Câu chuyện của một tiến sĩ chạy shipper làm dấy lên câu hỏi: liệu bằng cấp cao có còn là tấm vé đảm bảo cho một tương lai ổn định? Ảnh: SCMP
Gần đây, mạng xã hội Trung Quốc lan truyền mạnh mẽ câu chuyện của anh Ding Yuanzhao, 39 tuổi, người được mệnh danh là “người giao đồ ăn có học vấn cao nhất” khi sở hữu loạt bằng cấp từ những đại học hàng đầu thế giới, trong đó có Oxford (Anh). Câu chuyện của anh không chỉ thu hút sự chú ý vì hoàn cảnh đặc biệt mà còn đặt ra câu hỏi gai góc: Liệu bằng cấp cao có còn là tấm vé đảm bảo cho một tương lai ổn định?
Hành trình học thuật ấn tượng
Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc, anh Ding Yuanzhao từng là niềm tự hào của gia đình khi đạt gần 700 điểm trong kỳ thi đại học quốc gia Cao khảo (Gaokao) năm 2004 – mức điểm gần như tuyệt đối. Thành tích ấy giúp anh bước chân vào Đại học Thanh Hoa danh giá, nơi anh lấy bằng cử nhân ngành Hóa học.
Không dừng lại ở đó, anh Ding tiếp tục giành học bổng và theo học chương trình thạc sĩ Kỹ thuật năng lượng tại Đại học Bắc Kinh. Sau đó, anh du học Singapore, nhận bằng tiến sĩ Sinh học từ Đại học Công nghệ Nam Dương – một trong những đại học hàng đầu châu Á. Chặng đường học thuật của anh còn được nối dài với tấm bằng thạc sĩ về Đa dạng sinh học từ Đại học Oxford, một biểu tượng về học thuật.
Anh Ding đã lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành sinh học tại Đại học Công nghệ Nam Dương, một học viện hàng đầu tại Singapore, và sau đó là bằng Thạc sĩ chuyên ngành Đa dạng sinh học tại Đại học Oxford ở Anh. Ảnh: Douyin
Từ phòng nghiên cứu đến nghề giao đồ ăn
Sau khi hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, hợp đồng của anh Ding kết thúc vào tháng 3 năm ngoái. Dù đã nỗ lực nộp hàng chục hồ sơ xin việc và tham gia hơn 10 cuộc phỏng vấn, anh vẫn không tìm được công việc phù hợp với chuyên môn. Trong lúc bế tắc, anh quyết định chuyển sang nghề giao đồ ăn tại Singapore.
Với thu nhập khoảng 700 đô la Singapore mỗi tuần (tương đương 550 USD) nhờ làm việc 10 giờ mỗi ngày, Ding cho biết anh có thể trang trải cuộc sống và chu cấp cho gia đình:
“Đây là công việc ổn định. Tôi có thể nuôi sống bản thân và người thân. Nếu chăm chỉ, bạn có thể sống khá. Công việc này không tệ”.
Một thời gian sau, anh trở về Trung Quốc và tiếp tục công việc giao đồ ăn tại Bắc Kinh thông qua nền tảng Meituan.
Anh Ding thích công việc giao hàng của mình, vì công việc ngoài mang lại thu nhập cũng cho phép anh kết hợp với niềm đam mê thể dục và chạy bộ. Ảnh: Douyin
Giá trị của học vấn giữa thị trường lao động đầy biến động
Câu chuyện của anh Ding trở nên đặc biệt được chú ý khi anh đăng tải video động viên các thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi đại học Cao khảo, kỳ thi vốn được xem là “cuộc chiến sinh tử” đối với hàng triệu học sinh Trung Quốc. Anh chia sẻ:
“Nếu kết quả thi không tốt, các em đừng bi quan hay nản lòng. Còn nếu thi tốt, hãy nhớ rằng phần lớn công việc trong cuộc đời đều không tạo ra khác biệt lớn”.
Phát biểu ấy không chỉ gây xúc động nhưng cũng làm dấy lên tranh cãi. Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của việc học:
“Học hành suốt bao năm rồi cuối cùng cũng đi giao đồ ăn, vậy học để làm gì?” – một người dùng bình luận.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bênh vực:
“Anh ấy không bỏ cuộc. Dù hoàn cảnh thế nào, anh vẫn lao động chân chính và không khuất phục trước khó khăn – đó mới là điều đáng quý.”
Anh Ding khoe một trong những tấm bằng của mình trong khi mặc trang phục shipper giao đồ ăn. Ảnh: Douyin
Một thực tế đáng suy ngẫm
Theo thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên từ 16 đến 24 tuổi tại khu vực thành thị (không tính học sinh, sinh viên) đã lên tới 14,9% trong tháng 5 vừa qua. Trong ba năm liên tiếp, mỗi năm có tới 13 triệu học sinh Trung Quốc tham dự kỳ thi Cao khảo, cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Trong bối cảnh đó, câu chuyện của anh Ding không đơn thuần là một trường hợp cá biệt. Nó phản ánh sự bất cập giữa hệ thống đào tạo và nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Nhiều người trẻ, dù đạt được trình độ học vấn cao, vẫn không dễ dàng tìm được vị trí xứng đáng.
Học để làm người, không chỉ để làm nghề
Câu chuyện của anh Ding có thể khiến nhiều người bi quan về giá trị của học vấn. Nhưng ở một khía cạnh khác, nó cũng truyền cảm hứng mạnh mẽ về thái độ sống tích cực và tinh thần lao động chân chính. Đó cũng là một lời nhắc nhở rằng: giáo dục, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn, còn dạy con người đối diện với nghịch cảnh trong mọi hoàn cảnh.
Giáo dục có thể không đảm bảo thành công trong xã hội ngày nay, nhưng nếu không có giáo dục, cơ hội vượt qua những khó khăn trong cuộc sống còn mong manh hơn nhiều. Và đôi khi, giá trị lớn nhất của giáo dục không nằm ở nghề nghiệp ta làm, mà ở việc dạy ta cách đối diện với cuộc sống trong cuộc đời đầy biến động này.
Hồng Nhung