Vì sao mẹ bầu thường đau lưng?
NỘI DUNG::
Vì sao mẹ bầu thường đau lưng?
Tư thế ngồi đúng là “chìa khóa” giảm đau hiệu quả
Khi thai nhi phát triển, cơ thể mẹ phải thích nghi với sự thay đổi trọng tâm, trọng lượng và nội tiết. Cột sống lưng phải cong hơn bình thường để cân bằng với phần bụng ngày càng lớn, cộng với hormone relaxin làm giãn các khớp xương chậu để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, tất cả những yếu tố này đều góp phần gây đau vùng lưng dưới.
Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt hàng ngày như ngồi làm việc sai tư thế, đứng lâu, hoặc nằm sai cách cũng khiến áp lực lên cột sống tăng cao, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng đau nhức.
Khi tư thế ngồi trở thành “thủ phạm”
Ngồi sai cách có thể khiến tình trạng đau lưng của mẹ bầu nghiêm trọng hơn. Ảnh: Nguyễn Lê.
Nhiều mẹ bầu không nhận ra rằng chính thói quen ngồi sai cách hàng ngày lại là nguyên nhân âm thầm khiến tình trạng đau lưng trở nên tồi tệ hơn. Việc ngồi gập lưng, vai rụt, không có điểm tựa cho thắt lưng hay ngồi quá lâu một chỗ khiến cột sống phải chịu áp lực liên tục. Về lâu dài, điều này không chỉ gây mỏi cơ, đau nhức mà còn dễ dẫn đến sai lệch tư thế, tăng nguy cơ thoái hóa cột sống sau sinh.
Điều đáng lo ngại là không ít mẹ bầu vẫn giữ nguyên thói quen ngồi bắt chéo chân, ngồi cúi người về phía trước khi làm việc hoặc xem điện thoại, xem tivi. Những tư thế này tuy có vẻ thoải mái trong chốc lát, nhưng lại khiến vùng thắt lưng và cơ bụng phải “gồng gánh” liên tục, dẫn đến đau nhức dai dẳng và khó cải thiện nếu không thay đổi sớm.
Tư thế ngồi đúng là “chìa khóa” giảm đau hiệu quả
Một trong những biện pháp đơn giản và an toàn nhất giúp giảm đau lưng là điều chỉnh tư thế ngồi đúng, đặc biệt với những mẹ bầu làm công việc văn phòng. Điều quan trọng là mẹ ý thức được mình cần ngồi sao cho lưng thẳng, vai thả lỏng, chân chạm đất và giữ cơ thể ở trạng thái cân bằng, thoải mái.
Khi làm việc: Mẹ bầu nên duy trì tư thế ngồi thẳng, giữ đầu gối vuông góc, bàn chân đặt vững trên sàn hoặc kê nhẹ lên một chiếc ghế nhỏ để giảm áp lực lên vùng thắt lưng. Phần lưng cần được dựa chắc vào ghế, tốt nhất nên kê thêm một chiếc gối nhỏ ở vùng lưng dưới để nâng đỡ cột sống. Mắt nên ngang tầm với màn hình máy tính để tránh cúi đầu kéo dài, còn tay đặt nhẹ nhàng trên bàn phím, giữ vai và cổ thư giãn, không gồng cứng. Quan trọng không kém, cứ mỗi 30-45 phút, mẹ bầu nên đứng dậy đi lại, xoay vai hoặc vươn người vài phút để cơ thể được thư giãn, giảm căng cơ và phòng tránh tê mỏi.
Khi sinh hoạt và nghỉ ngơi: Mẹ bầu nên ưu tiên ngồi trên ghế có tựa lưng chắc chắn, giữ tư thế ngồi nhẹ nhàng, tránh ngả hẳn người ra sau khiến cột sống bị kéo căng. Việc kê chân cao bằng một chiếc gối hoặc đôn nhỏ cũng rất hữu ích trong việc giảm phù nề chi dưới, đặc biệt ở những tháng cuối thai kỳ. Đồng thời, nên hạn chế các tư thế như ngồi xổm lâu, ngồi bệt hoặc khoanh chân thường xuyên, vì có thể làm sai lệch trục xương chậu và gây áp lực lên cột sống.
Khi đứng dậy: Mẹ bầu cần nghiêng nhẹ người về phía trước, dùng lực từ đôi chân thay vì chống tay vào lưng để tránh làm căng cơ vùng thắt lưng. Đặc biệt, nên tránh các động tác xoay người đột ngột hoặc cúi người sâu để giảm nguy cơ trật khớp, đau dây chằng và mất thăng bằng.
Chủ động phòng tránh từ sớm
Bên cạnh việc chú ý đến tư thế ngồi đúng, mẹ bầu cũng có thể áp dụng thêm một vài thói quen đơn giản nhưng hiệu quả để cải thiện cảm giác thoải mái và bảo vệ hệ cơ xương khớp trong thai kỳ.
Việc nằm nghiêng bên trái khi ngủ, kết hợp kê gối giữa hai chân và một chiếc gối sau lưng, không chỉ giúp giảm áp lực lên cột sống mà còn hỗ trợ lưu thông máu tốt hơn cho cả mẹ và thai nhi.
Mỗi ngày, mẹ có thể dành thời gian đi bộ nhẹ nhàng hoặc tập yoga dành cho bà bầu để tăng cường sức mạnh cơ, giữ cho các khớp linh hoạt và giảm nguy cơ đau mỏi lưng.
Bên cạnh đó, nên tránh đi giày cao gót vì có thể làm mất thăng bằng và tăng áp lực lên lưng, thay vào đó là sử dụng giày bệt mềm, êm ái và dễ di chuyển.
Mẹ bầu cũng nên hạn chế mang vác vật nặng và tránh các động tác xoay vặn mạnh, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi những chấn thương không mong muốn trong giai đoạn nhạy cảm này.
Tư thế đúng không chỉ giúp mẹ bầu thoải mái hơn trong quá trình mang thai mà còn phòng ngừa những vấn đề về cột sống sau sinh. Các chuyên gia khuyến nghị mẹ bầu nên kết hợp tư thế đúng với tập luyện nhẹ nhàng như yoga bầu, đi bộ, hoặc bài tập giãn cơ vùng lưng và hông. Nếu tình trạng đau lưng kéo dài, dữ dội hoặc đi kèm với các dấu hiệu bất thường như tê chân, đau lan xuống chân... thì mẹ bầu nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Phương Anh