Từ 'thần tượng' đến 'đối tượng': Khoảng cách mong manh

Từ 'thần tượng' đến 'đối tượng': Khoảng cách mong manh
6 giờ trướcBài gốc
Chưa bao giờ khái niệm “thần tượng” lại đến gần công chúng như thời mạng xã hội. Chỉ cần một chiếc điện thoại và một câu chuyện đủ thu hút, bất kỳ ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng, thậm chí là biểu tượng truyền cảm hứng. Nhưng cũng chưa bao giờ khoảng cách giữa việc trở thành người được ngưỡng mộ và người bị khởi tố lại ngắn đến thế. Câu chuyện của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục là lát cắt rõ nét về điều đó.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đã xây dựng cho mình một cộng đồng người hâm mộ lớn, họ được yêu mến không chỉ vì nội dung sáng tạo mà còn bằng những hình ảnh cuộc sống năng động sáng tạo, hướng thiện, gần gũi, có bản sắc.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục từng xuất hiện trên mạng xã hội với hình tượng rất đẹp, được hâm mộ, yêu mến - Ảnh: Internet
Quang Linh, một thanh niên xứ Nghệ, nổi tiếng với những hoạt động thiện nguyện ở châu Phi, tạo ra hình ảnh một người Việt xa xứ sống nhân văn và tử tế. Kênh YouTube “Quang Linh Vlogs - Cuộc sống ở châu Phi” của anh từng đạt mốc 5 triệu người theo dõi, thu hút hàng triệu lượt xem mỗi video.
Hằng Du Mục, một hiện tượng mạng với hình ảnh cô gái thông minh nhạy bén truyền đi nhiều năng lượng tích cực cho cộng đồng. Kênh TikTok của cô có hơn 4,8 triệu người theo dõi, cùng với hơn 2,2 triệu người theo dõi trên fanpage Facebook.
Nhưng ánh sáng của thần tượng, một khi thiếu nền tảng trách nhiệm, sẽ dễ dàng chói lòa rồi tan vỡ. Khi vụ việc liên quan đến sản phẩm “kẹo rau củ Kera” bị phanh phui, công chúng mới ngỡ ngàng nhận ra một sự thật không dễ chấp nhận. Những người từng khiến ta tin tưởng lại có thể bị cáo buộc lừa dối khách hàng, một tội danh rất đời thường và rất thực.
Cái khiến công chúng tổn thương không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là cảm giác bị phản bội niềm tin của mình. Niềm tin ấy không chỉ đặt vào một sản phẩm mà đặt vào hình ảnh con người, vào đạo đức và thông điệp sống mà thần tượng từng đại diện.
Khoảng cách giữa thần tượng và đối tượng xấu chưa bao giờ mong manh đến thế. Mạng xã hội giúp lan truyền hình ảnh rất nhanh nhưng cũng khiến ranh giới đạo đức trở nên mờ nhạt nếu người trong cuộc thiếu tỉnh táo. Sự nổi tiếng không đồng nghĩa với miễn trừ trách nhiệm. Trái lại, càng nổi tiếng, càng có trách nhiệm. Vì phía sau một cú “like” là một niềm tin. Và phía sau một niềm tin, đôi khi là cả một thế hệ người trẻ đang học cách làm người.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam - Ảnh: VTV
Vụ việc của Quang Linh và Hằng Du Mục không thể nhìn đơn thuần như một vụ bê bối về sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng để trục lợi. Đây là một cảnh báo xã hội rõ ràng lỗ hổng về nhận thức của các KOL khi biến niềm tin thành công cụ kiếm tiền. Và sâu xa hơn, đó là lời nhắc nhở mỗi người dùng mạng xã hội đừng nhầm lẫn giữa sự nổi tiếng và giá trị thật.
Giữa thời đại ai cũng có thể trở thành người của công chúng, sự nổi tiếng không còn là điều xa xỉ. Nhưng chính vì thế, người ta cũng dễ quên rằng được yêu mến là một đặc ân, còn giữ được sự tôn trọng mới là bản lĩnh thật sự. Không ai sinh ra đã là thần tượng. Và cũng không ai mặc nhiên xứng đáng với niềm tin của số đông chỉ vì họ có nhiều người theo dõi.
Quang Linh và Hằng Du Mục đã từng bước lên bằng những giá trị khiến người khác cảm phục. Nhưng khi niềm tin bị dùng như một công cụ kiếm lời, sự ngưỡng mộ biến thành ảo vọng, và khán giả, khách hàng và những người từng xem họ là thần tượng chính là những người phải chịu tổn thương nhiều nhất.
Vụ việc này không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang mang trên mình ánh hào quang ảo. Nó cũng là lời nhắc nhở không khoan nhượng gửi tới cộng đồng mạng. Hãy tỉnh táo khi đặt lòng tin, bởi chỉ cần một cú trượt tay, một lần im lặng trước sai trái, những người ta từng tôn vinh sẽ hóa thành những bài học cay đắng của thời đại.
Phấn đấu để trở thành thần tượng của công chúng là điều không sai. Nó chỉ sai khi con người ta không biết giới hạn. Một khi “thần tượng” cố tình quên mất trách nhiệm đi kèm với ảnh hưởng, thì từ “thần tượng” đến “đối tượng” là khoảng cách rất mong manh. Và cái giá phải trả, không chỉ việc họ phải đối diện với pháp luật, mất đi danh tiếng sự nghiệp, mà còn đánh mất chính bản thân mình khi vừa chạm tới thành công.
Tiểu Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tu-than-tuong-den-doi-tuong-khoang-cach-mong-manh-231487.html