Cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Hồ Văn Mười cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát thực địa các dự án ven biển quan trọng, trong đó nổi bật là Tổ hợp Khu đô thị, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái và tâm linh Tà Cú – Bưng Thị – Sông Phan.
Khu vực suối nước nóng Bưng Thị.
Đây không chỉ là một cuộc khảo sát thực địa mà là hành trình khơi mở những tiềm năng ngủ quên hàng chục năm trời của một vùng đất kỳ vĩ, nơi có dòng suối nóng Bưng Thị chảy giữa rừng xanh Tà Cú.
Nguồn suối nước nóng từ lòng đất quý giá
Suối nước nóng Bưng Thị, một món quà của tự nhiên được phát hiện từ năm 1957 bởi nhà khoa học Pháp H. Fontaine có nhiệt độ gần 90 độ C, mang trong mình khoáng chất quý giá có thể làm nước khoáng đóng chai và tắm chữa bệnh.
Đến năm 1992 Đoàn Địa chất 705 đã khoan một lỗ khoan tiến hành bơm nước thí nghiệm và lấy mẫu phân tích và xác định đây là nguồn nước dạng xuất lộ, đặc biệt là nước nóng chảy ra từ bờ của một con suối tên là suối nước mặn, khiến cho nước trong suối một bên nóng một bên rất lạnh, kéo dài trên một đoạn 20_30m.
Dòng suối lạnh ngắt bên cạnh suối nước nóng Bưng Thị.
Đoàn 705 kết luận đây là nước clorur natri, calci, khoáng hóa vừa và cao; xếp loại nước khoáng Silic, rất nóng.
Cuối tuần qua, trước đoàn công tác gồm Chủ tịch; 4 Phó Chủ tịch và 7 giám đốc Sở của tỉnh Lâm Đồng, một cán bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú sau khi ngâm trứng gà dưới suối nước nóng Bưng Thị chỉ 10 phút sau đã chín hồng đào.
Cán bộ kiểm lâm (bên phải) giới thiệu quả trứng gà chín hồng đào sau hơn 10 phút ngâm dưới suối nước nóng Bưng Thị. Ảnh NT.
Tại đây cán bộ kiểm lâm đưa đến giới thiệu cho từng người như một phép thử dung dị mà đầy biểu tượng cho tiềm năng vô tận của thiên nhiên nơi này.
Một vùng sinh thái quý giá
Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú không chỉ là kho tàng đa dạng sinh học với hơn 751 loài thực vật và 178 loài động vật có xương sống, mà còn là điểm tựa môi sinh của toàn vùng kinh tế biển Bình Thuận.
Với các loài quý hiếm như voọc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen, diều núi, Tà Cú được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) xếp vào vùng sinh thái Trường Sơn – một trong 221 vùng sinh thái quan trọng nhất thế giới. Vai trò sinh thái của khu bảo tồn không dừng lại ở đa dạng sinh học mà còn ở điều hòa khí hậu, giữ nước, chống cát bay, bảo vệ đất và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn cư dân.
Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng tại lỗ khoan suối nước nóng Bưng Thị. Ảnh VT.
Từ 2009, suối nước nóng Bưng Thị đã được qui hoạch gắn kết với khu du lịch cáp treo Tà Cú, suối nước nóng Phong Điền, Kê Gà - Hòn Lan tạo thành một khu du lịch liên hoàn.
Các loại hình du lịch ở đây bao gồm du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch điều dưỡng, chữa bệnh suối khoáng phục vụ du khách trong nước và quốc tế; dịch vụ du lịch tắm suối khoáng nóng và spa; du lịch tham quan rừng nhiệt đới ven biển, nghiên cứu hệ sinh thái rừng; du lịch tham quan thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa; du lịch thể thao giải trí trong rừng…
Với vốn kêu gọi đầu tư hơn 41 triệu USD và đã có nhiều đề nghị đầu tư nhưng tất cả đều chưa hội đủ các điều kiện. Đến nay dự án tỉ đô này đã có nhà đầu tư xứng tầm và đang phối hợp với địa phương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Văn Mười đặc biệt nhấn mạnh: “Nguồn nước suối nóng tại Bưng Thị là tài sản vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng. Việc quy hoạch các tổ hợp sinh quyển ở khu vực này cần được tiến hành thận trọng, đúng pháp luật, đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ gìn môi trường không bị tác động”.
Tổ hợp tỉ đô: Giấc mơ hóa thành hiện thực
Tổ hợp siêu dự án Tà Cú – Bưng Thị – Sông Phan chia thành 8 dự án thành phần, trải dài từ nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đến đô thị, sân golf và du lịch tâm linh. Theo báo cáo tại buổi thực địa, có hai dự án có thể được lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thành trong năm 2025 là: Dự án 1 du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí Bưng Thị (106 ha) và dự án 4: Thuê môi trường rừng thực hiện dự án du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú (10.000 ha).
Các chuyên viên báo cáo về tiến độ đầu tư tại khu vực suối nước nóng Bưng Thị. Ảnh PN.
6 dự án thành phần còn lại gồm: Dự án 2: Khu dân cư nông thôn Bưng Thị - Tà Kóu (254 ha và tuyến đường kết nối QL1A); Dự án 3: Khu dân cư nông thôn ven biển Tân Thuận (gồm 260 ha và tuyến cáp treo nối từ Bưng Thị đến dự án); Dự án 5: Khu đô thị thị trấn Thuận Nam kết hợp sân golf Tà Cú (5 sân Golf tại địa bàn khoảng 700 ha).
Dự án 06: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Ta kóu - Bưng Thị - khoảng 27,74 ha; Dự án 7: Khu dân cư nông thôn Tân Thuận (khoảng 1.600ha) và Dự án 8: Khu dân cư nông thôn ven Sông Phan tại xã Tân Hải (khoảng 289 ha).
Ông Hồ Văn Mười yêu cầu vấn đề vướng mắc thuộc sở, ngành nào giải quyết thì Sở, ngành đó phải về nghiên cứu giải quyết ngay.
“Chúng ta quyết tâm thì sẽ làm được, không phải cứ thấy việc khó là chúng ta không thể không làm và đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm rất cao. Do đó, tất cả các sở, ngành phải thấy trách nhiệm của mình trong việc tháo gỡ các khó khăn này và sẽ cùng phối hợp giải quyết trong thời gian sớm nhất. Đối với vấn đề vướng mắc thuộc sở, ngành nào giải quyết thì Sở, ngành đó phải về nghiên cứu giải quyết ngay”, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh.
Nếu được triển khai đồng bộ, hệ sinh thái du lịch, đô thị này sẽ chuyển mình cả một vùng đất vốn chỉ mạnh về canh tác thanh long và đánh bắt ven bờ nhỏ lẻ. Và một ngày nào đó, du khách khi đến Bưng Thị không chỉ để xem trứng gà chín hồng, mà còn để chứng kiến một vùng đất phát triển.
PHƯƠNG NAM-VÕ TÙNG