Từ 'Tiếng kêu ai oán giữa rừng xanh' đến lớp học tiếng Anh miễn phí giữa đại ngàn

Từ 'Tiếng kêu ai oán giữa rừng xanh' đến lớp học tiếng Anh miễn phí giữa đại ngàn
8 giờ trướcBài gốc
Sau loạt bài “Tiếng kêu ai oán giữa rừng xanh” do Báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải, phản ánh thực trạng săn bắt động vật hoang dã tại vùng lõi và vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên, một chuyển biến tích cực đã dần xuất hiện từ chính nơi từng được xem là điểm nóng.
Một tình nguyện viên tham gia lớp học tiếng Anh miễn phí ven Vườn Quốc gia Cát Tiên
Công ty du lịch Oxalis – đơn vị từng tiên phong trong mô hình du lịch khám phá hang động tại Quảng Bình, đã chủ động triển khai một chương trình đặc biệt là tài trợ lớp học tiếng Anh và kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho đồng bào dân tộc Mạ tại làng Tà Lài, xã Tà Lài, tỉnh Đồng Nai.
Đây là một bước đi mới trong hành trình giúp đồng bào chuyển đổi sinh kế, từ bỏ dần việc săn bắt, hái lượm trong rừng, tiến tới làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn thiên nhiên và văn hóa.
Với quy mô ban đầu gồm 15 học viên, lớp học diễn ra đều đặn hàng tuần tại làng Tà Lài – nơi sinh sống của cộng đồng người Mạ gần trung tâm Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Chương trình hướng đến việc trang bị kiến thức tiếng Anh giao tiếp cơ bản, kỹ năng giới thiệu văn hóa – sản phẩm địa phương, và từng bước nâng cao nhận thức về phát triển du lịch bền vững.
Người học không chỉ học cách nói “hello” hay giới thiệu tên tuổi, mà còn học cách kể về cồng chiêng, rượu cần, nhà dài, về Vườn Quốc gia Cát Tiên, về những giá trị mà chính họ từng không nhận ra khi sinh sống ngay bên cạnh một trong những khu rừng quý nhất Đông Nam Bộ.
“Trước kia nhà tôi cũng có người đi lấy măng, săn chuột, đặt bẫy trong rừng. Giờ thấy rừng bị báo đăng, bị cấm, sợ thì sợ, nhưng cũng chưa biết làm gì khác. Nay học được tiếng Anh, biết khách Tây họ mê rừng, mê cồng chiêng mình, tôi mừng lắm. Mong có ngày làm được homestay nhỏ…” một học viên trung niên trong lớp học chia sẻ chân thành.
Lớp học thu hút 15 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông Nguyễn Châu Á - Giám đốc Công ty Oxalis, đây không chỉ là một hoạt động xã hội đơn thuần mà nằm trong chiến lược phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. “Chúng tôi tin rằng, khi có sinh kế ổn định, người dân sẽ là những người bảo vệ rừng tốt nhất,” đại diện doanh nghiệp nói.
Người Mạ tại Tà Lài vốn sống chủ yếu nhờ canh tác vụ mùa, thu hái lâm sản tự nhiên và một số nghề thủ công nhỏ lẻ. Kinh tế bấp bênh, việc học hành của con em còn hạn chế, nhiều người không có việc làm ổn định. Câu chuyện sinh kế gắn với rừng – từ rừng – là bài toán chưa có lời giải suốt nhiều năm qua.
Trong khi đó, Vườn Quốc gia Cát Tiên đang trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái quan trọng phía Nam, thu hút du khách quốc tế quan tâm đến môi trường và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, nguồn nhân lực địa phương có thể tham gia làm du lịch, nhất là giao tiếp tiếng Anh cơ bản, vẫn còn thiếu hụt nghiêm trọng.
Lớp học của Oxalis được đánh giá như một "cánh cửa nhỏ mở ra tương lai lớn", nơi người dân vừa học vừa thay đổi tư duy, từ chỗ “làm nghề rừng” sang “làm du lịch rừng”.
Với những tín hiệu tích cực ban đầu chúng tôi kỳ vọng chương trình sẽ được nhân rộng không chỉ ở làng Tà Lài mà cả các thôn bản vùng đệm khác. Mục tiêu lâu dài là xây dựng các tổ du lịch cộng đồng, nơi người dân địa phương trực tiếp dẫn khách, kể chuyện bản làng, nấu ăn truyền thống, biểu diễn cồng chiêng…
Chị Ka Hương tại lớp học tiếng Anh làng Mạ, Tà Lài
Muốn bảo vệ rừng, không thể chỉ cấm. Phải tạo ra sinh kế khác. Khi rừng trở thành kế sinh nhai hợp pháp, tự nhiên sẽ không ai phá rừng nữa.
Chị Ka Hương, chủ nhiệm lớp học tiếng Anh
Cần có hướng đi mới, góp phần bảo vệ Rừng Quốc gia Cát Tiên
Có lẽ, điều đáng mừng nhất sau những tiếng kêu cứu của muông thú trên mặt báo, là nay có tiếng nói mới – tiếng học bài, tiếng luyện phát âm, tiếng trò chuyện bằng tiếng Anh ngay giữa đại ngàn.
Đó không chỉ là sự thức tỉnh, mà là hành trình tái sinh của cả một cộng đồng bắt đầu từ giáo dục, từ tri thức, từ niềm tin rằng rừng có thể mang lại tương lai nhưng không phải bằng bẫy thú, mà bằng những tour du lịch tử tế do chính người bản địa làm chủ.
VÕ TÙNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-tieng-keu-ai-oan-giua-rung-xanh-den-lop-hoc-tieng-anh-mien-phi-giua-dai-ngan-post860148.html