Không chỉ sở hữu thành tích học tập xuất sắc với GPA 3.72/4.0, sinh viên tiêu biểu toàn khóa, đoàn viên tiêu biểu, Hoàng Thị Minh Nguyệt (Lớp Anh 10 – KT – K60, ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương) còn hoàn thành sớm chương trình đào tạo đại học trong 3,5 năm (tốt nghiệp sớm) - trở thành một gương mặt đại diện cho thế hệ bản lĩnh, sáng tạo của nhà trường.
Hoàng Thị Minh Nguyệt (sinh năm 2003, quê ở Quảng Ninh) được bố mẹ định hướng từ nhỏ nên em sớm hình thành tư duy học tập nghiêm túc, tự lập và ý thức trách nhiệm. Hơn nữa, là chị cả trong gia đình ba anh chị em, Minh Nguyệt luôn tự nhủ phải làm gương cho các em, và đó cũng là nguồn động lực lớn để em không ngừng nỗ lực học tốt.
Minh Nguyệt chụp ảnh cùng với bố mẹ và hai em trong buổi lễ tốt nghiệp đại học. (Ảnh: NVCC)
“Trước đây, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, Trường Đại học Ngoại thương là nguyện vọng hàng đầu của em, nơi mà em tin tưởng rằng sẽ giúp bản thân phát triển toàn diện nhất. Trường Đại học Ngoại thương đã cho em không chỉ kiến thức, trải nghiệm mà còn là những kỷ niệm tuyệt đẹp, giàu cảm xúc", Minh Nguyệt chia sẻ.
Mỗi thử thách đều là một bài học quý giá
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng để đạt thành tích cao cần học ngày học đêm, với Minh Nguyệt, bí quyết lại nằm ở sự chủ động, tinh thần hợp tác, cầu tiến và học hỏi không ngừng.
Chia sẻ về thành tích học tập xuất sắc, Nguyệt cho biết em luôn chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tập trung tối đa trong giờ học và đặc biệt là tận dụng tốt các mối quan hệ học tập tích cực với bạn bè.
“Chúng em thường xuyên hỏi bài nhau, chia sẻ kiến thức, cùng nhau giải đáp những nội dung bài chưa hiểu. Môi trường học tập cởi mở ở Ngoại thương giúp em cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày được khám phá những điều mới,” Minh Nguyệt vui vẻ kể.
Khép lại hành trình học đại học, Minh Nguyệt đạt GPA 3.72/4.0, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, sinh viên tiêu biểu toàn khóa. (Ảnh: NVCC)
Trong quá trình học tập, Minh Nguyệt mạnh dạn thử sức nghiên cứu khoa học, một “đấu trường” mà nhiều sinh viên còn e dè. Nguyệt cho rằng, nghiên cứu khoa học là cách rèn luyện tư duy hệ thống, kỹ năng phân tích và viết học thuật chuyên sâu. Và em cảm thấy tự tin hơn khi có bài báo đăng trên Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học Tự nhiên (Hue University Journal of Science: Natural Science) - một bước ngoặt giúp Nguyệt nhận ra bản thân có thể đóng góp, dù là nhỏ, cho cộng đồng tri thức khoa học. Tuy nhiên, Minh Nguyệt bày tỏ: “Em không dám nhận mình giỏi, chỉ biết rằng mỗi ngày em đều học thêm được điều gì đó, từ thầy cô, bạn bè và từ chính trải nghiệm của bản thân”.
Được biết, bài báo khoa học có tên là "Tài sản thương hiệu báo điện tử Việt Nam: Từ hài lòng đến trung thành thương hiệu".
Đề tài nghiên cứu khoa học mà Minh Nguyệt tham gia thực hiện nhằm đưa ra một cơ sở chứng cứ sâu sắc về mối liên hệ phức tạp giữa các yếu tố như Nhận thức thương hiệu, Niềm tin thương hiệu, Giá trị cảm nhận, Hài lòng thương hiệu và Trung thành thương hiệu, trong bối cảnh thương hiệu báo điện tử tại Việt Nam. Nghiên cứu đã góp phần xây dựng nền tảng nghiên cứu, làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo tiếp tục triển khai và khám phá những hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực này.
Tham gia làm nghiên cứu khoa học giúp Minh Nguyệt hiểu rõ hơn quy trình tư duy logic, biết đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời một cách hệ thống. Những kỹ năng Minh Nguyệt rèn luyện được trong quá trình nghiên cứu khoa học là nền tảng rất hữu ích để em có thể thực hiện tốt khóa luận tốt nghiệp của bản thân, cũng như hành trình làm nghiên cứu sau này.
Từ những trải nghiệm, Nguyệt chia sẻ rằng, sinh viên rất nên tham gia làm nghiên cứu khoa học vì đây là cơ hội để rèn luyện tư duy phản biện, học cách giải quyết vấn đề và tiếp cận kiến thức một cách sâu sắc hơn. Ngoài ra, làm nghiên cứu khoa học cũng giúp sinh viên hiểu rõ mình thật sự yêu thích lĩnh vực nào, từ đó định hướng tốt hơn trong học tập và nghề nghiệp sau này.
Chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn mà sinh viên có thể gặp phải khi làm nghiên cứu khoa học, Nguyệt cho biết, việc chọn đề tài phù hợp, thu thập tài liệu, viết bài, phản biện,... tất cả đều thực sự là thử thách. Bản thân Nguyệt cũng từng cảm thấy áp lực và muốn dừng lại nửa chừng.
“Có lúc em thấy áp lực đến mức muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi em nghĩ, nếu coi đây là hành trình học hỏi, chứ không phải một cuộc thi, thì mỗi thử thách đều là một bài học quý giá. Đó cũng là lý do em luôn mong muốn các bạn sinh viên khi đam mê nghiên cứu thì hãy bắt đầu từ điều nhỏ, từ lĩnh vực mình yêu thích và không ngại đặt câu hỏi”, Nguyệt chia sẻ.
Nữ "thủ lĩnh" từng nhút nhát và ngại dấn thân
Ở Trường Đại học Ngoại thương, Minh Nguyệt giữ vị trí Lớp trưởng Lớp Anh 10 – KT – K60 - nơi tập hợp nhiều sinh viên ưu tú của nhà trường. Là lớp trưởng, Nguyệt đóng vai trò như “cầu nối” giữa sinh viên và giảng viên. Nguyệt học được nhiều điều như biết cách lắng nghe và thấu hiểu. Bên cạnh đó, em học được cách dung hòa giữa những góc nhìn khác nhau, truyền tải thông tin rõ ràng, và giải quyết các mâu thuẫn nhỏ một cách linh hoạt để giữ sự đoàn kết trong lớp. Đặc biệt, ở vị trí lớp trưởng, Nguyệt nhận ra rằng, người quản lý không phải là ra lệnh mà là dẫn dắt bằng tinh thần trách nhiệm và sự tận tâm.
Tuy nhiên, bước ngoặt lớn nhất trong hành trình sinh viên của Minh Nguyệt là khi em đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Thương mại điện tử, Trường Đại học Ngoại thương. Đây là một trong những câu lạc bộ có quy mô lớn và chuyên sâu về chuyên môn, hợp tác với nhiều doanh nghiệp của nhà trường.
Chia sẻ về điều này, Nguyệt tâm sự, khi mới vào trường, em được nhận xét là một người khá “an toàn", nhút nhát vì chỉ đi học, sinh hoạt câu lạc bộ, làm đúng trách nhiệm của bản thân. Và mọi thứ thay đổi khi em được tin tưởng giao vai trò dẫn dắt một câu lạc bộ có quy mô tương đối lớn trong trường.
"Thời điểm đó, em vừa áp lực, vừa lo lắng vì bản thân chưa có quá nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng chính những thử thách ấy lại mở ra một hành trình hoàn toàn mới cho em”, Minh Nguyệt chia sẻ.
Hình ảnh chụp đêm Chung kết cuộc thi E-COMPETE: Kiến tạo doanh nhân số do Câu lạc bộ Thương mại điện tử Trường Đại học Ngoại thương (Minh Nguyệt làm chủ tịch câu lạc bộ) tổ chức. (Ảnh: NVCC)
Trong suốt thời gian đảm nhiệm vai trò "thủ lĩnh" câu lạc bộ, Minh Nguyệt học được cách điều hành tổ chức, xây dựng chiến lược, truyền cảm hứng, quản lý thành viên và xử lý khủng hoảng. Ngoài ra, em còn tham gia tổ chức các sự kiện chuyên môn, làm việc với doanh nghiệp và xây dựng nội dung truyền thông, những trải nghiệm không có trong sách vở. Chính những cơ hội đó giúp em hiểu rõ hơn về lĩnh vực mà bản thân theo đuổi, và mở rộng nhiều mối quan hệ quý giá với giảng viên, doanh nghiệp, anh chị trong ngành học và các bạn sinh viên tài năng từ nhiều trường đại học khác.
“Nếu không trải nghiệm thực tiễn, có lẽ em vẫn là một Minh Nguyệt cẩn thận, chỉn chu nhưng thiếu sự dấn thân. Còn hiện tại, em tự tin hơn, linh hoạt hơn và sẵn sàng đối mặt với thử thách mới. Đó là một bước ngoặt không chỉ thay đổi hành trình học đại học, mà còn thay đổi cả con người em ở Trường Đại học Ngoại thương”, nữ sinh khẳng định.
Áp dụng hiệu quả kiến thức từ giảng đường vào thực tiễn
Không chỉ giới hạn trong trường học, nghiên cứu và hoạt động phong trào, Minh Nguyệt còn tích cực mở rộng góc nhìn bằng việc tham gia dự án hợp tác giữa doanh nghiệp và sinh viên liên quan đến thương mại điện tử. Do đó, Nguyệt có cơ hội va chạm với các hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, một ngành nghề mà em xác định sẽ theo đuổi lâu dài.
Minh Nguyệt được vinh danh là đại sứ dự án Lazada Ecommerce Education. (Ảnh: NVCC)
Theo Nguyệt, thương mại điện tử tại Việt Nam đang bùng nổ và mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt cho những bạn trẻ linh hoạt và thích ứng nhanh với công nghệ. Để làm tốt công việc trong dự án khi đi làm thực tế, em đã vận dụng nhiều kiến thức được học tại trường, đặc biệt là các môn chuyên ngành như Marketing căn bản, Marketing quốc tế, Thương mại điện tử và Phân tích dữ liệu. Những kiến thức nền tảng này giúp Minh Nguyệt hiểu rõ cách vận hành của một chiến dịch marketing, từ việc xây dựng hành trình khách hàng, tối ưu nội dung truyền thông số, cho đến cách đo lường hiệu quả các kênh bán hàng.
Bên cạnh đó, Nguyệt còn áp dụng được những kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm và tư duy phản biện mà em đã được rèn luyện trong các giờ học và hoạt động ngoại khóa vào quá trình làm việc với doanh nghiệp. Nhờ vậy, Nguyệt không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà còn chủ động đề xuất một số giải pháp nhằm tối ưu chiến dịch cho doanh nghiệp và nhận được những đánh giá tích cực. Thực tiễn này thực sự giúp Nguyệt kết nối giữa lý thuyết và ứng dụng, hiểu sâu sắc hơn về ngành nghề đã lựa chọn, đồng thời củng cố niềm tin vào định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Để cho những đam mê và bản lĩnh tuổi trẻ được tỏa sáng, được biết sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Nguyệt đang bắt đầu hành trình mới với vị trí chuyên viên marketing số tại một doanh nghiệp lớn, tiếp tục trau dồi kinh nghiệm trước khi hướng tới những vai trò cao hơn hoặc khởi nghiệp với một dự án riêng.
Ngọc Mai