Ban Chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND thành phố Hồ Chí Minh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sáng nay 30/4 tại TP.HCM.
Đây là một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tinh thần bất diệt của ngày 30/4 lịch sử và vai trò then chốt của Đảng trong việc đưa đất nước vượt qua ba thập kỷ chiến tranh khốc liệt, khôi phục và phát triển đất nước theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề, cô lập và nghèo nàn sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên thành nước đang phát triển, có thu nhập tiệm cận trung bình cao, hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.
Tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ – năm 2025 cũng đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tổng Bí thư cho biết quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện xếp thứ 32 thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện chỉ còn 1,93%, giảm mạnh so với mức hơn 60% vào năm 1986. Tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố.
Bên cạnh đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác, thúc đẩy phát triển bền vững và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế.
Tinh thần “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” tiếp tục được khẳng định.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Nhân Dân
Hướng tới tương lai, Tổng Bí thư khẳng định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hiện đại, có thu nhập cao vào năm 2045.
Trước mắt, năm 2025, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên và đạt hai con số trong giai đoạn 2026-2030, ưu tiên mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, từ đó trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam “hơn mười ngày nay”, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các điểm nghẽn thể chế, mở rộng không gian phát triển, tăng cường phân cấp, phân quyền và phối hợp hiệu quả các nguồn lực. Mô hình tăng trưởng mới sẽ dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh.
Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, cùng với đổi mới tư duy phát triển để hình thành sức sản xuất và lực lượng sản xuất mới.
Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng, vùng kháng chiến cũ sẽ tiếp tục được ưu tiên.
Mục tiêu xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; miễn học phí bậc phổ thông và từng bước tiến tới miễn viện phí cho người dân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm “dân là gốc” tiếp tục được quán triệt, với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân.
Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, Việt Nam bày tỏ mong muốn được tiếp tục hợp tác cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, đoàn kết, phát triển.
Từ những bài học đau thương của chiến tranh, đất nước càng trân quý hơn giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và nỗ lực gìn giữ nó bằng chính sách quốc phòng toàn dân vì hòa bình và tự vệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”.
Tổng Bí thư kêu gọi phát huy “thế trận lòng dân”, xây dựng quân đội và công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là điểm tựa vững chắc cho đất nước. Song song với đó là nỗ lực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cải cách bộ máy chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và quan liêu.
Ảnh: VGP
Chương trình diễu binh – diễu hành sau phần nghi lễ diễn ra hoành tráng với sự tham gia của các khối lực lượng vũ trang trong nước và đại diện quân đội từ Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Ảnh: VGP/Lê Anh
Trên bầu trời thành phố, phi đội máy bay trực thăng mang theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc và phi đội máy bay tiêm kích chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện khí thế vững vàng, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để tri ân các thế hệ đi trước, dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, mà còn là lời hiệu triệu toàn dân cùng hướng tới tương lại đưa Việt Nam trở nên giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Nhật Hạ