Phổ điểm thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025cho thấy kỳ thi “ 2 trong 1”: xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, tiếp tục phát huy hiệu quả. Là giáo viên trung học phổ thông, người viết nhận thấy kỳ thi tiếp tục phát huy được mục tiêu 2 trong 1 như yêu cầu đặt ra bởi nhiều căn cứ.
Sự phù hợp của phổ điểm thi với mục tiêu xét tốt nghiệp
Thứ nhất, mặc dù điểm trung bình một số môn giảm (như điểm trung bình môn Toán: 4.78; Tiếng Anh: 5.38), nhưng phổ điểm vẫn có sự phân bổ hợp lý, với phần lớn thí sinh nằm ở dải điểm trung bình khá, đủ để đạt yêu cầu đỗ tốt nghiệp.
Điều này cho thấy đề thi không quá đánh đố, vẫn bám sát chương trình cơ bản, giúp đại đa số học sinh có thể hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ hai, điểm thi không quá khắt khe đến mức gây khó khăn cho việc công nhận tốt nghiệp. Đây là minh chứng cho sự cân bằng giữa hai mục tiêu " 2 trong 1" của kỳ thi. Những học sinh có điểm thi thấp ở một vài môn nhưng được cộng 50% điểm học bạ tốt vẫn có thể được xét công nhận tốt nghiệp dễ dàng.
Thứ ba, với đề thi có độ phân hóa tốt, việc xét tốt nghiệp sẽ thúc đẩy học sinh học tập nghiêm túc, tránh tư tưởng học tủ, học lệch, phù hợp với định hướng giáo dục phổ thông mới, tập trung vào phát triển năng lực toàn diện cho học sinh.
Sự phân hóa ở mức điểm 6.5 – 10: Lợi thế cho tuyển sinh đại học
Sự phân hóa của phổ điểm được thể hiện rõ nét ở mức điểm từ 6.5 đến 10, đây là mức điểm “vàng” mà các trường đại học thường xét tuyển vào các ngành học có tính cạnh tranh cao.
Môn Toán và Tiếng Anh là hai môn có sự phân hóa tốt nhất. Với điểm trung bình thấp và số lượng điểm cao ít hơn, thí sinh đạt được mức điểm từ 6.5 trở lên, đặc biệt là từ 8.0 trở lên, sẽ trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều.
Chẳng hạn, nếu năm 2024, có một lượng lớn thí sinh cùng đạt 7.0 hay 8.0, gây khó khăn cho việc sàng lọc, thì năm 2025, số lượng thí sinh ở các mức điểm này ít hơn đáng kể.
Có 513 điểm 10 môn Toán và 141 điểm 10 môn Tiếng Anh, cho thấy những thí sinh thực sự vượt trội về năng lực tư duy logic và ngoại ngữ nổi bật hẳn lên.
Các trường đại học sẽ dễ dàng lựa chọn được những thí sinh sáng giá cho các ngành kỹ thuật, kinh tế, hoặc các chương trình đào tạo quốc tế.
Môn Ngữ văn mặc dù không có điểm 10, phổ điểm tập trung nhiều ở mức 6.0 - 7.5. Tuy nhiên, những thí sinh đạt từ 8.0 trở lên sẽ là những người có khả năng cảm thụ, phân tích và diễn đạt ngôn ngữ vượt trội. Đây là nhóm thí sinh có khả năng cao sẽ trúng tuyển vào khối ngành xã hội, báo chí, luật.
Môn Vật lý có 3929 điểm 10 cho thấy năng lực của học sinh ở môn này. Tuy nhiên, đề thi vẫn có những câu hỏi khó để phân loại. Các trường kỹ thuật, ngành kĩ thuật sẽ có một lượng lớn thí sinh tiềm năng ở dải điểm 8.0 - 9.5 để lựa chọn.
Môn Hóa học có điểm trung bình 6.06 và 625 điểm 10 sẽ giúp việc xét tuyển vào các ngành y dược, công nghệ hóa trở nên thuận lợi hơn. Thí sinh đạt 8.0 - 9.0 ở môn này thực sự phải có kiến thức chắc chắn và khả năng vận dụng cao.
Môn Sinh học với phổ điểm trải rộng, tạo ra các dải điểm rõ ràng, giúp các trường y dược, các ngành khoa học có liên quan dễ dàng xác định được năng lực của thí sinh.
Môn Địa lý có 6.907 điểm 10; môn Lịch sử có 1.518 điểm 10; môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có 1.451 điểm 10, cho thấy việc nắm vững kiến thức cơ bản sẽ giúp học sinh đạt điểm cao. Tuy nhiên, sự phân hóa vẫn diễn ra ở các câu hỏi nâng cao, đòi hỏi tư duy phân tích, tổng hợp và liên hệ thực tiễn.
Có nghĩa là, để đạt điểm xuất sắc, thí sinh không chỉ cần nhớ kiến thức mà còn phải có khả năng vận dụng tốt. Các trường xét tuyển khối ngành xã hội sẽ cần cân nhắc kỹ tổ hợp điểm hoặc các tiêu chí phụ để đảm bảo chọn được thí sinh phù hợp nhất.
Tin học và Công nghệ là những môn mới, nhưng phổ điểm đã cho thấy sự ổn định và có độ phân hóa. Đặc biệt ở môn Tin học, dải điểm 7.0-10 sẽ giúp các trường tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính,… thuận lợi hơn.
Tác động và triển vọng cho tuyển sinh đại học
Sự phân hóa rõ ràng trong phổ điểm thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh.
Thứ nhất, các trường đại học sẽ không còn lo ngại về tình trạng nhiều thí sinh cùng đạt điểm cao "sát nút" nhau, gây khó khăn trong việc xác định điểm chuẩn và lựa chọn.
Phổ điểm năm nay cho phép trường phân loại thí sinh theo năng lực thực chất, từ đó chọn được những sinh viên phù hợp nhất với yêu cầu đào tạo của từng ngành, đặc biệt là các ngành mũi nhọn, đòi hỏi năng lực chuyên môn cao.
Thứ hai, khi điểm số phản ánh đúng năng lực, tình trạng thí sinh điểm cao nhưng không đủ năng lực thực sự sẽ giảm đi. Điều này giúp loại bỏ "điểm ảo" trong tuyển sinh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng hơn.
Thứ ba, với phổ điểm phân hóa, các trường đại học sẽ có cơ sở dữ liệu đáng tin cậy hơn để dự báo điểm chuẩn.
Việc điểm trung bình của một số môn giảm cũng được dự báo sẽ kéo theo việc điểm chuẩn của nhiều ngành, tổ hợp môn giảm khoảng 2-3 điểm so với năm trước, đặc biệt là các tổ hợp có môn Toán và Tiếng Anh. Điều này giúp thí sinh và phụ huynh có cái nhìn thực tế hơn khi đăng ký nguyện vọng.
Thứ tư, khi tuyển được sinh viên có năng lực thực chất, các trường đại học có thể tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu, phát triển kỹ năng cho sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra, đảm bảo cơ hội nghề nghiệp.
Điều này góp phần quan trọng vào việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Thứ năm, phổ điểm năm nay được đánh giá là phù hợp với định hướng phát triển năng lực của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà còn chú trọng đến khả năng tư duy, vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề, thay vì học thuộc lòng, khuyến khích học sinh học tập một cách chủ động và sáng tạo hơn.
Phổ điểm thi tốt nghiệp năm 2025 là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ thi.
Với vai trò là kỳ thi " 2 trong 1" hiệu quả, cùng sự phân hóa rõ rệt ở nhiều môn, đặc biệt là ở dải điểm cao, các trường đại học sẽ có nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh, lựa chọn được những thí sinh có năng lực thực chất, phù hợp với yêu cầu đào tạo.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Cao Nguyên