Vào tù
Tháng 9/1940, trước những thông tin hiếm hoi nghe được từ lính từ Đức say rượu, rằng ở trại tập trung Auschwitz đã xây xong những phòng hơi ngạt và những lò thiêu dùng để giết người Do Thái cùng sĩ quan, binh sĩ Ba Lan bị bắt làm tù binh, Witold Pilecki, du kích quân kháng chiến Ba Lan đã đề xuất với cấp chỉ huy, rằng ông tình nguyện vào trại Auschwitz để tìm hiểu sự thật.
Kế hoạch của Pilecki đưa ra là ông sẽ tìm cách gây rối trên đường phố ở những nơi lính Đức thường xuất hiện. Thoạt đầu, các cấp chỉ huy cho rằng việc này quá mạo hiểm, lính Đức có thể bắn chết Pilecki thay vì bắt giam ông nhưng Pilecki quả quyết chuyện đó sẽ không xảy ra. Theo Pilecki, qua những gì ông đã chứng kiến, kẻ gây rối thường bị lính Đưc đánh cho một trận rồi thả còn nếu chống đối thì lúc ấy họ mới bị giam vài ngày hoặc vài tuần. Nếu chống đối ở mức nghiêm trọng, họ mới phải vào trại tập trung.
Pilecki (ngoài cùng bên trái) với quân kháng chiến lúc chưa vào trại Auschwitz.
Cuối cùng, lãnh đạo du kích Ba Lan đồng ý với đề xuất của Pilecki. Chiều ngày 27/9/1940, khi một số sĩ quan Đức kéo đến quán rượu ở đường Solidad, thủ đô Warsawa thì Pilecki đã chờ sẵn trong bộ quần áo rách rưới, bẩn thỉu. Ông kể: “Tôi đến trước mặt một sĩ quan Đức và nói bằng tiếng Đức: “Ê bồ, cho xin điếu thuốc lá”.
Gã sĩ quan Đức trố mắt ngạc nhiên vì không ngờ một người Ba Lan lại có thái độ như thế. Và trong khi gã chưa hết ngạc nhiên thì Pilecki quay sang cô gái điếm đi cùng nhóm Đức: “Cô nàng xinh đẹp ơi, hãy nói với thằng khốn kiếp lấy gói thuốc lá ra”.
Thế là gã sĩ quan Đức xông vào, đấm cho Pilecki vài cú như trời giáng. Quay sang 2 người lính cận vệ, gã ra lệnh: “Tống thằng này vào nhà giam và dạy cho nó một bài học. Sáng mai tao sẽ tính sổ với nó”.
Đêm hôm ấy, Pilecki ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. 9 giờ sáng hôm sau, cánh cửa buồng giam mở ra. Một lính Đức quát lớn: “Đi”. Khi thấy Pilecki bước không nổi, tên lính Đức gọi thêm một người nữa, xốc nách ông lên chiếc xe tải nhỏ, trong đó đã có vài chục người Do Thái Ba Lan rồi nói với tài xế một câu ngắn gọn: “Auschwitz!”.
Trại tập trung Auschwitz
Nằm ở thị trấn Oswiecim, tỉnh Thượng Silesia, trại tập trung Auschwitz khởi đầu chỉ có 16 tòa nhà 1 tầng, là doanh trại của quân đội Ba Lan cùng 15.000 người dân sống xung quanh đó. Khi Đức Quốc xã chiếm Ba Lan, người Đức đã xây dựng thêm nhiều công trình như nhà ở cho tù nhân, doanh trại lính canh, khu làm việc của ban giám thị, khu nuôi chó nghiệp vụ, kho thực phẩm, kho súng, xăng dầu, bãi đỗ xe, phòng hơi ngạt, lò thiêu… Bao quanh trại là một hàng rào cao 3m, cứ 20m lại có một trụ đèn pha chiếu thẳng vào khu vực giam giữ tù nhân.
Trại Auschwitz hoàn thành hồi tháng 4/1940, khi Pilecki vào trại thì nơi đây đang giam giữ khoảng 162.000 người, đa số là Do Thái cùng các sĩ quan, binh lính quân đội Ba Lan. Ông kể: “Nhờ khai là thợ điện, tôi được cho làm việc tại trạm phát điện của trại. Do thường xuyên được gọi đi để thay bóng đèn trong khu vực của lính Đức, sửa chữa đường dây dẫn điện quanh hàng rào, tôi dần dà nắm được sơ đồ của trại. Điều khủng khiếp nhất là cứ mỗi khi có đợt tù nhân mới chuyển vào, lính Đức chọn ra những người già yếu, phụ nữ và trẻ con, cho vào phòng hơi ngạt sau khi đã bắt họ cởi giầy, tháo kính đeo mắt và đồ nữ trang với lời giải thích là “tẩy trùng chống chấy rận”. Mỗi phòng hơi ngạt có sức chứa 100 người và sau 30 phút tất cả đều chết hết.
Tiếp theo, lính Đức gọi tù nhân vào dọn xác đưa sang lò thiêu. Trong suốt 6 tiếng đốt bằng củi, thân thể của họ chỉ còn là những khúc xương lớn. Mất thêm 6 tiếng nữa để chờ nguội, tù nhân lại được đưa vào, dùng những chiếc sàng lọc tro cốt để lấy những mẩu răng vàng nộp cho trại”. Không những thế, ngày nào cũng có hàng chục người chết ở Auschwitz vì đói và bệnh tật. Có những người do đói quá, họ cắt thắt lưng da và cả giày da thành nhiều mảnh nhỏ rồi nấu lên nhưng chỉ vài ngày sau khi ăn, họ chết vì tắc ruột, hoại tử!
Tất cả những việc này đều được Pilecki ghi chép vào những mảnh giấy nhỏ, kể cả bản vẽ sơ đồ trại cũng được ông chia ra thành 12 mảnh giấy. Ông nói: “Ngoài việc phải liên tục thay đổi chỗ dấu tài liệu, cái khó là làm sao chuyển nó ra ngoài cho quân kháng chiến vì theo kế hoạch, khi đã nắm rõ mọi chi tiết về trại Auschwitz cùng quy luật của lính canh, lực lượng kháng chiến sẽ tổ chức một cuộc tập kích vào trại, giải thoát tù nhân”.
Tù nhân trại Auschwitz đến phòng hơi ngạt.
Vận may đến với Pilecki khi ông làm quen được với Walesa, là tù nhân Ba Lan và cũng là người lái chiếc xe tải, thường xuyên ra ngoài để lấy hàng hóa cho trại. Trong một lần Walesa xuống nhà máy điện, nhờ Pilecki sửa chữa hệ thống điện dùng cho đèn pha của chiếc xe, Pileck khéo léo thăm dò quan điểm của Walaesa về chủ nghĩa Quốc xã và sự tàn ác của lính Đức trong việc đánh đập, tra tấn tù nhân, nuôi tù nhân ăn với chế độ chết đói cũng như giết họ trong phòng hơi ngạt, ông nhận được sự đồng tình của Walesa tuy chưa rõ ràng. Ông kể “phải mất hơn 6 tháng, Walesa mới thật sự tin tưởng tôi. Tài liệu đầu tiên mà tôi nhờ ông mang ra ngoài là những báo cáo về việc giết và thiêu người trong khoảng thời gian từ khi tôi bị bắt - tháng 9/1940 đến tháng 3/1941”.
Để có thể mang nó trót lọt, Pilecki bảo Walesa rạch một đường nhỏ ở mặt trái chiếc giày, chỗ tiếp giáp giữa lớp vải bố và lớp cao su đế giày rồi nhét vào mấy tờ tài liệu đã được Pileck cuộn tròn như điếu thuốc lá, ép dẹp nó lại. Khi đã xong, Walesa dùng keo vá ruột xe, dán đường rạch kín lại như cũ. Pilecki nói: “Tôi dặn Walesa lúc vào thành phố Kharkov, ông tìm đến một cửa hàng mua bán quần áo cũ trên phố Okecia. Khi gặp một phụ nữ trung niên, tóc đen cắt ngắn, Walesa sẽ hỏi “bà có bán áo len Biolany bằng lông cừu xám không?”. Nếu bà ấy trả lời rằng “Không! Tôi chỉ có loại áo Mokotok lông cừu trắng” thì đưa tài liệu cho bà ấy.
Việc tiếp xúc diễn ra trót lọt. Không những thế, Walasa còn mang về cho Pilecki một mảnh giấy ghi chỉ thị của quân kháng chiến, nội dung tìm hiểu về quy luật bố phòng, canh gác, các loại vũ khí của quân Đức ở Auschwitz, quy luật đi lại của trưởng trại Rudolf Hob. Pilecki nói: “Phải mất 6 lần nữa, tôi mới chuyển được các câu trả lời do quân kháng chiến yêu cầu. Trong lần liên lạc thứ 7, chỉ huy kháng chiến chỉ viết cho tôi một dòng ngắn gọn “không mua được củi trong mùa mưa”. Điều ấy có nghĩa là kế hoạch tấn công vào trại Auschwitz không thể thực hiện được bởi lẽ chỉ riêng 12 khẩu súng phun lửa, quân Đức có thể thiêu sống tù nhân khi cuộc đột kích diễn ra..
Trước lời từ chối ấy, Pelecki đề xuất một phương pháp táo bạo hơn. Đó là lực lượng kháng chiến ở Warsawa liên hệ với bộ chỉ huy kháng chiến Ba Lan, lúc này lưu vong ở London, Anh quốc, yêu cầu Không quân Anh ném bom trại Auschwitwz. Khi máy bay của Anh xuất hiện, thay vì tắt tất cả đèn trong trại, ông sẽ tìm cách để đèn sáng nhằm giúp các phi công nhận diện mục tiêu. Tuy nhiên một lần nữa, đề nghị của Pilecki bị từ chối với lý do “không có gì chắc chắn những quả bom sẽ rơi trúng đích nên chỉ cần vài quả “lạc loài”, thương vong của tù nhân ở trại là điều không thể tránh khỏi.
Ảnh lưu trong hồ sơ của Pilecki ở trại Auschwitz.
Đào thoát
Đầu năm 1943, Pilecki - ngoài tài xế Walesa - ông có thêm 2 bạn tù cùng chí hướng Jan Redzej và Edward Ciesielski. Cả ba quyết định trốn trại sau khi Walesa cho biết Pilecki có thể sẽ được ghi tên vào danh sách những người bị đưa vào phòng hơi ngạt đợt sắp tới vì trong những tù nhân mới vào trại, có đến 6 người là kỹ sư, thợ đường dây và thợ bảo trì máy phát điện. Ông kể: “Sau nhiều lần sửa chữa đường dây cung cấp điện cho những bóng đèn pha xung quanh trại, tôi phát hiện 1 cánh cửa sắt nằm sau lưng dãy lò thiêu mà theo lời tài xế Walesa, cửa này dẫn ra sông Vistula. Cửa có ống khóa nhưng không khóa vì lính gác tin rằng vào ban đêm, dưới ánh sáng hàng chục bóng đèn cực mạnh, một con chuột trên sân cũng có thể nhìn thấy nên chúng chủ quan”.
5 giờ sáng ngày 26/4/1942, khi đèn pha vừa tắt vì lúc ấy là mùa hè, mặt trời đã bắt đầu mọc, Pilecki từ nhà máy phát điện len lỏi qua dãy lò thiêu đến cánh cửa sắt. Vài phút sau, Jan Redzej và Edward Ciesielski cũng đến nơi bằng cách luồn qua một “lỗ chó chui” ở cuối buồng giam. Sau khi mở cánh cửa sắt, họ chạy thục mạng đến bờ sông Vistula. Nhờ sự giúp đỡ của một người Ba Lan đánh cá, họ qua sông rồi chạy vào rừng. Pilecki kể: “Người đánh cá đã cho chúng tôi biết có 1 ngôi làng Ba Lan ở cách bờ sông 3km, dân làng vốn căm thù quân Đức nên sẽ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi”.
6 giờ sáng, cả ba nghe thấy hàng loạt tiếng súng ở phía trại Auschwitz. Biết rằng quân Đức đã phát hiện vụ trốn trại nên họ “chạy như chưa từng bao giờ chạy nhanh như thế”. Đến khoảng 6g30, họ gặp mấy nông dân Ba Lan ở làng đi hái bắp cải. Khi nghe họ kể, những nông dân này đưa họ về làng rồi giấu họ trong những chiếc xe bò chở số bắp cải đã thu hoạch ngày hôm trước, đưa họ vào thị trấn. Tại đây, họ tìm đường về thành phố Krakov và đã đến nơi an toàn. Pilecki kể: “Một may mắn nữa với chúng tôi là tôi tìm được một cơ sở của quân kháng chiến vẫn còn hoạt động. Sau khi trao đổi mật khẩu liên lạc, cơ sở này sắp xếp cho chúng tôi về Warsava bằng giấy tờ giả”.
Tại Warsawa, Pilecki khiên trì thuyết phục những người lãnh đạo kháng chiến mở cuộc tấn công vào trại Auschwitz. Ông cam kết nếu có một cuộc tấn công như vậy nổ ra, tù nhân trong trại sẽ đồng loạt nổi dậy nhưng lời đề nghị của ông không được chấp thuận bởi lẽ Anh quốc và các nước Đồng minh vẫn cho rằng chỉ có đánh bại chủ nghĩa Quốc xã mới có thể giải thoát tù nhân. Ông nói: “Có một cuộc tranh luận không bao giờ kết thúc về việc có nên đánh vào trại Auschwitz hay không? Bohler người lãnh đạo kháng chiến Ba Lan trả lời: “Một câu hỏi không những mang tính quân sự mà còn là tính đạo đức. Nếu kết quả chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, nó sẽ gây ra một làn sóng chỉ trích của những gia đình có tù nhân thiệt mạng trong cuộc tấn công”.
Thất bại trong việc thuyết phục các cấp chỉ huy kháng chiến, Pilecki tiếp tục tham gia hàng ngũ du kích và đã trực tiếp có mặt trong cuộc nổi dậy Warsaw năm 1944. Ông nói: “Tháng 9/1945, Đức Quốc xã đầu hàng, châu Âu được giải phóng nhưng đau đớn thay, chỉ riêng ở Auschwitz, 1,1 triệu người đã bỏ mạng trong phòng hơi ngạt…”
Vũ Cao (Theo History: The Secrets in WW2)