Tu sửa hè đường: Giải pháp nào giảm ảnh hưởng dân sinh?

Tu sửa hè đường: Giải pháp nào giảm ảnh hưởng dân sinh?
5 giờ trướcBài gốc
“Mùa” đào đường, lát vỉa hè
Thủ đô Hà Nội đang bước vào những tháng cuối của năm 2024, và như đã thành thông lệ trong vô số những áp lực mà mỗi người dân Thủ đô phải đối diện vào thời điểm cuối năm thì năm nào cũng có áp lực tham gia giao thông trong tình trạng lòng đường, vỉa hè bị cày xới…
Ghi nhận trong khoảng hơn một tháng trở lại đây trên địa bàn quận Đống Đa, nhiều công trình đào đường, chỉnh trang hạ tầng được thi công. Nhiều công trình được nhanh chóng hoàn thiện nhưng cũng có nhiều công trình đến thời điểm này vẫn dở dang. Đơn cử tại khu vực khu tập thể Trung Tự, phường Trung Tự, mặt đường bị đào bới, xuất hiện rãnh dài hàng trăm mét được hoàn trả vội vàng gây mất mỹ quan đô thị. Chưa kể tại nhiều khu vực trống, hàng trăm mét ống nhựa, bao cát vật liệu thi công vẫn bị bỏ ngổn ngang lấn chiếm không gian chung trong khu vực.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối năm, nhiều vỉa hè, tuyến đường trên địa bàn thành phố Hà Nội lại bị “xới tung”, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Cách đó không xa, “dự án lát đá vỉa hè” trên phố Hồ Đắc Di, phường Nam Đồng, cũng trì trệ suốt nhiều ngày nay. Cả tuyến phố hàng trăm mét được tập kết đá lát ngổn ngang nhưng chỉ có lác đác vài công nhân thi công, thậm chí có ngày còn không có bóng một công nhân nào. Vỉa hè bị đào lên, bụi đất cộng thêm tiết trời hanh khô khiến không khí càng thêm ô nhiễm.
Cực chẳng đã, nhiều nhà trong khu vực đã phải tự mình xếp đá hoặc trải bạt trước cửa nhà để tiện di chuyển và tránh bụi. Anh Nguyễn Huy Bình ở 45 Hồ Đắc Di cho biết, việc thi công vỉa hè trên tuyến phố này đã diễn ra gần 2 tuần nay. “Chúng tôi ai cũng mừng vì vỉa hè trước nhà được cải tạo sẽ khang trang sạch sẽ hơn, tuy nhiên việc thi công kéo dài chưa biết bao giờ xong cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt chung…”, anh Bình cho hay.
Ghi nhận tại một số địa bàn khác, không chỉ lát đá chỉnh trang lại vỉa hè, nhiều tuyến phố cũng được cào nhựa rải thảm lại mặt đường, điều đáng nói ở đây là thời gian thi công và tiến độ thi công khác nhau nên mức độ gây ảnh hưởng đến người dân cũng khác nhau. Đơn cử như việc cải tạo lại tuyến phố Hoàng Tích Trí, phường Kim Liên, quận Đống Đa, dù rất ngắn chỉ vài trăm mét nhưng trên tuyến phố này hiện có 3 trường tiểu học và 1 trường mẫu giáo, do đó, tuyến phố này được cải tạo vào buổi tối ngày cuối tuần khi ít các phương tiện qua lại, không gây ùn tắc giao thông. Trong khi đó, tại nhiều tuyến phố chính như Lò Đúc, Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng); Linh Lang (quận Ba Đình);… việc thi công đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông trong khu vực. Thậm chí, trong quá trình thi công đã xảy ra một số vụ tai nạn khiến người đi đường bị xây xát nhẹ. Theo một người dân ở đây, nguyên nhân của tình trạng này là khi mặt đường bị cào lên, nham nhở khiến xe máy bị trượt bánh.
Phải khẳng định, việc thi công diễn ra trong các khu dân cư vào dịp cuối năm vốn là thời điểm nhu cầu đi lại, hoạt động kinh doanh, buôn bán của người dân gia tăng nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao cả năm không làm, sao cứ đúng dịp cuối năm mới làm.
Cần có cơ chế phù hợp hơn
Hà Nội là một đô thị lớn, do đó, việc tu sửa hè đường, hạ ngầm dây cáp, nâng cấp tuyến ống… cũng đều vì lợi ích thực tế của người dân. Chính vì vậy, công bằng mà nói, việc duy tu sửa chữa đường, thi công hạ tầng ngầm là cần thiết và vẫn được tiến hành quanh năm. Tuy nhiên, đấy là với các dự án lớn hoặc các tuyến phố do Thành phố quản lý, còn phần lớn các tuyến phố do địa phương quản lý thì việc triển khai vẫn còn máy móc, các đơn vị quản lý, thi công công trình cũng chưa thực sự vào cuộc tích cực.
Theo giải thích của lãnh đạo một phường ở Hà Nội, mỗi dịp đầu năm, UBND phường có văn bản gửi các tổ dân phố, cụm dân cư về vấn đề hạ tầng. Trong đó có các nội dung như nâng cấp, cải tạo đường, ngõ xóm, nạo vét cống rãnh… để lấy ý kiến người dân, tiếp đó phường tập hợp ý kiến gửi lên Ban Quản lý đầu tư xây dựng của quận và cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát rồi báo cáo UBND quận, sau đó trình Hội đồng nhân dân quận để phê duyệt dự án.
Với kế hoạch hàng năm thì đến cuộc họp giữa năm, tức là khoảng tháng 6, tháng 7, Hội đồng nhân dân quận sẽ tổ chức họp để thống nhất, sau đó quận/huyện giao cho Ban Quản lý dự án trực thuộc thực hiện việc điều tiết vốn, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện. Từ khi được phê duyệt, đến lựa chọn nhà thầu, thi công theo đúng các quy trình thủ tục thì đến khoảng tháng 10, chậm hơn là tháng 12 hàng năm, dự án mới được thi công.
Thực tế là vậy tuy nhiên đây cũng không thể là lý do bao biện cho câu chuyện cứ đến cuối năm mới thi công vỉa hè hay đào đường. Xét về khía cạnh tích cực, việc đào đường, đào vỉa hè là nhằm để thay mới, làm đẹp đẽ lại bộ mặt đô thị nhưng “cốt lõi” vẫn là giảm tối đa làm phiền hà, cản trở giao thông, sinh hoạt của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc duy tu, sửa chữa đường vẫn cần được tiến hành theo định kỳ, hoặc khi có sự cố, hư hỏng đột xuất. Nếu bắt buộc phải làm, thì làm cuốn chiếu, rốt ráo từng khu vực, đúng tiến độ, tránh tập trung vào cùng dịp cuối năm. Điều quan trọng nhất là Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng Hà Nội và chính quyền địa phương phải làm tốt vai trò quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, có sự điều tiết hợp lý từ nguồn vốn đến tiến độ thi công, tránh tối đa ảnh hưởng đến người dân.
Tuấn Dũng
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/tu-sua-he-duong-giai-phap-nao-giam-anh-huong-dan-sinh-180074.html