Từ ngập lụt đến cháy rừng mất kiểm soát: Tại sao California thành điểm nóng thiên tai?

Từ ngập lụt đến cháy rừng mất kiểm soát: Tại sao California thành điểm nóng thiên tai?
8 giờ trướcBài gốc
Từ mưa lũ dữ dội đến cháy rừng nghiêm trọng, bang California đang đối mặt với những hệ quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.
“Cú quật thời tiết”
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão tại Merced, California, Mỹ, ngày 10/1/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN ngày 9/1, miền Nam California từng chìm trong biển nước chưa đầy một năm trước. Một đợt mưa lớn từ các dòng sông bắt đầu vào tháng 12/2023 và đạt đỉnh điểm vào đầu tháng 2/2024 khi lượng mưa gần 300 mm trút xuống Los Angeles. Đây là một mùa đông chết chóc với những cơn bão gây ngập đường, trôi xe và kích hoạt hàng trăm vụ lở bùn đất.
Hiện tại, thời tiết đã đổi chiều. Hạn hán đã bao trùm miền Nam California sau một trong những mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận tại khu vực này và khởi đầu mùa mưa khô hạn nhất trong lịch sử. Thời tiết này đã biến toàn bộ thảm thực vật phát triển nhờ lượng mưa lớn mùa đông năm ngoái thành vật liệu dễ cháy, châm ngòi cho một tuần thảm khốc. Các đám cháy rừng bùng phát ngoài tầm kiểm soát tại các khu dân cư ở khu vực Los Angeles, ngày càng nghiêm trọng do gió mạnh nhất trong chục năm trở lại đây.
Ông Daniel Swain, nhà khoa học khí hậu tại Đại học California, Los Angeles, nói: “Nếu chúng ta có lượng mưa đáng kể hoặc phân bố rộng trong những tuần và tháng trước sự kiện này, chúng ta sẽ không phải trải qua mức độ tàn phá như hiện tại”.
California đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Khí hậu Địa Trung Hải của bang này vốn đã bị chi phối bởi những thái cực: mùa hè không có mưa và phần lớn lượng mưa rơi vào mùa đông. Do đó, ngay cả những thay đổi nhỏ trong mô hình thời tiết cũng có thể đẩy bang này vào các giai đoạn ngập lụt như hoặc hạn hán khắc nghiệt.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 9/1 trên tạp chí Nature, những dao động lớn từ khô sang ẩm rồi lại khô này (được gọi là “cú quật thời tiết”) đang ngày càng trở nên phổ biến hơn khi Trái Đất nóng lên do ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch. Những dao động này cũng làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng và xác suất xảy ra các nguy cơ như cháy rừng và lũ quét.
Loạt cơn bão dữ dội mùa đông năm ngoái ở California đã khiến thảm thực vật phát triển mạnh, dẫn đến lượng thảm thực vật ước tính gấp đôi mức trung bình của khu vực.
Chính thảm thực vật khô nỏ sau 8 tháng khô hạn này đã trở thành nguồn nhiên liệu cho các đám cháy đang diễn ra.
Ông Swain, đồng tác giả nghiên cứu nói trên, nhận định: “Chuỗi thay đổi thời tiết này ở California đã làm tăng gấp đôi nguy cơ cháy rừng”.
Ngôi nhà bị thiêu rụi trong đám cháy rừng tại Pacific Palisades, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 7/1/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Thời tiết khô hanh và thảm thực vật dễ cháy dồi dào đã đủ để kích hoạt cháy rừng. Tuy nhiên, các đám cháy trong tuần này còn nghiêm trọng hơn do cơn bão gió Santa Ana mạnh bất thường. Đây là một yếu tố tàn phá bổ sung vào tình hình vốn đã nguy hiểm. Những ngọn lửa được gió mạnh tới 160 km/h tiếp sức, quét qua từng ngôi nhà, khiến lực lượng cứu hỏa không thể kiểm soát được các đám cháy lan nhanh.
Mưa mùa đông đến càng muộn thì bang California với khí hậu Địa Trung Hải càng dễ bị ảnh hưởng bởi cháy rừng cực đoan.
Mùa cháy rừng ở California thường lên đến đỉnh điểm vào tháng 10, khi cỏ và bụi rậm đã bị hong khô trong mùa hè rồi gặp gió Santa Ana. Sau đó, cháy rừng sẽ giảm khi mưa mùa đông bắt đầu.
Tuy nhiên, trận cháy rừng ở Los Angeles đang diễn ra là ví dụ mới nhất cho thấy Trái Đất nóng lên đã xóa bỏ khái niệm mùa cháy rừng.
Thống đốc California, ông Gavin Newsom, nói ngày 7/1: “Thời điểm này trong năm vốn không phải là mùa cháy rừng, nhưng giờ đây chúng ta phải từ bỏ mọi quan niệm rằng có một mùa nhất định. Giờ đây, cháy rừng kéo dài quanh năm ở bang California”.
Theo ông Swain, thời điểm này là khởi đầu mùa đông khô hạn nhất từng được ghi nhận ở miền Nam California. Các nhà dự báo tại Trung tâm Liên ngành Quốc gia về Cháy rừng cảnh báo khu vực này sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ cháy lớn trên mức bình thường cho đến tháng 1. Điều này cũng có thể dẫn đến mùa cháy rừng thông thường ở các khu vực có vị trí cao bắt đầu sớm hơn.
Những vụ cháy dữ dội sẽ vẫn có khả năng xảy ra cho đến khi thời tiết trở lại trạng thái ẩm ướt và California có được một mùa mưa đông nhiều mưa. Biến đổi khí hậu khiến thời điểm đó ngày càng khó dự đoán hơn.
Diễn biến mới nhất ở Los Angeles
Trong khi đó, theo kênh CNBC, tới ngày 9/1 (giờ Mỹ), các đám cháy rừng dữ dội tiếp tục hoành hành tại khu vực Los Angeles, khiến số người phải sơ tán đã lên tới 180.000 người và hiện có khoảng 200.000 người khác đã nhận được cảnh báo có nguy cơ phải sơ tán trong trường hợp cháy rừng tiếp tục lan rộng. Đã có ít nhất 6 người thiệt mạng.
Các đám cháy hoành hành ở Los Angeles đến nay đã lan rộng ra diện tích khoảng 117,3 km vuông. Trong đó, hai đám cháy lớn nhất là Palisades và Eaton đã thiêu rụi hơn 11.300 ha. Khói đen, không khí khét lẹt bao trùm cả một vùng rộng lớn.
Video cháy nghiêm trọng tại Los Angeles (Nguồn: The Guardian):
Theo thống kê sơ bộ, đám cháy Palisades, bắt đầu tại khu vực giữa Santa Monica và Malibu, đã thiêu rụi khoảng 300 nhà cửa và gây hư hại cho khoảng 13.300 ngôi nhà khác. Đám cháy Eaton, gần khu vực Pasadena, đã ngừng lan rộng song vẫn chưa thể khống chế hoàn toàn. Độ ẩm thấp, trong khi gió mạnh với tốc độ 96 km/h là những yếu tố khiến công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Dự báo gió mạnh sẽ còn kéo dài đến tối 10/1, tạo ra mối đe dọa lớn cho những khu vực dễ bị cháy.
Lính cứu hỏa từ nhiều bang khác của Mỹ đang được điều động đến California, trong khi 250 đội cứu hỏa với 1.000 nhân sự đang được điều động từ Bắc California đến Nam California.
Các chuyên gia tài chính ước tính rằng thảm họa cháy rừng lần này có thể gây thiệt hại bảo hiểm lên tới 8-20 tỷ USD, vượt qua mức thiệt hại từ các đám cháy lớn trước đó như đám cháy Woolsey năm 2018. Việc nhiều ngôi nhà không có bảo hiểm đầy đủ hoặc chỉ được bảo hiểm thông qua các chương trình đặc biệt sẽ làm gia tăng tác động tài chính đối với người dân và doanh nghiệp.
Cháy rừng tại Los Angeles được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử của thành phố này. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục nỗ lực ngừng đám cháy và giảm thiểu thiệt hại trong khi chuẩn bị đối phó với các tình huống phát sinh khác.
Thùy Dương/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tu-ngap-lut-den-chay-rung-mat-kiem-soat-tai-sao-california-thanh-diem-nong-thien-tai-20250110102550876.htm