Từ nghệ thuật dân gian đến đối ngoại văn hóa

Từ nghệ thuật dân gian đến đối ngoại văn hóa
6 giờ trướcBài gốc
Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Phu nhân Ishiba Yoshiko thăm Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Không chỉ là những hoạt động mang tính biểu tượng, các sự kiện này đã khơi dậy giá trị của văn hóa dân gian như một đại sứ, góp phần làm sâu sắc thêm đối ngoại văn hóa Việt Nam trong thời đại hội nhập. Khi hai phu nhân cùng thêu quả còn – biểu tượng của sinh sôi, thịnh vượng trong quan niệm của người Thái – từng đường kim mũi chỉ là cách để gửi đi thông điệp về gìn giữ bản sắc trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Khi Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra thực hiện bức tranh Đông Hồ – một dòng tranh dân gian với lịch sử hàng trăm năm – không chỉ thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa Việt mà còn mở ra không gian giao lưu nghệ thuật truyền thống đầy chiều sâu trong khuôn khổ ngoại giao.
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ.
Tranh dân gian Đông Hồ, quả còn, sản phẩm lụa đũi Nam Cao, bánh cốm, nghệ thuật pha trà hay trò chơi dân gian… không chỉ là sản phẩm vật chất mà còn là kết tinh của tri thức bản địa được gìn giữ và kế thừa qua nhiều thế hệ.
Với vẻ đẹp mộc mạc, giàu cảm xúc, văn hóa dân gian khơi mở không gian giao lưu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, từ đó văn hóa được lan tỏa bằng những hoạt động trải nghiệm. Một trò chơi dân gian, một sản phẩm thủ công truyền thống, một làn điệu dân ca, múa xòe Tây Bắc… đã chuyển tải chiều sâu của bản sắc văn hóa, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia nhân văn, thân thiện và giàu truyền thống. Mỗi khoảnh khắc giao lưu văn hóa là một nhịp cầu đưa bản sắc Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế, làm giàu thêm sự hiểu biết và sẻ chia giữa các dân tộc.
Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Yoshiko trải nghiệm làm quả còn.
Có thể thấy, văn hóa đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại. Ngoại giao văn hóa hiện được xác định là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Với khả năng lan tỏa tự nhiên, dễ đi vào lòng người nhờ yếu tố cảm xúc và tính gần gũi, văn hóa dân gian trở thành chất liệu đặc biệt để tổ chức các hoạt động đối ngoại văn hóa đậm đà bản sắc.
Không cần đến những sân khấu lớn hay nghi lễ cầu kỳ, một trò chơi dân gian, một làn điệu dân ca, một tấm vải thổ cẩm hay động tác múa xòe cũng đủ kể một câu chuyện mang chiều sâu văn hóa và đậm đà tinh thần dân tộc.
Phu nhân Lê Thị Bích Trân và Phu nhân Ishiba Yoshiko thăm không gian làng dân tộc Xơ Đăng.
Việt Nam là quốc gia sở hữu kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, từ trò chơi, nghi lễ, dân ca, sản phẩm thủ công đến các tri thức bản địa. Mỗi yếu tố đều có tiềm năng trở thành “đại sứ văn hóa” nếu được chọn lọc và tổ chức một cách tinh tế trong các sự kiện ngoại giao. Những chuyến thăm cấp cao kết hợp không gian văn hóa truyền thống, như các hoạt động gần đây với Nhật Bản hay Thái Lan… là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc tích hợp văn hóa dân gian trong đối ngoại.
Tuy nhiên, để mỗi không gian văn hóa trở thành một “câu chuyện kể” tự nhiên có bối cảnh, có cảm xúc… cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản về nội dung, hình thức và truyền thông. Quan trọng hơn là hiện đại hóa cách thể hiện để văn hóa dân gian không chỉ làm nền cho hoạt động ngoại giao mà sẽ trở thành tâm điểm kết nối giữa bản sắc Việt với thế giới sau khi sự kiện ngoại giao kết thúc.
Trò chơi ném còn của đồng bào Thái.
Trong thời đại số, nơi hình ảnh quốc gia ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, nhanh chóng và trực tiếp, hành trình đưa văn hóa dân gian trở thành đại sứ trong đối ngoại không chỉ dừng lại ở các sự kiện tiếp đón mà cần được phát triển thành chiến lược lâu dài, có hệ thống, gắn kết giữa bảo tồn, sáng tạo và quảng bá. Số hóa tranh dân gian, các làn điệu dân ca, trò chơi truyền thống hay nghi lễ dân tộc không chỉ giúp bảo tồn mà còn tăng cường khả năng tiếp cận với công chúng quốc tế.
Việt Nam cần xây dựng chuỗi giá trị văn hóa bền vững từ bảo tồn đến sáng tạo, từ truyền thống đến hội nhập để mỗi thành tố văn hóa dân gian không chỉ sống trong quá khứ mà còn trở thành nguồn lực chiến lược cho tương lai. Đây là cách để bảo vệ và phát huy bản sắc trong bối cảnh toàn cầu hóa mà không đánh mất chiều sâu văn hóa bản địa.
Kết nối qua điệu xòe Tây Bắc.
Từ các sự kiện ngoại giao lớn diễn ra gần đây, ngành văn hóa và các địa phương, bao gồm nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo và nhà nghiên cứu nên nghiên cứu, kiến tạo các không gian văn hóa có khả năng “đối thoại” với bạn bè quốc tế với định hướng rõ ràng: mỗi hoạt động văn hóa gắn với đối ngoại đều phải mang theo một thông điệp, một hình ảnh và một câu chuyện có chiều sâu. Những mô hình như làng tranh Đông Hồ đón khách quốc tế, bảo tàng mở giới thiệu các trò chơi dân gian, các tour du lịch kết hợp trải nghiệm làm bánh, pha trà, dệt thổ cẩm, hay chương trình nghệ thuật dân tộc… đang là những “cửa sổ” để thế giới tiếp cận và hiểu hơn về đất nước Việt Nam.
Mỗi yếu tố trong kho tàng văn hóa dân gian khi được lựa chọn và truyền tải tinh tế, được tổ chức chỉn chu, trọn vẹn không chỉ mang đến xúc cảm sâu sắc mà thực sự trở thành nhịp cầu đưa hình ảnh văn hóa dân tộc Việt Nam lan rộng.
NGỌC LIÊN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tu-nghe-thuat-dan-gian-den-doi-ngoai-van-hoa-post880381.html