Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và phục vụ nhân dân

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả và phục vụ nhân dân
5 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960 - Ảnh tư liệu
Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và trong bối cảnh cả nước đang quyết liệt triển khai cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương – về tư tưởng Hồ Chí Minh trong tổ chức, xây dựng bộ máy và công tác cán bộ. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng, những tư tưởng lớn của Người vẫn mang giá trị thực tiễn sâu sắc đến hôm nay.
Phóng viên: Thưa ông, tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh gọn bộ máy được thể hiện rõ nhất qua những đặc điểm, nguyên lý nào?
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Đây là một chủ đề rất đúng thời điểm và có ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, chúng ta cần thấy rằng việc xây dựng và không ngừng hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ là hai việc cực kỳ quan trọng đối với một đảng cầm quyền.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi giành được chính quyền và thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, Đảng ta đã phải hoạch định đường lối như chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm và cùng với đó là xây dựng hệ thống chính trị của nhà nước. Tổ chức bộ máy và việc bố trí cán bộ đã có ngay từ khi thành lập nước. Trong suốt 80 năm qua, chúng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.
Quan điểm của Bác Hồ về tổ chức bộ máy sau khi có chính quyền nổi bật lên mấy điểm: Một là, bộ máy phải tinh gọn. Hai là, hoạt động của bộ máy phải hiệu quả. Ba là, bộ máy nhà nước là để phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương
Về sự tinh gọn, Bác nói nước mình nhỏ, dân mình ít, nên bộ máy cũng cần ít bộ, ít người, ít tầng nấc.
Về hiệu quả, Bác nhấn mạnh người ít nhưng vẫn phải hoàn thành tốt chức năng quản lý nhà nước. Chỗ nào cần thì bố trí người, không cần thì không bố trí, đảm bảo không thừa người nào cả, "người nào vào việc nấy". Hiệu quả là ít người mà làm được nhiều việc, vẫn đảm bảo đầy đủ chức năng quản lý.
Về phục vụ nhân dân, Bác nói, bộ máy sinh ra là để phục vụ nhân dân, không phải làm nặng nợ cho dân. Nhân dân đóng thuế, góp tiền để nuôi bộ máy, nuôi cán bộ, nên bộ máy và cán bộ phải phục vụ nhân dân. Bác luôn dặn: "Việc gì có lợi cho dân thì gắng làm, việc gì có hại thì hết sức tránh".
Với quan điểm tinh gọn, hiệu quả và đỡ gánh nặng cho dân, bộ máy nhà nước ta ngay sau khi độc lập rất gọn nhẹ. Chính phủ Cách mạng lâm thời chỉ có 15 thành viên, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chống Pháp có 10 thành viên. Ban Thanh tra đặc biệt, tiền thân của Thanh tra Chính phủ thành lập tháng 11/1945 chỉ có hai người là ông Bùi Bằng Đoàn và ông Cù Huy Cận. Ban này có quyền đặc biệt là "tiên hành hậu thuyết", được phép đình chỉ, thậm chí ra lệnh bắt cán bộ sai phạm rồi báo cáo sau. Điều đó cho thấy sự gọn nhẹ và tin cậy vào những người được lựa chọn.
Trong 80 năm qua, bộ máy có lúc "phình" ra. Quá trình phát triển cách mạng, thực tiễn phong phú, nhiệm vụ thay đổi liên tục dẫn đến có lúc nhiều bộ ngành. Ví dụ, Bộ Công Thương hiện nay là sự hợp nhất của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Bộ Nông nghiệp và Môi trường hiện nay gồm các lĩnh vực Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp, Nông trường, Thủy sản, Lâm nghiệp trước kia và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, xu hướng là chúng ta từng bước hoàn thiện theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo đúng tư tưởng của Bác. Việc sắp xếp lại các tỉnh, sát nhập xã, phường, thị trấn là minh chứng cho việc tiếp tục thực hiện tư tưởng tinh gọn đó. Mặc dù có những lúc bộ máy phải mở rộng để đáp ứng nhiệm vụ đặc thù, xu hướng chung vẫn là bộ máy cần tinh gọn, hiệu quả, và phục vụ nhân dân.
- Thưa ông, trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng tổ chức bộ máy, vấn đề con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm. Ông có thể phân tích rõ hơn quan điểm của Bác về công tác cán bộ?
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi cán bộ là "gốc của mọi công việc". Trong tư tưởng của Người, việc bố trí cán bộ phải tuân theo nguyên tắc "dụng nhân như dụng mộc" – tức là dùng người phải đúng chỗ, đúng người, đúng việc thì mới phát huy được sở trường và năng lực của từng người.
Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Vấn đề là ở người tổ chức phải biết sắp xếp, bố trí để hạn chế nhược điểm và phát huy tối đa ưu điểm. Đây là quan điểm xuyên suốt trong tư duy cán bộ của Bác.
Bên cạnh bố trí hợp lý, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất chú trọng việc lựa chọn và thu hút người tài. Ngay sau khi giành được chính quyền, Bác đã trực tiếp kêu gọi nhân dân giới thiệu nhân tài, thậm chí còn cho đăng báo tìm người tài. Uy tín cá nhân và niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào Bác chính là yếu tố quyết định để đội ngũ trí thức sẵn sàng đứng về phía cách mạng.
Để thu hút và sử dụng người tài hiệu quả, theo tôi, người đứng đầu cũng phải là người có tài, có đức, có bản lĩnh. Chỉ có như vậy mới tạo ra được môi trường để người tài phát huy. Tư tưởng này của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Cùng với việc tuyển chọn và bố trí, công tác đào tạo cán bộ cũng rất quan trọng. Việc đào tạo không nên tách rời thực tiễn mà phải gắn với nhiệm vụ cụ thể mà cán bộ đang đảm nhận, để họ nâng cao năng lực và làm việc hiệu quả hơn.
Cùng với đó là phải bảo vệ cán bộ nhưng không có nghĩa là nuông chiều. Khi cán bộ có sai sót, cần góp ý, phê bình, giúp họ sửa chữa kịp thời. Nếu không uốn nắn kịp thời, để cán bộ hư hỏng thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Một điểm rất đáng chú ý nữa là việc đề bạt cán bộ đúng thời điểm. Bác Hồ từng nhấn mạnh, phải khơi dậy động lực, giữ vững nhiệt huyết của cán bộ. Nếu để họ "ngâm tôm", không được trọng dụng đúng lúc thì dễ dẫn đến tâm lý chán nản, mất động lực cống hiến.
Chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào nguyên nhân khiến bộ máy từng bị phình to trong quá khứ. Một phần là do có tình trạng "đem người tư vào làm việc công", tức là bố trí người thân, bạn bè, cánh hẩu... dẫn tới cục bộ địa phương, gia đình trị, làm giảm hiệu quả công vụ. Đây là căn bệnh nguy hiểm, cần được xử lý tận gốc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đi trước thời đại ở điểm này. Chính vì thế, ngày nay chúng ta mới có chủ trương người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không phải là người địa phương nhằm đảm bảo sự khách quan, công tâm, tránh những ràng buộc, quan hệ phức tạp. Đây cũng là cách kế thừa kinh nghiệm quý báu của cha ông ta trong quản trị quốc gia.
Những bài viết, phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm đầu lập nước về xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta càng học, càng vận dụng thì càng thấy giá trị sâu sắc và bền vững của những tư tưởng đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh, sinh viên. Ảnh tư liệu
- Thưa ông, chúng ta đang thực hiện việc tổ chức lại chính quyền theo mô hình hai cấp thay vì ba cấp như hiện nay. Điều này có phải là sự vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức bộ máy nhà nước không?
Bác Hồ từng căn dặn, bộ máy phải "tinh gọn, ít tầng nấc, ít người, phục vụ đắc lực cho nhân dân". Nếu xét theo tư tưởng đó, thì việc bỏ cấp huyện tức là cắt giảm một tầng trung gian, giúp người dân tiếp cận trực tiếp chính quyền cấp xã là nơi gần dân nhất, sát dân nhất.
Ngày nay, cấp xã đã có đủ năng lực để xử lý nhiều vấn đề thiết yếu gắn liền với đời sống người dân như hành chính công, an sinh xã hội, giáo dục, y tế cơ sở... Việc trao quyền nhiều hơn cho cấp xã là đúng xu hướng và cũng phù hợp với định hướng chính quyền phục vụ.
Giảm số đơn vị cấp huyện và xã sẽ giảm biên chế, tinh giản bộ máy, giảm chi phí vận hành. Mỗi năm, khoản tiết kiệm từ tinh gọn bộ máy có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Quan trọng hơn, số tiền này sẽ được dành cho việc phục vụ chính người dân như miễn học phí cho học sinh phổ thông, cấp bữa trưa cho học sinh bán trú hoặc tiến tới mục tiêu lớn hơn là bảo hiểm xã hội toàn dân. Đây là những chính sách an sinh mà người dân được thụ hưởng trực tiếp.
Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung ba chữ quan trọng: "dân thụ hưởng” cùng với dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát. Bởi lẽ không chỉ quản lý, phục vụ, mà mọi chính sách, cải cách phải hướng tới lợi ích thực chất cho người dân, cả vật chất lẫn tinh thần. Làm sao để nhân dân được hưởng lợi từ trực tiếp thành quả phát triển của đất nước.
- Có ý kiến lo ngại rằng việc sắp xếp bộ máy có thể dẫn đến tình trạng quá tải ở cấp xã khi phải tiếp nhận khối lượng công việc từ cấp huyện chuyển xuống. Theo ông, cần làm gì để đảm bảo vừa tinh gọn, vừa hiệu quả, đúng với tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Quan điểm của tôi là ủng hộ việc tinh gọn vì bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, phân tầng, nhiều tầng nấc trung gian.
Lo ngại quá tải là có cơ sở, nhưng thực tế phần lớn công việc thường nhật từ cấp huyện sẽ được chuyển về xã là nơi gần dân, sát dân nhất. Một số lĩnh vực chuyên môn cao như quy hoạch, ngân sách, đầu tư... sẽ tập trung ở cấp tỉnh. Cấp xã sau sắp xếp sẽ lớn hơn, có bộ máy đầy đủ hơn, bao gồm trung tâm hành chính, các phòng ban chuyên môn giải quyết công việc cho dân. Lực lượng công an chính quy về xã cũng góp phần làm tốt hơn vấn đề an ninh trật tự.
Giai đoạn này chúng ta đang trong trạng thái "vừa chạy vừa xếp hàng”. Tuy có thể có độ trễ, va vấp nhưng về lâu dài, một xã lớn, biên chế khoảng 40 người với những cán bộ được chọn lựa kỹ, đào tạo bài bản, sẽ đủ sức đảm nhiệm khối lượng công việc mới. Nhiều cán bộ cấp huyện cũng sẽ được điều chuyển về cấp xã giúp nâng cao chất lượng phục vụ.
Tốc độ triển khai hiện nay rất khẩn trương bởi Đại hội XIV sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải hoàn thành trước đó. Để triển khai mô hình chính quyền hai cấp, chúng ta sẽ phải sửa đổi Hiến pháp và hàng chục đạo luật liên quan, như Luật Cán bộ, công chức; Luật Bầu cử; Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Đó là lý do Hội nghị Trung ương 11 và Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội được tổ chức sớm hơn thông lệ bởi khối lượng công việc rất lớn, rất phức tạp.
Cuộc cách mạng lớn như thế này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, có tác động lớn. Một số cá nhân có thể thiệt thòi về vị trí, điều kiện công tác..., nhưng điều quan trọng là bộ máy tinh gọn sẽ tạo lực đẩy cho sự phát triển chung. Cuối cùng, nhân dân là người được thụ hưởng. Và sự hy sinh của một số người là cần thiết để phục vụ lợi ích của số đông đúng như tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
(Theo VTV)
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/11/350383/tu-tuong-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-to-chuc-bo-may-tinh-gon-hieu-qua-va-phuc-vu-nhan-dan.aspx