Từ ngư tặc trở thành người làm tour du lịch sinh thái ở Philippines

Từ ngư tặc trở thành người làm tour du lịch sinh thái ở Philippines
7 giờ trướcBài gốc
Chuyến đi băng qua rừng ngập mặn vào buổi sáng ở San Jose, Del Carmen, đảo Siargao. Ảnh: Kim Quilinguing.
Từ năm 15 tuổi, Junrey Longos đã sống giữa những cánh rừng ngập mặn xanh mướt và làn nước trong vắt ở thị trấn Del Carmen, đảo Siargao, thủ phủ lướt sóng của Philippines. Vì cuộc sống khó khăn, Longos từng chặt rừng ngập mặn để bán củi.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi chính quyền địa phương triển khai các chương trình đào tạo nghề và phát triển du lịch sinh thái. "Tôi quyết định từ bỏ những việc làm sai trái và bắt đầu trồng lại rừng vào năm 2011", Longos kể, đồng thời tự hào chỉ vào những cái cây ngập mặn do chính tay anh trồng.
Theo SCMP, trong những năm qua, rừng ngập mặn nơi đây từng bị tàn phá nặng nề do các hoạt động đánh bắt bằng thuốc nổ và chặt cây làm than hoặc đốt lò. Tuy nhiên, nhờ vào các nỗ lực trồng lại rừng, khu bảo tồn rừng ngập mặn Del Carmen đã mở rộng từ 4.200 ha (năm 2012) lên hơn 4.800 ha hiện nay. Đặc biệt, vào tháng 8/2024, khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế theo Công ước Ramsar.
Hiện Longos là thành viên của lực lượng tuần tra ngư dân, anh được hưởng mức phụ cấp 9.000 peso mỗi tháng để giám sát các hành vi đánh bắt hoặc chặt cây trái phép. Ngoài giờ làm việc, anh sử dụng chính chiếc thuyền đánh cá của anh để chở khách tham quan rừng ngập mặn.
Những ngôi nhà nằm cạnh cánh rừng ngập mặn của người dân Del Carmen, đảo Siargao. Ảnh: Botak Jon.
Thị trưởng Alfredo Coro cho rằng câu chuyện của những người như Longos chứng minh rằng các cộng đồng nhỏ, thiếu thốn nguồn lực cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường nếu được hỗ trợ đúng cách.
"Thay vì trấn áp, chúng tôi chọn cách giáo dục, đào tạo và tạo cơ hội cho người dân từ du lịch sinh thái", ông nói. Phải mất gần một thập kỷ, chính quyền mới có thể thuyết phục cộng đồng từ bỏ các hành vi khai thác trái phép và nhận thức được giá trị của rừng ngập mặn.
Để khuyến khích người dân thực hiện, thị trấn đã áp dụng cách tiếp cận trực tiếp, đến từng nhà trò chuyện, phát động chiến dịch truyền thông cộng đồng. Các tour sinh thái được chính quyền khởi xướng, sau đó phối hợp cùng các nhóm ngư dân vận hành. Mỗi chuyến đi, ngư dân nhận khoảng 400 peso tiền công.
Nhờ được công nhận bởi Ramsar, Del Carmen chuẩn bị đón làn sóng du lịch mới. Riêng trong năm 2023, Siargao đón hơn 500.000 lượt khách - mức cao nhất từ trước đến nay, vượt xa thời kỳ trước đại dịch. Đảo này vốn nổi tiếng từ những năm 1980 nhờ những con sóng lý tưởng cho bộ môn lướt ván.
Đảo Siargao ở Philippines vốn nổi tiếng với những điểm lướt sóng, bao gồm cả Cloud 9. Ảnh: Shutterstock.
Tuy nhiên, lượng khách du lịch gia tăng có thể gây áp lực lên tài nguyên nhiên của Siargao, đặc biệt là rác thải nhựa và ô nhiễm biển. Ngân hàng Phát triển châu Á từng chỉ ra rằng lượng rác ở Siargao tăng mạnh chính là hệ quả từ sự bùng nổ du lịch.
Để đối phó, chính quyền khuyến khích phát triển du lịch bền vững – như cải thiện hệ thống xử lý rác và thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo tồn môi trường. Người dân được dạy về khoa học môi trường và vai trò quan trọng của rừng ngập mặn trong hệ sinh thái ven biển. "Ban đầu họ hoài nghi, nhưng dần dần họ cũng hiểu ra", Thị trưởng Coro chia sẻ.
Tính đến nay, hàng trăm ngư dân và người từng phá rừng đã chuyển sang làm hướng dẫn viên, chèo thuyền hoặc hỗ trợ tổ chức tour. Trung bình mỗi ngày, thị trấn vận hành khoảng 100 chuyến tham quan sinh thái.
Theo bà Gina Barquilla - cán bộ môi trường thị trấn - các tour sinh thái giúp hạn chế tình trạng đánh bắt cá quá mức. "Thu nhập từ du lịch khiến người dân không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nghề cá", bà nói. Trong trận bão năm 2021, rừng ngập mặn đã bảo vệ các làng chài ven biển khỏi những con sóng dữ và nước biển dâng cao.
Rừng ngập mặn giúp bảo vệ hòn đảo khỏi bão và sóng lớn. Ảnh: Shutterstock.
Trước đây, bà Barquilla từng bị đe dọa cả về pháp lý lẫn thể chất khi trực tiếp đến vận đồng người dân và đuổi theo các tàu đánh bắt cá bằng thuốc nổ.Dù hiếm, vẫn có những trường ngư dân dùng thuốc nổ để đánh bắt cá trong những tháng qua.
"Chiến lược hiệu quả nhất là đi vào từng cộng đồng và giúp họ hiểu được giá trị khoa học của rừng ngập mặn", bà khẳng định. Với nhiều thế hệ sống dựa vào việc phá rừng để kiếm sống, việc giáo dục thanh thiếu niên trở thành yếu tố then chốt.
Chính nhờ phát triển nguồn thu thay thế, thu nhập trung bình của các hộ gia đình ở Del Carmen đã tăng từ 2.000 peso/tháng năm 2010 lên 17.000 peso/tháng năm 2024. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 69% xuống còn 21%. Doanh thu từ du lịch sinh thái cũng tăng mạnh, từ 1,2 triệu peso năm 2020 lên 9,2 triệu peso năm 2024.
Với Longos, những thay đổi ấy không chỉ giúp cải thiện môi trường, mà còn thay đổi cuộc đời anh: "Giờ đây, tôi có thể nuôi bốn đứa con ăn học nhờ vào nghề câu cá hợp pháp và làm du lịch sinh thái".
Hoàng Linh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/tu-ngu-tac-tro-thanh-nguoi-lam-tour-du-lich-sinh-thai-o-philippines-post1544022.html