Độc nhất vô nhị
Quá trình khai quật do Viện Khảo cổ học chủ trì đã hoàn tất, bước đầu phát lộ hai khối thuyền cổ nguyên vẹn nằm cách nhau 2,3m. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại thuyền hai thân có cấu trúc, kỹ thuật đóng thuyền phức tạp và độc đáo bậc nhất, chưa từng ghi nhận ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Di tích thuyền cổ ở khu phố Công Hà (phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: P. Sỹ
Dù chưa thể đưa ra đánh giá toàn diện về giá trị của con thuyền, song nhiều chuyên gia bước đầu nhận định đây là một trong những chiếc thuyền cổ lớn và độc đáo nhất từng được phát hiện trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhấn mạnh, xét về nhiều phương diện như chất liệu chế tác, kỹ thuật đóng tàu cũng như cấu trúc tổng thể, đây là một hiện vật chưa từng có tiền lệ trong các phát hiện khảo cổ tại Việt Nam.
Còn theo TS Phạm Văn Triệu - Phó Trưởng phòng Khảo cổ học, Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Trưởng đoàn khai quật, liên kết kiên cố bởi một thanh gỗ dài ở đầu thuyền rất độc đáo, lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam nên chiếc thuyền càng trở nên thú vị, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà thuyền học trong cả nước.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đáp cho biết, dựa trên các nguồn tư liệu về thuyền cổ của Việt Nam và thế giới, các nhà khoa học nhận định rằng con thuyền này là di tích độc nhất vô nhị từng được phát hiện, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn trên thế giới.
Điều đặc biệt ở chỗ, toàn bộ thuyền được chế tác hoàn toàn bằng gỗ, không sử dụng bất kỳ chi tiết kim loại nào trong cấu trúc hay mối nối. Với quy mô lớn, kỹ thuật đóng thuyền tinh xảo và kết cấu phức tạp, đây được xem là phát hiện có giá trị nổi bật về mặt khảo cổ và kỹ thuật. Về niên đại của con thuyền này vẫn đang chờ kết quả phân tích.
“Căn cứ các tài liệu thuyền trên thế giới thì có những ý kiến cho rằng hai chiếc thuyền có từ thế kỷ 11 (thời Lý). Đó là đánh giá bước đầu của các nhà khoa học. Để xác định được niên đại chính thức thì vẫn phải chờ vào kết quả phân tích C14. Bên cạnh đó, theo quy hoạch sử dụng đất thì khu vực phát hiện thuyền cổ là khu vực xây dựng công viên, vườn hoa. Do vậy, sẽ đề xuất giữ nguyên khu vực này để phát triển điểm văn hóa và du lịch”- ông Đáp nói.
Căn cứ vào hiện trạng di tích, kết quả khai quật và đề xuất chuyên môn từ Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép triển khai phương án bảo tồn nguyên trạng di tích thuyền cổ ngay tại vị trí phát hiện. Đây được xem là giải pháp khả thi và hiệu quả nhất nhằm gìn giữ và phát huy giá trị của di tích, trong bối cảnh việc di dời toàn bộ khối kiến trúc là không thể thực hiện do quy mô di tích lớn, lên tới khoảng 100m².
Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện bảo tồn khẩn cấp di tích theo phương án tạm thời lấp cát để bảo vệ nguyên trạng di tích sau khi kết thúc công tác nghiên cứu và tư liệu hóa di tích tại hiện trường. Phương án này được thực hiện một cách khoa học theo các bước tương tự như đã thực hiện đối với các di sản khảo cổ khác, tiêu biểu nhất là Khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Với phương án này, sau khi hoàn thành vệ sinh, các chuyên gia sẽ dùng vải địa kỹ thuật loại vải không dệt che phủ toàn bộ, cố định các vị trí và bộ phận của di tích bằng gỗ, đất, cát. Trong đó, đất, cát được khai quật từ di tích để phủ kín hiện trạng đã xuất lộ, tiếp đó dùng vải bạt che phủ kín toàn bộ khu vực khai quật, thiết lập hàng rào bảo vệ...
“Đặc biệt, sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng các phương pháp bảo quản hiện đại để chống lại sự phân hủy của vật liệu gỗ, như xử lý hóa chất bảo quản, kiểm soát độ ẩm, nhiệt độ…” - ông Đáp cho biết.
Phát huy giá trị lâu dài
Việc làm thế nào để triển khai các biện pháp bảo tồn khẩn cấp, từ đó hướng đến mục tiêu bảo vệ bền vững và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa - lịch sử của di tích thuyền cổ độc nhất vô nhị này đang trở thành mối quan tâm hàng đầu không chỉ của giới nghiên cứu, các nhà khoa học mà còn nhận được sự dõi theo sát sao của cộng đồng địa phương.
Trước tính chất đặc biệt về kỹ thuật chế tác, niên đại cũng như giá trị khảo cổ của con thuyền, bài toán bảo tồn không đơn thuần là gìn giữ một hiện vật quý hiếm, mà còn là cách để giữ lại một phần ký ức của quá khứ, kết nối với chiều sâu văn hóa dân tộc và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Vì thế, việc tìm ra giải pháp khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn đang là yêu cầu cấp thiết trong hành trình bảo vệ di sản đặc biệt này.
Liên quan đến định hướng bảo tồn và khai thác giá trị di tích thuyền cổ, ông Nguyễn Văn Đáp cho biết, bên cạnh việc bảo vệ nguyên trạng tại chỗ, trong tương lai, địa phương có thể sẽ xây dựng một bảo tàng ngoài trời phục vụ nghiên cứu và tham quan. Sau khi xác định chính xác niên đại của con thuyền, các nhà khoa học sẽ tiến hành đánh giá vai trò của sông Dâu trong hoạt động giao thương đương thời, từ đó từng bước giải mã.
Viện Khảo cổ học kiến nghị tiếp tục mở rộng khai quật, nghiên cứu rộng ra toàn bộ không gian sông Dâu, nghiên cứu quy mô, cấu trúc của sông Dâu tại khu vực phát hiện di tích, giải mã vị trí và vai trò, quá trình biến đổi của sông Dâu trong lịch sử, đồng thời tổ chức hội thảo quy mô cấp quốc tế, có sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều nước.
“Dự kiến xây dựng các tour du lịch văn hóa kết hợp tham quan di tích thuyền cổ với các điểm di sản lịch sử - văn hóa nổi bật trong khu vực thành cổ Luy Lâu, thị xã Thuận Thành; đồng thời tổ chức các lễ hội, tái hiện hoạt động giao thương đường thủy xưa, phát triển sản phẩm lưu niệm mang đậm dấu ấn của thuyền cổ Công Hà và Hà Mãn” - ông Đáp thông tin.
Cũng theo ông Đáp, các hình thức trưng bày, giới thiệu và diễn giải tại chỗ cũng sẽ được triển khai thông qua hình ảnh, công nghệ 3D hoặc phục dựng mô hình thu nhỏ nhằm tạo trải nghiệm trực quan, sinh động cho khách tham quan. Song song đó, địa phương đặc biệt chú trọng việc huy động sự tham gia của cộng đồng và người dân bản địa vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần gắn kết di sản với đời sống đương đại.
Hai chiếc thuyền cổ được phát hiện vào tháng 1/2025 khi người dân đào ao nuôi cá ở độ sâu khoảng 2-4 mét, trong lòng sông Dâu cổ - một nhánh của sông Thiên Đức (nay là sông Đuống), chảy sát bờ phía tây thành cổ Luy Lâu. Vị trí này cách thành Luy Lâu khoảng 800-1.000 mét, cách chùa Dâu khoảng 600 mét về phía đông bắc và gần chùa Tổ (thờ Phật Mẫu Man Nương) khoảng 500 mét. Đây là vùng đất giàu di sản, từng là trung tâm Phật giáo và giao thương quan trọng của nước ta trong thời kỳ cổ đại.
Phạm Sỹ