Theo TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Khu vực II, khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chắc chắn chúng ta không thể không nhắc tới những quyết sách linh hoạt, sáng tạo của Người. Chính những quyết sách linh hoạt, sáng tạo này của Người đã đưa đến những thành công cho cách mạng Việt Nam.
Tháng 12/1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngược dòng tìm đường cứu nước cho dân tộc
. Phóng viên: Thưa ông, trước những giai đoạn thử thách đầy cam go của lịch sử, bằng sự nhạy bén và mẫn cảm chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng bộ máy lãnh đạo đưa ra những quyết định chuẩn xác, tạo ra thời cơ thuận lợi để dân tộc Việt Nam vượt lên và đi tới?
+ TS VŨ TRUNG KIÊN: Năm 1930, Nguyễn Ái Quốc được giao chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Một câu hỏi lớn cho đến hôm nay vẫn chưa thật sự có lời giải đáp thật thấu đáo là vì sao khi ấy Nguyễn Ái Quốc lại không được giao là người đứng đầu Đảng. Nếu đọc lại đường lối của Quốc tế Cộng sản khi ấy và Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Hội nghị thành lập Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì có lẽ chúng ta cũng có thêm ở đó lời giải đáp chăng?
Trong khi Quốc tế Cộng sản khi ấy cho rằng chỉ công nông mới là lực lượng của cách mạng thì trong những bản Cương lĩnh đầu tiên của Hội nghị thành lập Đảng, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định rằng ở Việt Nam, chỉ những ai phản lại quyền lợi của đất nước và dân tộc mới không phải là lực lượng của cách mạng và cần đánh đổ, tất cả những ai vì đất nước, vì dân tộc sẽ có chỗ đứng trong lòng dân tộc và sẽ là lực lượng của cách mạng.
Năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Hình như trong những thời điểm khúc quanh trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Nguyễn Ái Quốc thường có tư duy bơi ngược dòng. Không phải chỉ khi đã trở thành người lãnh đạo của Đảng và Nhà nước mà kể từ khi quyết định ra đi tìm con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc cũng đã quyết định ngược dòng khi đi sang phương Tây, sang nước Pháp, nước đang đô hộ dân tộc Việt Nam khi ấy.
Đến các quyết sách chống nạn đói, nạn dốt, chống ngoại xâm, bầu cử tự do, biên soạn và ban hành Hiến pháp
.Giai đoạn 1945-1946, tinh thần linh hoạt, quyết sách sáng tạo, sự uyển chuyển trong đường lối lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo được những giá trị ra sao trong lịch sử nước nhà, thưa ông?
+ Bây giờ nếu ai đến thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên, An Giang sẽ thấy ở đó có một chiếc xuồng máy. Chiếc xuồng máy này chính là phương tiện mà Bác Tôn đã sửa để chở các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng bị kẻ thù giam cầm ngoài Côn Đảo về đất liền khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Các sách sử của chúng ta hiện nay đều viết rằng Cách mạng tháng Tám, Đảng Cộng sản Đông Dương có 5.000 đảng viên. Thực ra con số 5.000 ấy là tổng số, thực tế khi ấy rất nhiều đồng chí vẫn bị giam cầm ở các nhà tù.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt sau phiên họp đầu tiên, sáng 3/9/1945. Ảnh: TTXVN
Ai là người làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, tất nhiên đó là Nhân dân. Cố Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ Nguyễn Văn Nguyễn trong “Tháng Tám trời mạnh thu” đã từng cảm tác: “Một tác phẩm xuất hiện. Không phải công trình vô vi của anh hùng cô độc. Một tác phẩm của nhân dân, làm bằng máu thịt của nhân dân, anh hùng là nhân dân”.
Để có cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhanh chóng và hầu như không đổ máu là công lao và sức mạnh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Song, nếu không có những quyết sách sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941 thì liệu có được kết quả tốt đẹp này hay không. Mặt trận Việt Minh thành lập với đường lối đúng đắn của mình đã quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cùng với đó, Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 5-1941) đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tất cả các mục tiêu, lợi ích khác đều phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc.
Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đã tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân hãy “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Đất nước giành được độc lập song phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, thù trong, giặc ngoài, bằng thiên tài lãnh đạo và phong cách linh hoạt, sáng tạo, uyển chuyển của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các quyết sách chống nạn đói, nạn dốt, chống ngoại xâm, bầu cử tự do, biên soạn và ban hành Hiến pháp v.v…
Để tranh thủ thời cơ, có thêm thời gian chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định nhượng bộ ký với chính phủ Pháp nhiều hiệp định, thỏa thuận, trong đó có những thỏa thuận đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.. như Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946.
Ngày 14/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí với Pháp bản Tạm ước, tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cổ lực lượng, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Hay như khi đọc sách, chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí minh đã ký với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp bản Tạm ước 14-9-1946, thế nhưng có bao nhiêu người biết rằng bản tạm ước ấy đã được ký vào nửa đêm giờ Paris nước Pháp.
Rõ ràng, để tìm cách đưa đất nước và dân tộc Việt Nam thoát khỏi cảnh “nước sôi, lửa bỏng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận lực làm tất cả những gì có thể làm được…
Trước tình hình khẩn trương của cách mạng miền Nam, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 15 năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 đã chuyển chiến lược từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động tấn công, tạo nên bước tiến nhảy vọt cho cách mạng miền Nam đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu. Trong ảnh: Bác Hồ thăm nông dân hợp tác xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gặt lúa mùa (1954). Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh với tư duy cải cách dũng cảm
. Tinh thần linh hoạt, sáng tạo, thích ứng với thời cuộc từ Chủ tịch Hồ Chí Minh đó đang được tiếp nối ra sao trong thời điểm hiện nay, theo ông?
+ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người theo Chủ nghĩa Mác-Lênin, thế nhưng Người luôn luôn vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam chứ không hề rập khuôn, máy móc, giáo điều. Có lẽ phẩm chất đặc biệt này của Người có được là bởi chính Người đã hiểu một cách tường tận, thấu đáo chủ nghĩa Mác-Lênin.
Còn nhớ, trong bức thư gửi cho một nữ văn sỹ người Mỹ là Kvinhetskai năm 1887, Ph.Ăngghen đã nói rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”. Mác- Ph.Ăngghen, Lênin và cả Hồ Chí Minh dù có tài năng đến bao nhiêu cũng không thể đưa ra được sơ đồ phát triển cho hậu thế, bởi xã hội luôn luôn phát triển, biến đổi không ngừng.
Kể từ năm 1965, khi bắt tay vào viết bản Di chúc để lại trước khi đi xa cho đến những bản cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa chữa rất nhiều lần. Lịch sử không có chữ nếu, song nếu còn sống thì có thể với tư duy đổi mới, sáng tạo của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục sửa bản Di chúc này.
Khi đọc lại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nội dung rất quan trọng đó là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”. Như vậy rõ ràng Nghị quyết nêu rất rõ 2 nội dung là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo. Thế nhưng hình như bây giờ không mấy nơi, mấy chỗ nhấn mạnh việc “vận dụng, phát triển sáng tạo” mà chỉ nhấn mạnh “kiên định”, đó là cách hiểu chưa đúng, chưa đủ.
Thế hệ đi sau đừng bắt các bậc tiền bối phải suy tư và vạch ra một mô hình cụ thể cho chúng ta. Trên con đường mà các bậc tiền bối đã khai mở, thế hệ đi sau có thể đi thuyền, bắc cầu, làm phà, làm cầu, làm đường cao tốc, thậm chí đường sắt cao tốc tốc độ cao thì đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của thế hệ hôm nay và những thế hệ nối tiếp.
Những tư duy đổi mới, sáng tạo, linh hoạt từ Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay lại đang nhìn thấy ở mọi lúc, mọi nơi. Là một chính đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn tự đổi mới mình để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.
Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta vẫn đang tiếp tục đổi mới bằng những quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo.
Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đang tiếp tục đổi mới bằng những quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo. Như hiện nay, đó là cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đột phá về khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất… Chúng ta cũng đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân, tiến hành sửa đổi Hiến pháp 2013.
Tất cả những quyết sách này gắn liền với đòi hỏi bức thiết của thực tế, và toàn hệ thống chính trị đang làm với quyết tâm cao nhất, thể hiện tư duy cải cách dũng cảm, sự vận động mềm dẻo của thể chế để thích ứng với yêu cầu phát triển mới.
Học và làm theo Bác Hồ bắt đầu bằng những việc thiết thực và cụ thể, trong đó có việc luôn tự đổi mới chính mình để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại.
Xin cảm ơn ông!.
THANH TUYỀN