Từ thuế quan Mỹ 46% đến bài toán chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt

Từ thuế quan Mỹ 46% đến bài toán chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt
19 giờ trướcBài gốc
Trong sự kiện công bố tại Vườn Hồng của Nhà Trắng vừa diễn ra, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký mức thuế quan mới nhất áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, thuế quan sẽ có hai cấp. Đầu tiên là mức thuế cơ sở 10% đối với tất cả các quốc gia, bên cạnh đó, một mức thuế quan “có đi có lại” cao hơn sẽ được áp dụng đối với khoảng 60 quốc gia mà Chính phủ Mỹ đánh giá có sự mất cân bằng lớn nhất.
Tổng thống Trump giơ tấm bảng mức thuế các nước đang áp với Mỹ và thuế đối ứng - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Trump đã công bố một tấm áp phích liệt kê mức thuế các nước áp dụng đối với Mỹ và ngược lại. Theo đó, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đối mặt mức thuế 46%, Thái Lan 36%, Campuchia 49%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%, Lào 48%, Brunei 24%, Singapore 10%, Myanmar 44%.
Ngoài ra, mức thuế Mỹ áp dụng với Trung Quốc là 34%, EU 20%, Đài Loan 32%, Nhật Bản 24%, Hàn Quốc 25%, Ấn Độ 26%,...
Một quan chức Nhà Trắng cho biết mức thuế quan cơ bản có hiệu lực vào ngày 5/4, trong khi thuế quan qua lại cao hơn có hiệu lực vào ngày 9/4. Theo Bloomberg, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ cân nhắc hạ lãi suất nếu các quốc gia khác dỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo nước ngoài "chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ rào cản" và "đừng thao túng tiền tệ".
Mức thuế quan mới của Chính quyền Mỹ cao hơn dự báo của giới phân tích. Động thái này được cho là đánh dấu sự leo thang đáng kể trong cuộc chiến thương mại, dẫn đến sự trả đũa ngay lập tức từ các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Mary Lovely, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết mức thuế mà Trump công bố "tệ hơn nhiều so với những gì chúng ta lo sợ". Bà cho biết vẫn chưa rõ cách thức áp dụng chúng và có "những tác động to lớn đến việc định tuyến lại thương mại" trên toàn cầu.
Tương tự, Veronica Clark, một nhà kinh tế tại Citigroup Inc., cho biết: “Những con số sơ bộ chắc chắn cao hơn những gì chúng tôi mong đợi” và có thể làm tăng giá một số mặt hàng nhập khẩu. “Nhưng nhìn chung, chúng tôi không quá lo lắng về tác động lan tỏa của lạm phát rộng hơn vì nhu cầu yếu hơn”.
Với Việt Nam, từ trước khi "cơn sóng dữ" thuế quan ập đến, Chính phủ đã xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi các nước gia tăng rào cản thuế quan, căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. Bên cạnh việc tích cực đàm phán là đa dạng hóa thị trường ngành hàng và sản phẩm, tận dụng ưu thế từ các FTA, lấy khoa học - công nghệ làm đòn bẩy…
Trong bối cảnh thách thức, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng nhìn thấy nhiều cơ hội. Dưới góc độ một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng đi Mỹ và châu Âu, đồng thời là chuyên gia tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, ông Đỗ Phú Đoàn, Giám đốc quản lý Chất lượng chuỗi cung ứng Công ty Vietnam Outsourcing nhận định với Vnbusiness: “Tôi thấy, chiến tranh thương mại và hàng rào thuế quan mang lại cả cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta”.
Ông Đoàn cho biết, trong đợt đi công tác tới Trung Quốc vừa qua đã nhận được rất nhiều tín hiệu từ các chủ doanh nghiệp Trung Quốc muốn chuyển sang đầu tư tại Việt Nam hoặc kết hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất.
“Đây là một cơ hội cho chúng ta. Ngoài ra bản thân công ty chúng tôi và các doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi khi một số khách hàng chuyển sang đặt hàng tại Việt Nam và có yêu cầu cụ thể là chỉ mua hàng sản xuất tại Việt Nam, không mua hàng sản xuất tại Trung Quốc”.
Về thách thức, khi Mỹ dựng hàng rào thuế quan thì các mặt hàng sản xuất và xuất khẩu sẽ phải tăng giá bán, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa chúng ta. Bên cạnh đó, khi có chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, các khách hàng từ Mỹ và châu Âu yêu cầu các nhà cung cấp không được sử dụng các nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Nga. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó về nguồn cung.
Để khắc phục các khó khăn này, chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm nguồn cung nguyên vật liệu và thị trường khách hàng thay thế, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định. Đặc biệt, cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam chúng ta đã ký kết với rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát triển thêm khách hàng mới.
“Dưới cái áp lực cạnh tranh như này thì cũng là cơ hội tốt để doanh nghiệp chúng ta nhìn lại và tối ưu sản phẩm, tối ưu các chuỗi cung ứng, tối ưu quá trình sản xuất của mình”, chuyên gia nhận định.
Đỗ Kiều
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/tu-thue-quan-my-46-den-bai-toan-chuoi-cung-ung-cua-doanh-nghiep-viet-1105887.html