Tu tập theo hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm

Tu tập theo hạnh nguyện Bồ tát Quán Thế Âm
2 giờ trướcBài gốc
Tác giả: Huệ Đức
Các vị Bồ tát với mỗi một danh hiệu khác nhau đều thể hiện hạnh nguyện riêng của mình, như Bồ tát Địa Tạng nguyện vào địa ngục để cứu chúng sinh đang đau khổ, Bồ tát Thường Bất Khinh luôn coi trọng mọi người, Bồ tát Phổ Hiền đại diện cho phương tiện cùng mười hạnh nguyện lớn lao thù thắng, vv. Còn Bồ tát Quán Thế Âm thì sao?
Quán Thế Âm là một vị Bồ tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật, là một trong những vị Bồ tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại thừa.
Ngài không có giới tính nhất định, có thể tùy vào mỗi hoàn cảnh mà Ngài hiện thân khác nhau để hóa độ. Nhưng vì Bồ tát Quán Thế Âm thể hiện cho lòng từ bi vô tận nên trong niềm tin của tín đồ một số nước ở khu vực Đông Nam Á, đúc tượng Ngài là hình tượng người phụ nữ.
Quán Thế Âm có nghĩa là quán chiếu, suy xét, lắng nghe âm thanh của thế gian. Theo phẩm Phổ Môn kinh Diệu Pháp Liên Hoa, sở dĩ Ngài mang tên gọi như vậy là do hạnh nguyện từ bi cứu khổ cứu nạn, mỗi khi chúng sinh bị khổ đau, nhất tâm xưng niệm danh hiệu Ngài thì Ngài liền quán xét âm thanh đó và lập tức cứu họ thoát khỏi mọi tai ách.
Chính vì hạnh nguyên ấy nên trong kinh có lời tán thán Ngài như sau:
“Cụ nhất thiết công đức
Từ nhãn thị chúng sinh
Phước tụ hải vô lượng
Thị cố ứng đảnh lễ”
Thật vậy, “Từ nhãn thị chúng sinh - Mắt thương nhìn cuộc đời”, Bồ tát Quán Thế Âm đã dùng tâm từ bi vô bờ bến, thương yêu không phân biệt để quán sát tất cả chúng sinh đang đau khổ cần sự cứu giúp của Ngài. Dù người già hay trẻ nhỏ, dù người Phật tử hay không phải phật tử, dù theo tôn giáo nào đi nữa thì tất cả mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đều luôn quy kính tôn thờ Ngài.
Hình ảnh của Ngài được ví như người mẹ hiền, một hình ảnh gần gũi và thân thương, vì chỉ có người mẹ mới lắng nghe, mới thấu hiểu nổi lòng của con mình, để dìu dắt, chở che, bao dung và tha thứ cho những đứa con đi sai đường lạc lối, thậm chí đôi khi mẹ phải hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cho con.
Là người xuất gia đang sống trong một thời đại tiên tiến nhưng cũng không ít những vấn nạn đang xảy ra như hận thù, ly hôn, phá thai, tự tử, vv. Trước những khổ đau của nhân thế như vậy, chúng ta nên tu tập theo hạnh nguyện “Từ nhãn thị chúng sinh - Mắt thương nhìn cuộc đời” như thế nào để giúp chúng sinh bớt khổ?
Thay đổi cách nhìn để cuộc sống hạnh phúc hơn
Thực ra bản chất của cuộc sống rất muôn màu muôn vẻ giống như một vườn hoa với nhiều loài hoa khác nhau, mỗi loài sẽ có nét đẹp và giá trị riêng để tô đẹp cho vườn. Có thể hoa sương rồng không thơm ngọt ngào như hoa mộc lan, nhưng sức chịu đựng cái giá rét mùa đông thì mộc lan không sao sánh được với sương rồng. Có thể hoa phượng không quyến rũ bằng hoa liễu, nhưng vẻ kiêu sa của nó thì không loài nào sánh kịp.
Cũng vậy, mỗi người chúng ta đều có một vẻ đẹp bên ngoài và giá trị tâm hồn khác nhau. Không ai là thập toàn thập mỹ, cũng không ai là hoàn toàn xấu xa. Thế nhưng vì thành kiến cố chấp bảo thủ, con người luôn sống với nhau trong sự hoài nghi tật đố, không chịu chấp nhận cảm thông cho nhau nên đã tạo ra bao nhiêu oán kết hận thù khiến tâm hồn mình và người đều bị tổn thương. Mỗi chúng ta chỉ cần lắng lòng lại, biết đặt mình vào vị trí của nhau, thay đổi cách nhìn nhận đánh giá về nhau thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng êm đẹp biết bao nhiêu.
Trong kinh Thủy Dụ, số 25, thuộc Trung A Hàm, đức Phật từng dạy: “Với một người có lời nói dễ thương nhưng hành động không dễ thương, nếu mình là người biết tu tập, mình không nên chỉ nhìn vào hành động của người ấy mà hãy để ý đến lời nói dễ thương của họ, sống với những đức tính dễ thương của họ. Hoặc, nếu một người có lời nói không dễ thương, hay nói những lời cay nghiệt, những lời xóc xỉa, mỉa mai, thô lỗ, nhưng lại có thân hành thanh tịnh, có nhiều việc làm dễ thương, hay giúp đỡ người khác thì mình đừng nhìn vào lời nói của người đó mà chỉ chú ý đến thân hành, chú ý đến việc làm của người ấy.”
Quả thực như vậy, chỉ cần từ bỏ thói quen chỉ trích lỗi người, tập sống nhìn vào những ưu điểm của người để tán dương và học hỏi thì cả ta và người đều có thể hòa hợp hỗ tương nhau, cùng nhau phát triển những giá trị nhân phẩm đáng quý để tô đẹp và tạo dựng nên hạnh phúc cho cuộc đời này.
Mắt thương nhìn cuộc đời
Thiền sư Nhất Hạnh đã trước tác một bài thi kệ rất đơn giản nhưng ẩn chứa một triết lý sống vô cùng sâu sắc và thiết thực:
Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Mỗi ngày cuộc đời cho ta hai bốn giờ để sống, vậy nên chúng ta phải biết trân quý từng khoảnh của thời gian để sống cho thật trọn vẹn. Hãy sống với một tâm hồn trong sáng tinh khôi, với một trái tim tràn đầy tình thương yêu dành cho muôn loài. Dùng trí tuệ để thấu hiểu và cảm thông cho nỗi đau của người khác, bởi vì chỉ khi có khả năng thấu hiểu ta mới có thể thương yêu thật sự.
Cuộc đời này có lắm người đang quằn quại trong khốn khổ, vậy nên rất cần những hình ảnh của Bồ tát Quán Thế Âm đem mắt thương đi vào cuộc đời để xoa dịu những nỗi đau của trần thế. Và không ai khác chính chúng ta, những xứ giả của Như Lai hãy là những vị Bồ tát sống đem chân lý vào đời bằng chính nhân cách sống hằng ngày của mình để cứu khổ cho chúng sinh.
Chúng ta hãy thực tập mỗi ngày, truyền trao năng lượng thương yêu đến muôn loài bằng trí tuệ sáng suốt và trái tim đồng cảm.
Trước hết, hãy truyền năng lượng quý kính đến những bậc tiền bối, đến Thầy Tổ, Cha Mẹ ta, mặc dù có đôi lần họ đã nghiêm khắc la mắng quở phạt ta nhưng vì tuổi trẻ bồng bột nên ta đã lầm oán trách họ. Hãy gửi niệm thương yêu đến những người đã từng giúp đỡ ta trong lúc khốn khó và nguyện cho họ luôn được bình an.
Gửi niệm thương yêu đến những người đã từng khiến ta tổn thương và nguyện ngày sau gặp lại ta và họ vẫn có thể mĩm cười cúi chào nhau... Chỉ cần dùng đôi mắt thương để nhìn để sống với cuộc đời thì cuộc đời sẽ trở nên đáng sống và bình an hạnh phúc sẽ luôn có mặt.
Nguyện cho tất cả mọi người đều biết sử dụng đôi mắt tinh khôi thuần khiết của mình để chiếu soi vào đời những nhựa sống của tình thương.
Nguyện cho ai ai cũng là một vị Bồ tát biết lắng nghe và thấu hiểu nhau, cùng nhau vun đắp tô đẹp cho đời.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Tầm Thanh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Ứng Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Tác giả: Huệ Đức
Nguồn Tạp chí Phật học : https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tu-tap-theo-hanh-nguyen-bo-tat-quan-the-am.html