Âm nhạc và văn hóa truyền thống tỏa sáng tại concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Ảnh: BTC
Từ sân khấu biểu diễn hoành tráng, hệ sinh thái dịch vụ đồng hành, đến tác động lan tỏa về văn hóa và kinh tế, các đêm nhạc “made in Vietnam” đang từng bước khẳng định vị thế như những điểm sáng nổi bật trong chuỗi giá trị giải trí quốc gia.
Doanh thu khủng, giá trị không dừng ở con số
Chỉ trong vòng chưa đầy hai năm, các chuỗi concert của thần tượng Việt đã phá vỡ mọi giới hạn trước đó của thị trường âm nhạc nội địa. Ví dụ điển hình là Anh trai vượt ngàn chông gai - concert có tới 20.000 vé bán hết trong 90 phút, với mức giá từ 800.000 đến 8 triệu đồng/vé.
Không chỉ có lợi nhuận từ bán vé, “nguồn lực” từ concert còn đến từ hệ sinh thái dịch vụ đi kèm, với việc bán áo thun, móc khóa, photobook in hình nghệ sĩ, thực phẩm - đồ uống, dịch vụ du lịch - lưu trú, sản phẩm quảng bá vùng miền… Các đêm nhạc đã trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị giải trí, tiêu dùng và văn hóa.
Tập đoàn Yeah1, đơn vị tổ chức nhiều concert đình đám, ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2024, đặc biệt trong lĩnh vực giải trí. Các chương trình như Anh trai vượt ngàn chông gai 2024, Chị đẹp đạp gió 2024... liên tục đứng top 1 lượt xem trên nhiều nền tảng, đặc biệt là trên sóng VTV3 Đài Truyền hình Việt Nam.
“Thừa thắng xông lên”, tập đoàn này đã tổ chức thành công những đêm đại nhạc hội concert với tốc độ “hết sạch vé”, có đợt nhanh nhất chỉ trong vòng 40 phút kể từ khi mở bán. Các đêm concert này thu hút lượng khán giả đông không kém gì những đêm diễn đình đám của các ban nhạc nổi tiếng thế giới, cho thấy tiềm năng phát triển trong mảng sự kiện trực tiếp.
Về kết quả tài chính, YeaH1 ghi nhận doanh thu năm 2024 đạt 1.007 tỉ đồng, tăng 2,4 lần so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 127 tỉ đồng, tăng 4,8 lần so với năm trước. Đây là mức lãi cao nhất trong 6 năm qua và cao thứ nhì kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin vào năm 2013. Doanh thu từ quảng cáo và tư vấn truyền thông đạt 845 tỉ đồng, tăng 4 lần so với năm trước.
Ngoài các concert thần tượng, chương trình Hò dô, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM, cũng là một điểm sáng về tiềm năng kinh tế - văn hóa từ âm nhạc. Được tổ chức quy mô, miễn phí vé vào cổng, chương trình thu hút hàng chục nghìn khán giả trong và ngoài nước, với sự góp mặt của nghệ sĩ Việt và quốc tế đến từ Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Cuba, Hàn Quốc, Mỹ…
Không chỉ là sự kiện âm nhạc, Hò dô còn kết nối ngành du lịch - khách sạn - ẩm thực - truyền thông, tạo nên một mô hình kinh tế tổng hợp từ văn hóa. Lễ hội đã mở rộng khái niệm “concert” từ một sự kiện thương mại sang hình thức phi lợi nhuận, định hướng công cộng, nhưng vẫn tạo ra giá trị kinh tế gián tiếp rất lớn, thông qua chi tiêu của khán giả, khách du lịch và doanh nghiệp tham gia.
Doanh thu bán các món đồ lưu niệm từ concert cũng giúp BTC “hốt bạc”. Ảnh: NAM ANH
Sự đầu tư chuyên nghiệp và sáng tạo, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế
Việc một chương trình có thể bán ra 20.000 vé trong vòng chưa đầy 90 phút không phải chỉ là kết quả của hiệu ứng người nổi tiếng, đó là thành quả của một quá trình tổ chức bài bản, từ thiết kế sân khấu, quản lý dòng người, vận hành kỹ thuật, đến bảo đảm an ninh, truyền thông và điều phối hậu trường.
Những yếu tố tưởng như nằm trong hậu trường ấy chính là cốt lõi làm nên chuẩn mực cho một concert chuyên nghiệp và Việt Nam đang từng bước chạm được vào điều đó.
MC Vũ Mạnh Cường, người từng được mời dẫn dắt chương trình Asia Artist Awards 2019 tại SVĐ Mỹ Đình, nhớ lại cảm giác choáng ngợp khi lần đầu trải nghiệm một sự kiện âm nhạc quốc tế quy mô lớn do ê kíp Hàn Quốc thực hiện: “Tôi vô cùng ấn tượng với cách họ tổ chức. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn cả là sự cuồng nhiệt của khán giả. Họ đã lấp đầy sân Mỹ Đình, tạo nên một bầu không khí bùng nổ. Những cánh cửa, rào chắn gần như không thể cản nổi dòng người hâm mộ đến từ khắp nơi trên thế giới. Giữa khung cảnh đó, tôi chợt nghĩ: Bao giờ Việt Nam mới có một show diễn hoành tráng như thế? Khi ấy, câu trả lời vẫn còn rất xa…”.
Nhưng chỉ sau vài năm, chính Việt Nam cũng đã làm được những concert mà theo lời anh, là “đỉnh của đỉnh”, với số lượng khán giả khủng từ 15.000-20.000 người và cách vận hành không thua kém các nước có nền công nghiệp âm nhạc phát triển. Từ góc nhìn của người làm nghề lâu năm, MC Vũ Mạnh Cường cho rằng, đó là tín hiệu đẹp của “buổi bình minh” trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt.
Theo nam MC, bên cạnh những chương trình thương mại lớn, các sự kiện có yếu tố cộng đồng và chính thống như Hò dô hay Mùa xuân thống nhất do Bộ VHTTDL tổ chức dịp Đại lễ 30.4 vừa qua, chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên những concert quy mô, mang tầm văn hóa đối ngoại.
Không gian công cộng được sử dụng hợp lý, giao thông được điều tiết nhịp nhàng, các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng sáng tạo và gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, cảm xúc.
Nhìn từ hiện tượng khán giả “đu idol” trong nước, nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhận định: “Đó là điều rất đáng mừng. Các bạn trẻ chỉ yêu thích khi họ cảm thấy nghệ sĩ thực sự có điều gì hay ho để theo đuổi. Điều đó chứng tỏ các nghệ sĩ Việt đang nỗ lực bắt kịp xu hướng, đầu tư chỉn chu cả về hình thức lẫn nội dung. Những gì không hay, không chất lượng thì sớm muộn cũng bị đào thải. Tôi tin vào lớp trẻ, họ là tương lai và họ đủ tỉnh táo để lựa chọn điều gì nên giữ lại, điều gì nên thay đổi để làm cho nền âm nhạc Việt tốt hơn”.
Từ những bước đi đầu tiên, chúng ta đã không còn “chập chững” mà đang tăng tốc đầy tự tin. Nếu tiếp tục duy trì chất lượng, chuyên nghiệp hóa quy trình tổ chức và chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, từ nghệ sĩ đến đội ngũ sự kiện, Việt Nam hoàn toàn có thể định hình một bản sắc riêng trong dòng chảy âm nhạc quốc tế.
(Còn tiếp)
THÙY TRANG - NGỌC NHIÊN - ĐÌNH TOÁN