Đối với khoảng thời gian còn lại của năm 2025, các chuyên gia cho rằng tác động từ biến động của chính sách thương mại, thuế quan trên toàn cầu với thị trường vàng, chứng khoán sẽ giảm đi, thay vào đó là sự tác động của nhiều biến số khác.
Căng thẳng địa chính trị là yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu tâm. Ảnh: NGỌC DIỆP
Nhà đầu tư vàng cần thận trọng theo dõi căng thẳng địa chính trị trên toàn cầu
Phân tích về diễn biến giá vàng thế giới, chuyên gia độc lập Trần Duy Phương cho rằng khoảng thời gian nửa đầu năm 2025, giá vàng thế giới đã tăng rất mạnh, ước tính khoảng 900USD/ounce. Từ đầu tháng 1-2025, giá vàng thế giới khởi điểm khoảng 2.600USD/ounce, đến khoảng ngày 22-4-2025, giá vàng thế giới chạm ngưỡng trên 3.500USD/ounce.
"Có thể khẳng định mức tăng này là rất cao trong hàng chục năm nay”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo phân tích của ông Phương, nguyên nhân chủ yếu đẩy giá vàng thế giới tăng như vậy do biến động của chính sách thuế quan. Giá vàng thế giới hiện vẫn ở trên ngưỡng 3.300USD/ounce, cao hơn ngưỡng đầu năm khoảng 700USD/ounce.
Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua. Nguồn: GoldPrice
Với 6 tháng còn lại của năm, chuyên gia độc lập Trần Duy Phương dự báo giá vàng thế giới sẽ biến động ổn định hơn, không có những đợt tăng mạnh như 6 tháng đầu năm. Thậm chí không loại bỏ khả năng giá vàng thế giới có thể suy giảm nhẹ, trở lại mức trước khi tăng mạnh vào quý IV-2025.
Căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và nhiều nước đối tác thương mại rất quan trọng của nước này như Trung Quốc hiện đang được giải quyết thông qua đàm phán, ngoại giao. Ngoài ra, thời gian tới, phía Mỹ sẽ có thêm những cuộc đàm phán khác với đại diện nhiều nước. Kết quả đàm phán sẽ sớm ngã ngũ, các bên sẽ đạt được đồng thuận.
Như vậy, ông Phương khẳng định vấn đề thuế quan sẽ không còn tác động mạnh đến giá vàng thế giới nửa sau năm 2025, thay vào đó sẽ là vấn đề Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cơ bản đồng USD.
Vị chuyên gia độc lập này khuyến cáo nhà đầu tư cần đặc biệt quan tâm đến tình hình căng thẳng tại Trung Đông cũng như Nga – Ukraine. Cho đến thời điểm này, chưa có tín hiệu nào cho thấy cả hai khu vực nói trên thực sự ổn định hay căng thẳng chấm dứt. Thậm chí, không loại trừ khả năng căng thẳng vẫn sẽ bùng phát lại trên diện rộng. Yếu tố này tiềm ẩn nhiều biến số gây bất ngờ và có thể tác động mạnh đến giá vàng thế giới.
Thị trường chứng khoán thế giới và trong nước đón nhận nhiều yếu tố tích cực
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm, có hai yếu tố chính tác động đến các thị trường tài sản như vàng, chứng khoán.
Yếu tố đầu tiên là thuế quan. Tuy nhiên, kết quả thuế quan chắc chắn sẽ không gây ra tác động mạnh đến giá cả các loại tài sản như thời điểm tháng 4.
Theo kinh nghiệm quan sát, các yếu tố địa chính trị hay căng thẳng thương mại thông thường chỉ tác động mạnh vào thời điểm ban đầu. Khi thông tin mới công bố, thường sẽ có những cú sốc trên thị trường nhưng sau đó thị trường hồi phục lại, nhiều nhà đầu tư sẽ làm quen dần.
Vì vậy, nếu sắp tới có biến động mạnh về chính sách thuế quan, thị trường tài sản như vàng, cổ phiếu cũng sẽ không phản ứng quá mạnh.
Nhìn vào bối cảnh kinh tế Mỹ, trong quý đầu tiên của năm 2025, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng âm. Áp lực đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới khá lớn, nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn ở mức thấp. Nhà đầu tư đồng thời cần quan tâm nhiều đến diễn biến lạm phát khi trong tháng 5 vừa rồi, lạm phát của Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại.
Tuy nhiên, tình hình đối thoại thuế quan giữa Mỹ và nhiều nước khả năng cao sẽ có nhiều diễn biến tích cực trong thời gian tới.
Diễn biến lãi suất của Fed cũng là yếu tố nhà đầu tư cần quan tâm. Nhiều khả năng Fed sẽ có đợt hạ lãi suất cơ bản đồng USD vào tháng 9 và tháng 10 năm nay. Nếu kịch bản hạ lãi suất thực sự xảy ra, điều này cũng sẽ tác động đến thị trường. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong khi nới lỏng có nghĩa là bơm tiền.
Với kịch bản đó, thị trường chứng khoán luôn hưởng lợi. Từ hành động bơm tiền, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn. Định giá của thị trường (P/E) hiện đang ở mức 14 lần, nhưng thời gian tới, khi diễn biến thương mại toàn cầu có lợi cho Việt Nam, định giá sẽ còn hấp dẫn hơn.
Diễn biến thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2025 cho đến nay. Nguồn: Investing
Từ nội tại trong nước, Việt Nam hiện vẫn đang có lợi thế, đón nhận mọi sự hỗ trợ tốt nhất từ Chính phủ, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ hiện không còn lớn, nhưng chính sách tài khóa vẫn còn nhiều dư địa để nới lỏng, kích thích cho nền kinh tế tăng trưởng.
Chính phủ vẫn đang rất kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, với mức tăng trưởng này, thị trường chứng khoán sẽ đón nhận nhiều ảnh hưởng tích cực để tiếp tục đi lên từ nay đến cuối năm.
Giá vàng thế giới sẽ vẫn có tiềm năng tăng thêm, tuy nhiên nhà đầu tư cần cẩn trọng với kịch bản dư địa tăng của giá vàng không còn nhiều. Không thể loại bỏ kịch bản sẽ có những thời điểm bất ổn toàn cầu, bất định gia tăng, giá vàng thế giới lên mạnh tuy nhiên số lần tăng không nhiều như thời gian trước.
Ngày 5-7, chỉ số đồng USD, chỉ số thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh trong rổ các đồng tiền chủ chốt - đạt 96,9 điểm, thấp nhất trong 3 năm qua. Chỉ số này đang thấp hơn 10% so với đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước hiện niêm yết tỷ giá trung tâm tại 25.116 đồng, tăng 25 đồng so với trước đó. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng 23.860-26.371 đồng.
Các ngân hàng thương mại ngày hôm nay tiếp tục nâng giá USD lên sát mức trần. Giá USD trong ngân hàng đã cao hơn 3,2% so với đầu năm và là mức cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể, tỷ giá tại ngân hàng lớn là 25.980-26.370 đồng (mua - bán). Tại các ngân hàng tầm trung, giá USD là 25.990-26.371 đồng (mua - bán).
Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ mua bán đôla Mỹ quanh vùng 26.450-26.550 đồng (mua - bán), tăng nhẹ so với cuối tuần trước.
NGỌC DIỆP