Từ quan tài trên phố đến xe cứu thương đi sự kiện: Cần quy tắc đạo đức cho ngành PR

Từ quan tài trên phố đến xe cứu thương đi sự kiện: Cần quy tắc đạo đức cho ngành PR
3 ngày trướcBài gốc
Thời gian gần đây, mạng xã hội nổi lên một số cá nhân, tổ chức bất chấp tranh cãi, tiếp tục sử dụng những cách thức lố bịch, phản cảm để gây chú ý nhằm quảng bá cho thương hiệu.
Hành động này không chỉ vi phạm quy định pháp luật mà còn đặt ra câu hỏi về văn hóa ứng xử cộng đồng cũng như trách nhiệm xã hội của cá nhân, tổ chức trong truyền thông, quảng bá.
Từ quan tài trên phố đến xe cứu thương đi sự kiện
Cách đây không lâu, ngày 25-2, tại TP.HCM, một nhóm người đã gây xôn xao dư luận khi thực hiện màn khiêng quan tài đi bộ qua trước cửa Nam chợ Bến Thành và các tuyến đường ở quận 1 nhằm quảng bá cho một thương hiệu quần áo. Sau đó, nhóm người này đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố.
Tưởng chừng đây sẽ là lời cảnh báo đủ mạnh để ngăn chặn những chiêu trò lố lăng, phản cảm. Thế nhưng vẫn có những cá nhân, tổ chức lặp lại hành vi quảng cáo phản cảm để thu hút sự chú ý, bất chấp quy định pháp luật và những tác động tiêu cực đến xã hội.
Theo những người trong cuộc, đây là một chiến dịch marketing sáng tạo, lấy cảm hứng từ các điệu nhảy quan tài nổi tiếng trên mạng. Ảnh: MXH
Mới đây nhất, tối 26-3, hình ảnh dàn diễn viên đi xe cứu thương đến tham dự sự kiện ra mắt phim kinh dị trên mạng xã hội đã tạo làn sóng chỉ trích từ dư luận.
Ngay sau đó, cơ quan công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Bùi Thanh S (42 tuổi, ngụ Hóc Môn) về hành vi điều khiển xe cứu thương sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định.
Giữa làn sóng dư luận, đơn vị thực hiện hoạt động quảng bá cũng đã lên tiếng xin lỗi khán giả và cam kết rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lời xin lỗi vẫn chưa xoa dịu cơn thịnh nộ của cộng đồng mạng.
Xe cứu thương chở diễn viên đến họp báo phim Âm dương lộ. Ảnh MXH
Thực tế cho thấy, các chiến dịch quảng bá gây sốc có thể giúp thương hiệu được lan truyền rộng rãi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ẩn chứa nhiều rủi ro. Dưới góc nhìn văn hóa, TS Lưu Tuấn Anh nhận định nghệ sĩ và những người làm phim là người của công chúng, họ phải hiểu biết rõ và là người thượng tôn pháp luật nhất vì sức ảnh hưởng của họ đến xã hội và khả năng định hướng của họ trong công chúng.
“Hành động sử dụng xe cứu thương để PR của đoàn phim như thế là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng không tốt đến bộ mặt văn hóa, dễ dẫn đến những hiểu lầm về các chuẩn mực đạo đức và làm mất trật tự xã hội” - TS Tuấn Anh nói.
PR “bẩn” thì không thể tạo ra hình ảnh “sạch, đẹp”
Trong bối cảnh truyền thông hiện đại, trách nhiệm xã hội không chỉ là một khái niệm mang tính đạo đức mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
TS Văn hóa Lưu Tuấn Anh
Theo TS Lưu Tuấn Anh, PR là tổng thể các hoạt động của doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển quan hệ tốt đẹp với công chúng, nhằm xây dựng hình ảnh tích cực của doanh nghiệp tới khách hàng. Một chiến dịch PR “bẩn” thì không thể tạo ra hình ảnh “sạch, đẹp” cho doanh nghiệp. Khi đó, các doanh nghiệp cũng chỉ phát triển được nhất thời mà không thể bền vững và hậu quả để lại sau đó là những “sang chấn” xã hội lâu dài về doanh nghiệp.
“Các chiêu trò PR gây sốc có thể thu hút công chúng tìm đến nhanh chóng, nhưng cũng phải hiểu rằng công chúng biết quan sát, biết nhận định và đánh giá. Họ biết rõ việc họ tìm đến để làm gì và kết quả sau khi tìm đến với các chiến dịch PR đó là thế nào” -TS Lưu Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, TS Tuấn Anh cho rằng ngay từ đầu các cá nhân, tổ chức cần có sự chuẩn bị kỹ càng và thận trọng trong các chiến dịch truyền thông để giảm thiểu tối đa khả năng phát sinh khủng hoảng. Từ đó sẽ giúp các cá nhân, tổ chức có nhiều thời gian hơn để phát triển kinh doanh, nuôi dưỡng sự tin yêu của công chúng, người tiêu dùng, từng bước phát triển bền vững trước nhiều biến động của xã hội.
Cần quy tắc đạo đức cho ngành PR
Hiện nay, các hoạt động kinh doanh cũng ngày càng rầm rộ với nhiều hình thức tiếp cận thị trường và phong phú các sản phẩm, theo TS Lưu Tuấn Anh, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử gồm các quy định, chuẩn mực, những hình thức xử phạt, chế tài trong hoạt động PR, hoạt động marketing trong các chiến dịch truyền thông tại Việt Nam là rất cần thiết.
“Các quy định trong bộ quy tắc này cần dựa trên các tiêu chí: Không vi phạm pháp luật, không trái thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và hướng đến sự phát triển bền vững của các cá nhân, tổ chức” - TS Lưu Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, TS Tuấn Anh cho hay bộ quy tắc này không gây cản trở cho sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như kiềm hãm bất kỳ sự sáng tạo liên quan nào trong các chiến dịch truyền thông của họ, mà ngược lại sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp căn cứ vào và đưa ra đường hướng phát triển, hình thức lẫn nội dung sáng tạo phù hợp nhất, đúng đắn nhất cho các chiến dịch quảng bá hay kinh doanh sản phẩm. Từ đây cũng sẽ giúp hạn chế tối đa những chiến dịch truyền thông phản cảm, các hoạt động quảng bá lệch chuẩn.
"Sự thành công của các chiến dịch truyền thông của các tổ chức, cá nhân, nhãn hàng là do các yếu tố gồm: Sản phẩm hữu dụng, có chất lượng và giá trị, giá cả phù hợp từng phân khúc và quan trọng là các hoạt động truyền thông lành mạnh, có ý nghĩa, có giá trị, chạm vào tâm thức văn hóa của các cộng đồng tiêu dùng, tôn vinh sản phẩm của đất nước, không vi phạm pháp luật và không làm xấu hình ảnh văn hóa dân tộc.
Do đó, có rất nhiều các thương hiệu vẫn tồn tại lâu dài trong tâm trí của người tiêu dùng, được người tiêu dùng ủng hộ và vẫn đang phát triển tốt đẹp trên thị trường. Đây là những cốt lõi mà các doanh nghiệp khác nếu vẫn đang tìm kiếm con đường thành công cho các chiến dịch truyền thông có thể học hỏi để kế thừa và phát huy" - TS Tuấn Anh nói.
Đồng thời, TS Tuấn Anh gợi ý rằng các doanh nghiệp nên có các đơn vị phụ trợ như tổ tư vấn pháp lý, các cố vấn văn hóa, đội xử lý khủng hoảng truyền thông, nhất là những doanh nghiệp lớn hay trong những hoạt động quảng bá sản phẩm có quy mô lớn, để luôn sẵn sàng cho các chiến dịch truyền thông hiệu quả, có giá trị tích cực, lưu lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng tiêu dùng.
"Điều này chắc chắn rất có lợi cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các doanh nghiệp" - TS Lưu Tuấn Anh khẳng định.
Ngành PR được hiểu như thế nào?
Theo Thông tư 41/2018 của Bộ LĐ-TB&XH (giờ là Bộ Nội vụ), chương trình đào tạo trình độ trung cấp ngành Quan hệ công chúng (Public Relations, viết tắt là PR) trang bị cho người học những kỹ năng cần thiết như soạn thảo nội dung truyền thông, tổ chức các hoạt động PR, quản trị mạng xã hội, chăm sóc khách hàng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này; trình độ cao đẳng và đại học, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để xây dựng và duy trì hình ảnh tích cực cho tổ chức hoặc cá nhân trước công chúng và truyền thông.
Quan hệ công chúng (PR) là một lĩnh vực quan trọng trong hoạt động truyền thông, đóng vai trò xây dựng và duy trì hình ảnh tích cực của cá nhân, tổ chức trước công chúng và giới truyền thông.
Người làm PR không chỉ chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu, tổ chức sự kiện mà còn tham gia xử lý khủng hoảng truyền thông, tạo dựng lòng tin với công chúng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, PR đang trở thành một trong những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao, mở ra nhiều cơ hội cho những ai đam mê lĩnh vực truyền thông và kết nối cộng đồng.
DI LINH
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-quan-tai-tren-pho-den-xe-cuu-thuong-di-su-kien-can-quy-tac-dao-duc-cho-nganh-pr-post841199.html