Sau một thời gian triển khai thí điểm, từ ngày 1-4, Khánh Hòa chính thức áp dụng Bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc (KPI) để đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh.
Nỗ lực hoàn thành giai đoạn thí điểm
Có thể nói, KPI không xa lạ với khu vực doanh nghiệp, nhưng đối với hệ thống chính trị tỉnh là vấn đề mới mẻ. Tuy nhiên, xác định đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những khâu đột phá chiến lược, từ cuối năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng khung chỉ số KPI phù hợp với từng ngành, lĩnh vực và đầu năm 2025 thí điểm áp dụng tại một số cơ quan, đơn vị. Tháng 2-2025, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã thông qua Quy định Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng và KPI đối với cán bộ, công chức, viên chức trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thành lập Tổ công tác KPI; xây dựng phần mềm KPI tích hợp trên phần mềm Quản lý văn bản và điều hành E-Office; xây dựng, hoàn thiện Danh mục đầu công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương; tập huấn cho 51 cơ quan, đơn vị và tập huấn riêng theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện, ngày 27-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện vị trí việc làm và KPI cho khoảng 7.000 cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh.
Hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Trong tháng 3, có 19 cơ quan, đơn vị, địa phương đã được thí điểm áp dụng KPI để đánh giá kết quả, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức. Tại hội nghị quán triệt thực hiện vị trí việc làm và KPI, ông Nguyễn Văn Thiện - Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, từ hơn 130 đầu mục công việc, sau khi rà soát, cơ quan đã tinh gọn còn 50 đầu mục. Qua triển khai thí điểm, phần mềm vẫn còn nhiều thao tác thủ công; chưa có bộ tiêu chuẩn KPI theo ngành dọc; thiếu tiêu chí định lượng chuẩn cho các công việc như: Dân vận, giám sát, tham gia đoàn thể...; một số cán bộ chưa quen thao tác ghi nhật ký, xử lý giao việc, kê khai nhật ký sót. Tuy nhiên, với việc khắc phục những vướng mắc phát sinh, áp dụng KPI là bước đi tích cực, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa nền hành chính công.
Ông Trần Xuân Lãm - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nha Trang nhìn nhận, các hệ số tính điểm là công cụ thiết yếu để đo lường hiệu suất làm việc và giúp lãnh đạo quyết định sáng suốt về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Ông đề xuất bổ sung cho phần mềm tính năng cảnh báo khi vượt quá giới hạn thời gian làm việc chuẩn trong ngày; đồng thời hỗ trợ sử dụng phần mềm thường xuyên. Ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Sở Tài chính chia sẻ, sở vận hành KPI trên E-Office theo 4 bước: Tổ chức quán triệt, giải thích áp dụng hệ thống; tổ chức triển khai, hướng dẫn sử dụng, kê khai, đánh giá theo quan điểm “cầm tay chỉ việc”; rà soát, đánh giá, giải đáp vướng mắc, hướng dẫn, chấn chỉnh; xây dựng Sổ tay KPI cho cơ quan đối với danh mục các công việc chuyên môn đặc thù song song với tài liệu hướng dẫn của Tổ công tác KPI. Theo ông Nhân, mô tả và đánh giá công việc là 2 yếu tố quan trọng để đưa ra chỉ số KPI phù hợp, phản ánh được thực chất thời gian, năng suất làm việc và trình độ công chức.
Theo bà Lê Thu Hải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy, quá trình thí điểm cho thấy, tuy vẫn còn một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ, chưa sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu thống nhất trong quá trình giao việc, theo dõi công việc và đánh giá kết quả…, nhưng nhìn chung, nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và ý thức của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao. Cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai vị trí việc làm; chủ động, tích cực thống kê công việc hằng ngày và thực hiện KPI.
Tại hội nghị quán triệt thực hiện vị trí việc làm và KPI ngày 27-3, ông NGHIÊM XUÂN THÀNH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: KPI đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới; Khánh Hòa là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước áp dụng KPI. Đây là bước đột phá trong đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức, là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị cấp thiết, cần tổ chức triển khai nghiêm túc, bài bản.
Sẵn sàng triển khai trên toàn tỉnh
Ông Bùi Vũ Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Dịch vụ hành chính công trực tuyến (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết, sở đã tiếp thu các góp ý để từng bước cải tiến, hoàn chỉnh phần mềm KPI. Đến nay, phần mềm hoạt động ổn định, được tích hợp thêm các tiện ích hỗ trợ cần thiết và sẵn sàng cho việc triển khai trên toàn tỉnh từ đầu tháng 4.
Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến.
Ông Võ Chí Vương - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, ngày 28-2-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1636 về Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, trong đó xác định, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể, được đo lường bằng phần mềm KPI. Theo đó, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ căn cứ vào số điểm kết xuất thực tế từ phần mềm KPI để quy đổi và chiếm 70% tổng số điểm đánh giá; đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, tỷ lệ này chiếm 50% tổng số điểm đánh giá. Đây chính là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá, xếp loại, đề xuất khen thưởng các tập thể, cá nhân hằng năm. Quy định số 1636 đã tạo nền tảng rõ ràng, minh bạch hơn, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. Hiện nay, danh mục đầu công việc dùng chung trong toàn tỉnh đã được xác định và đang thực hiện hiệu quả tại các cơ quan triển khai thí điểm. Hạ tầng công nghệ và phần mềm được chỉnh sửa, nâng cấp kịp thời. Có thể khẳng định, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng cho việc triển khai trong toàn tỉnh.
NGUYỄN VŨ