Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi lễ.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Hưng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở xã Nguyễn Văn Linh, tỉnh Hưng Yên.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, ngành Trung ương và lãnh đạo địa phương, thân nhân gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên trình bày diễn văn, ôn lại thân thế, sự nghiệp, những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí khẳng định, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, người bạn tin cậy của bạn bè quốc tế; cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí thật phong phú và oanh liệt.
Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và ; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các nghị quyết của Trung ương, tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, phát huy thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước qua gần 40 năm.
Với niềm tự hào của quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên nguyện tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tiếp tục giữ vững quốc phòng-an ninh, quyết tâm “Đưa Hưng Yên trở thành tỉnh mạnh của toàn quốc Việt Nam” như di nguyện của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định cuộc đời đồng chí Nguyễn Văn Linh là bài ca về lý tưởng, bản lĩnh của người cộng sản, hành trình phụng sự nhân dân không mỏi mệt. Những giá trị ấy là di sản tinh thần vô giá, hành trang để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư nêu rõ, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã khẳng định không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm.
Một trong những dấu ấn đặc biệt của đồng chí là loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh “NVL”. Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí – những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.
Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Đó là bài học về tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh từng khẳng định không có nghĩa là phủ nhận quá khứ, mà là tiếp tục phát triển từ thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động. Bài học về gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Đồng chí thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe phản ánh của quần chúng, tiếp xúc với thực tiễn đời sống.
Những quyết sách đổi mới của đồng chí không bắt nguồn từ sách vở, mà bắt nguồn từ mong muốn và nhu cầu sống còn của người dân, của doanh nghiệp, của từng hợp tác xã, xí nghiệp nhỏ. Bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong.
Trong loạt bài “Những việc cần làm ngay”, đồng chí không ngần ngại phê bình thẳng thắn những biểu hiện của tham nhũng, lợi ích nhóm, lạm dụng quyền lực. Bài học về độc lập tư duy, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình.
Trong thời kỳ đổi mới, đồng chí luôn nhấn mạnh, Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, phù hợp cả trong bối cảnh hôm nay.
Nhân dịp ngày 1/7, tất cả 34 tỉnh, thành phố với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính 2 cấp, Tổng Bí thư khẳng định tin tưởng rằng dù buổi đầu chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn nhất định, nhưng với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra. Nhất là, học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công.
Đồng chí Nguyễn Đình Phách, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên chia sẻ, chúng ta có thể tự hào khẳng định những thành tựu của tỉnh Hưng Yên hôm nay có một phần quan trọng từ di sản quý báu mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại.
Đồng chí cho biết tuyệt đối tin tưởng vào con đường mà Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã chọn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã trọn đời hy sinh; đồng thời sẽ tiếp tục là đảng viên gương mẫu, tích cực động viên con cháu hăng say lao động sản xuất, học tập, công tác tốt để góp sức vào công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Hưng Yên.
Theo đồng chí Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Linh, phát huy truyền thống của quê hương, ghi nhớ những lời căn dặn, động viên chân tình, gần gũi của người con quê hương, noi theo tấm gương đạo đức trung kiên, sáng tạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các xã trước đây, nay là xã Nguyễn Văn Linh sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng xây dựng xã có kinh tế phát triển, chính trị ổn định, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, xây dựng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong sạch vững mạnh.
Bí thư Đoàn trường Trung học phổ thông Trưng Vương Đỗ Thị Diệu Linh bày tỏ, thế hệ trẻ ở quê hương luôn tự hào và không ngừng phấn đấu, , làm chủ khoa học công nghệ, nỗ lực trong khởi nghiệp, lập nghiệp với khát vọng cháy bỏng là lan tỏa tinh thần, ý chí, nghị lực của thế hệ trẻ tỉnh Hưng Yên, trở thành những công dân gương mẫu, trách nhiệm trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, xứng đáng với sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.
* Trước đó, sáng cùng ngày, tại tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Nguyễn Văn Linh) và tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Hưng Yên.
Đoàn đại biểu cũng đã đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình, tri ân tấm gương sáng ngời về người cộng sản kiên cường, nhà quân sự tài năng có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm gia đình cụ Phạm Thị Cuông (sinh năm 1919) sống tại thôn Cao Đông, xã Hoàng Hoa Thám, tỉnh Hưng Yên, là mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1949, hy sinh tại chiến trường Khe Sanh).
HẠNH NGUYÊN-PHẠM HÀ