá khứ mà phải hướng tới tương lai.
Trong tương lai đó, Việt Nam phải tiếp tục khẳng định mình không chỉ là một quốc gia độc lập, mà còn là một quốc gia có ảnh hưởng, góp phần tạo dựng một thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Chính vì vậy, những nỗ lực trong việc thúc đẩy sự đoàn kết dân tộc, xây dựng một nền kinh tế vững mạnh và bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước là vô cùng quan trọng.
Ngày 30/4 không chỉ là ngày chiến thắng mà còn là biểu tượng của quá trình đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử, và từ đó, chúng ta nhìn nhận lại quá trình phát triển của đất nước và hướng tới một tương lai đầy triển vọng.
GS.TS Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội)
GS.TS Vũ MInh Giang