Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo quy định tại Điều 67 và khoản 2 Điều 99 của luật này, lương hưu của người lao động sẽ tiếp tục được điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Đáng chú ý, việc điều chỉnh lần thứ ba sẽ tập trung vào nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và đã nghỉ hưu trước năm 1995. Mục tiêu của chính sách là đảm bảo điều chỉnh mức tăng lương hưu một cách thỏa đáng, góp phần thu hẹp chênh lệch giữa những người nghỉ hưu ở các thời kỳ khác nhau. Những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi sẽ không thuộc diện được tăng lương hưu trong lần điều chỉnh năm 2025.
Ảnh minh họa.
Trước đó, từ ngày 1/7/2024, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo quy định đã được điều chỉnh tăng lương hưu lần thứ hai. Cụ thể, mức tăng là 15% trên lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra, theo Nghị định 75/2024/NĐ-CP của Chính phủ, những người có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng còn được điều chỉnh tăng thêm.
Cụ thể:
Đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng: Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng.
Đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng: Tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi điều chỉnh theo quy định trên, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được dùng làm căn cứ để tính toán trong các lần điều chỉnh tiếp theo.
Như vậy, nhóm đối tượng sẽ được tăng lương hưu lần thứ ba kể từ ngày 1/7/2025 là những người có mức lương hưu thấp và đã nghỉ hưu trước năm 1995, nhằm tiếp tục thực hiện chính sách an sinh xã hội công bằng và bền vững.
Bảo Ngọc (t/h)