Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời đến nay khẳng định vai trò quyết định của công tác xây dựng Đảng, trong đó “sự chặt chẽ về nguyên tắc là vấn đề sống còn của Đảng và bảo đảm quan trọng nhất cho sức sống, sự trong sạch và vững mạnh của Đảng”. Điều lệ Đảng cũng xác định tự phê bình và phê bình là 1 trong 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng.
Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII và XIII đều xác định 3 nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng để tập trung những giải pháp khắc phục, trong đó sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là vấn đề cấp bách nhất, giải pháp đầu tiên được xác định và quán triệt trong cả 3 nghị quyết nêu trên đều nhấn mạnh nhiệm vụ tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Trên thực tế, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng được chú trọng, thực hiện nghiêm túc, bài bản, nền nếp, mang lại những kết quả quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần khắc phục được những khuyết điểm trong mỗi tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên (CBĐV). Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn không ít nơi thực hiện hình thức, đối phó, hiệu quả thấp, từ đó các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận vai trò của nguyên tắc này; đồng thời, xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng lệch lạc ngay trong cấp ủy, tổ chức Đảng, ĐV;...
Vì vậy, một mặt phải tích cực đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và nhận thức lệch lạc ngay trong đội ngũ CBĐV có hiệu quả, mặt khác phải lấy “phòng” là quan trọng, lấy “xây” là chính, vì nội bộ Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ là cách tốt nhất để “miễn dịch” với những tư tưởng sai trái, thù địch và phải thực hiện đồng bộ những giải pháp như phải nâng cao nhận thức trong toàn Đảng về vai trò của nguyên tắc tự phê bình và phê bình; nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng của cấp ủy, tổ chức Đảng; bảo đảm tính chất của tự phê bình và phê bình trong Đảng và thực hiện đúng phương pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Riêng đối với phương pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng, yêu cầu là phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành, phải thể hiện rõ những đặc tính cơ bản của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Việc khéo léo sử dụng tự phê bình và phê bình sẽ làm tăng chất lượng của nó. Đặc biệt, phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào, nói đến mức độ nào,... phải biết xử thế một cách tế nhị, không được làm cho người nghe khó chịu và nản lòng thì họ mới dễ tiếp thu và sửa chữa khuyết điểm nhanh chóng. Ngược lại, sử dụng không khéo léo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả mang lại thấp, thậm chí còn gây ra tác hại. Nếu né tránh lựa chiều tự phê bình và phê bình, tác hại sẽ lớn hơn.
Yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn được đặt ra cấp bách, nhất là trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Vì vậy, mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và CBĐV phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xa rời, từ bỏ nguyên tắc này là xa rời, từ bỏ Đảng từ bản chất.
Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng và CBĐV đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc này. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, CBĐV nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình như “rửa mặt hàng ngày” để xây dựng đội ngũ CBĐV trong sạch, vững mạnh. Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, CBĐV “phải làm cho vũ khí tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên, thật sự trở thành vũ khí sắc bén của toàn Đảng, làm cho tự phê bình và phê bình thật sự là quy luật phát triển của Đảng” để Đảng ta luôn “là đạo đức, là văn minh”.
Huyền Linh