Từ những chữ 'S' thành công của Singapore đến chữ 'S' của Việt Nam

Từ những chữ 'S' thành công của Singapore đến chữ 'S' của Việt Nam
20 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh quan điểm này khi phân tích cách Việt Nam tiếp cận mô hình phát triển của Singapore tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu (Vietnam Global Innovation Connect – VGIC 2025), do AVSE Global – Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (Pháp) và Ban Liên lạc Cộng Đồng Người Việt Nam tại Singapore (VNAS) tổ chức, diễn ra từ ngày 20-22/2 tại Singapore.
Nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói rằng Singapore đã vươn mình từ quốc gia thuộc "thế giới thứ ba" trở thành "thế giới thứ nhất", từ một thương cảng nhỏ bé trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu, ông Khương kể, và Singapore giờ đây đã trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lý tưởng mà nhiều nguyên thủ trên thế giới đều mong muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển.
Tuy nhiên, để học hỏi bí quyết hóa rồng từ Singapore, theo GS.TS Vũ Minh Khương, không đơn giản chỉ nhìn vào bề nổi mà phải hiểu từ gốc rễ.
VIỆT NAM CẦN HỌC HỎI SINGAPORE TỪ GỐC RỄ
Tại Singapore không tồn tại người vô gia cư. Phần lớn người dân Singapore đều sống trong các khu nhà ở xã hội. Động lực để Singapore thực hiện được điều này là nhờ hàng loạt chương trình tiết kiệm mà Chính phủ đã đồng hành với người dân. Chẳng hạn, một người kiếm 1.000 USD/tháng tại Singapore sẽ phải tiết kiệm ít nhất 400 USD, trong đó 200 USD trích từ lương và 200 USD còn lại do đóng góp của chủ lao động.
Vậy điều gì đã khiến Singapore quyết tâm phải xây dựng các dự án nhà ở xã hội? GS.TS Vũ Minh Khương cho biết có ba nguyên nhân gốc rễ.
Thứ nhất, gắn kết người dân với đất nước. Nhà ở không chỉ là nơi cư trú mà còn là sợi dây kết nối người dân với xã hội và thể chế. Đối với người châu Á, nhà ở có ý nghĩa thiêng liêng – chỉ khi an cư thì mới có thể tập trung lao động, cống hiến và phát triển cùng đất nước.
Thứ hai,bảo vệ phẩm giá con người. Ở Singapore, dù sinh ra trong gia đình không khá giả, mọi công dân của họ đều có điều kiện sống tốt, có nhà để ở và không bao giờ phải chen chúc trong các khu ổ chuột. Chính vì không có sự phân tầng quá lớn về điều kiện sống, người dân không cảm thấy bị thua thiệt, từ đó hình thành tinh thần công dân mạnh mẽ và giảm mâu thuẫn xã hội. Cho nên nhà ở không chỉ có giá trị vật chất mà còn nuôi dưỡng phẩm giá con người.
GS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ tại VGIC 2025.
Thứ ba, thúc đẩy năng suất. Khi có nhà ở ổn định, kết hợp với hệ thống giao thông hiện đại, chất lượng cuộc sống được nâng cao, tinh thần thoải mái, sức khỏe đảm bảo dĩ nhiên sẽ giúp người dân tăng năng suất lao động. Cho nên lý do vì sao năng suất người Singapore cao gấp 7-8 lần so với Việt Nam có những yếu tố như thế.
“Thế nên, nếu chỉ đến xem Singapore xây nhà ở xã hội như thế nào thì Việt Nam xây còn đẹp hơn. Muốn học hỏi, chúng ta phải tìm gốc rễ, phải hiểu bản chất thì mới có kết quả”, GS.TS Vũ Minh Khương khẳng định.
QUY TẮC CHỮ S GIÚP SINGAPORE PHÁT TRIỂN THẦN TỐC
Singapore, một đất nước nhỏ bé, tài nguyên nghèo nàn, dân số thưa thớt,... vươn mình mạnh mẽ để trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nghiên cứu về thành công của Singapore, GS. Vũ Minh Khương cho rằng “quy tắc chữ S” là yếu tố đã giúp Singapore phát triển thần tốc mà Việt Nam có thể học hỏi rất nhanh.
“Singapore bắt đầu bằng chữ S nên người dân của họ cũng đặc biệt yêu thích chữ S. Nhưng Việt Nam cũng có hình chữ S trên bản đồ và đó là một chữ S lớn hơn, trường tồn hơn. Nên nếu chúng ta biết vận dụng đúng những bài học này, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tầm mạnh mẽ”, GS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Thứ nhất, “Survival” – tinh thần cốt cách của dân tộc, có nghĩa phải xây dựng một cộng đồng gắn kết. Và Singapore không chỉ áp dụng tinh thần này trong nội bộ mà còn mở rộng ra thế giới. Họ sẵn sàng chia sẻ sáng kiến, đột phá với các quốc gia khác, đồng thời đánh giá con người dựa trên năng lực chứ không phải quốc tịch. Bất cứ ai đóng góp được giá trị đều được trọng dụng. Đây chính là tinh thần đổi mới sáng tạo thực sự.
Thứ hai, “Strategy” – chiến lược. Bản chất của chiến lược là biến thách thức thành lợi thế. Cơ hội đẻ ra cơ hội, thành công đẻ ra thành công. Còn nếu không có chiến lược thì thuận lợi cũng trở thành khó khăn, khó khăn biến thành khủng hoảng. Singapore không có tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ xác định con người chính là tài nguyên quý giá nhất. Vì vậy, họ tập trung đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục.
Hay Singapore cũng là quốc gia đa sắc tộc với 70% dân số là người Hoa, 20% là người Malaysia, và nhiều cộng đồng khác. Thay vì để sự khác biệt dẫn đến xung đột, họ tổ chức thành một cộng đồng tồn tại hòa bình trân trọng nhau, thương yêu nhau. Khi đến Singapore, rất nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy những người theo các tôn giáo khác nhau vẫn có thể ngồi cùng bàn, ăn uống và trò chuyện thoải mái.
re tại Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu diễn ra chiều 20/2 tại Singapore.
Thứ ba, "Structure" - bộ máy nhà nước. Theo đó, thiết chế của Singapore được xây dựng rất chặt chẽ và mang tuyến phòng vệ. Singapore thiết kế bộ máy giống như một đội bóng, tức là phải phối hợp chuyền bóng để ghi bàn. Còn nếu ai cũng đòi giữ bóng nhiều để ăn điểm là điều cực kỳ nguy hiểm.
"Việc Việt Nam thực hiện tinh gọn bộ máy thời gian vừa qua là việc làm rất đúng đắn trong thời điểm này. Bên cạnh việc chọn người có năng lực, có tâm huyết để trả lương cho xứng đáng, thời gian tới, thời gian tới cũng cần tiếp tục xây dựng hệ thống quy định thuận lợi hơn", ông Khương nói.
Thứ tư, "Strategist"–tìm kiếm nhà chiến lược. Trước đây sông của Singapore cực kỳ hôi thối, thế nhưng cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng tuyên bố sau 10 năm sẽ câu cá được. Kết quả, sau 10 năm, sông Singapore không chỉ sạch mà còn trở thành nơi có thể câu cá.
Những thay đổi mang tính đột phá luôn cần một nhân vật biểu tượng đứng ra dẫn dắt, giống như nói đến những cải cách của Singapore người ta nhớ đến Lý Quang Diệu. Hay nhắc đến trận Điện Biên Phủ, người ta nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thứ năm, "Sagacity"–sự thông tuệ. Singapore không thể biết hết mọi thứ, nhưng họ biết phải học hỏi từ tinh hoa của thế giới. Ví dụ sắp tới nhu cầu hàng không rất lớn, khai thác vũ trụ trong tương lai cực kỳ tiềm năng, vậy làm như thế nào để Việt Nam nắm bắt các cơ hội? Đó là cần đầu tư vào tri thức, thuê chuyên gia tư vấn giỏi nhất, thay vì chỉ tự mày mò.
Điều này vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Giống như cải cách giáo dục, chúng ta cứ hứng lên là làm. Như thế không được, chúng ta phải thâu tóm những cái trí tuệ hay nhất trước khi tự đưa ra quyết định mới. Giống như DeepSeek cũng phải học hỏi từ những mô hình thông minh nhất thì họ mới tự đưa ra được một mô hình riêng mình.
Thứ sáu, "Synergy"–cộng sức để tạo ra cộng hưởng. Singapore rất giỏi tận dụng sức mạnh cộng hưởng. Họ không làm mọi thứ một cách biệt lập mà biết cách dựa vào các tập đoàn lớn, các công ty công nghệ hàng đầu để cùng phát triển. Việt Nam cũng cần học cách ngồi trên vai những người khổng lồ, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tạo ra giá trị cho mình.
Thứ bảy,"Sustainability"–sự bền vững. Singapore là đất nước có ngành công nghiệp rất phát triển nhưng không hề ô nhiễm. Họ xây dựng một hệ thống đô thị thông minh, giao thông xanh, và luôn chú trọng bảo vệ môi trường trong mọi chính sách phát triển. Việt Nam cần nhìn xa hơn trong bài toán phát triển, tránh tư duy ngắn hạn mà hy sinh sự bền vững.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Giáo sư Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, cho biết trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, cần thiết phải có sự kết nối, hội tụ trí tuệ tập thể để tạo ra sức mạnh chung, cùng nhau sáng tạo ra những giá trị cho Việt Nam.
Theo ông Khương, VGIC 2025 sẽ thảo luận chuyên sâu bên cạnh các chủ đề khoa học công nghệ mà còn nhiều chuyên gia đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các chuyên gia đổi mới sáng tạo sẽ trao đổi trên ba chủ đề chính là trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và công nghệ tài chính và có thể xem là những động lực tăng trưởng mới mà Việt Nam đang ưu tiên.
VGIC 202 với sự tham gia của 100 nhà đổi mới sáng tạo xuất sắc người Việt và gốc Việt từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngô Huyền
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/tu-nhung-chu-s-thanh-cong-cua-singapore-den-chu-s-cua-viet-nam.htm