TRÍ THỨC VIỆT NAM CÓ ĐẦU ÓC DÂN TỘC VÀ ĐẦU ÓC CÁCH MẠNG
Trước tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của trí thức. Người cho rằng, “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”1. Theo Hồ Chí Minh trí thức là những người lao động trí óc, có hiểu biết về một lĩnh vực khoa học nhất định. Trí thức là một tầng lớp xã hội đặc thù, có tính độc lập tương đối, chuyên làm các nghề có tính chất lao động trí óc phức tạp và sáng tạo, có học vấn chuyên môn cần thiết cho lĩnh vực lao động đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. Ảnh tư liệu
Khi đề cập đến vị trí, vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh cho rằng “trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng. Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì có học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là lịch sử cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng... Cũng vì vậy lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng”2. Bên cạnh đó, Hồ Chí Minh khẳng định: Trí thức “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng”3. “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”4. Không có trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều. Không có trí thức hợp tác với công nông thì cách mạng không thể thành công và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất sẽ không hoàn thành được. Bởi vì, để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, “ngoài việc quân sự ắt phải phát triển kinh tế. Cho nên cần có những người chuyên môn thông thạo về công nghệ và nông nghiệp. Cần phát triển giao thông vận tải, cho nên cần có những kỹ sư thông thạo về việc đắp đường, bắc cầu. Cần giữ gìn sức khỏe của dân, cho nên cần có thầy thuốc. Cần đào tạo cán bộ cho mọi ngành hoạt động, cho nên cần có thầy giáo, v.v... Do đó, lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội”5. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi... trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”6.
NHIỆM VỤ CỦA NGƯỜI TRÍ THỨC MỚI
Theo Hồ Chí Minh, người trí thức phải có đạo đức cách mạng, yêu Tổ quốc, yêu nhân dân; cần, kiệm, liêm, chính; trung thành, thật thà, chính trực; có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn; có tinh thần gan dạ và sáng tạo, có chí khí hăng hái và tinh thần tiến lên, vượt mọi khó khăn gian khổ để tiến mãi không ngừng. Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Trí thức phải luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, chống kiêu căng, tự mãn, thực hành tự phê bình và phê bình để cùng nhau tiến bộ, “phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh và đời sống của nhân dân mới được cải thiện về mọi mặt”7. Hồ Chí Minh yêu cầu trí thức phải có tinh thần lao động tích cực, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, làm hết sức mình, không ngại khó, ngại khổ; yêu và trọng lao động; giữ gìn kỷ luật; bảo vệ của công; có tư duy độc lập, tự chủ, táo bạo, sáng tạo, góp tài, góp sức để cải tiến bộ mặt xã hội đất nước. Trí thức phải quan tâm đến đời sống của nhân dân; khiêm tốn học hỏi dân, hòa mình với dân, gần gũi dân, đoàn kết với dân, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; làm gương cho dân trong mọi việc, bất kỳ việc gì cũng phải nghĩ đến dân, đến lợi ích chung trước, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Hồ Chí Minh viết: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho nhân dân”8. Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở trí thức cần phải chống tâm lý tự tư, tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình. Chống tâm lý ham sung sướng, tránh khó nhọc, xem khinh lao động. Chống lười biếng, xa xỉ, sinh hoạt ủy mị, kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang. Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế”9.
QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ SỬ DỤNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tin tưởng và trọng dụng trí thức. Đây là tinh thần nhất quán trong tư tưởng cũng như trong thực tế công tác của Hồ Chí Minh. Trong lời nói cũng như việc làm, Hồ Chí Minh luôn thể hiện thái độ yêu thương, quý mến, trân trọng, tin tưởng và trọng dụng trí thức. Khi cần nhắc nhở thì ân cần chỉ rõ tận tình. Khi phê bình thì nghiêm khắc, nhưng độ lượng, bao dung. Xóa bỏ mọi thành kiến, không khoét sâu định kiến, tạo điều kiện và sử dụng trí thức vào những việc ích quốc lợi dân. Trọng dụng trí thức bằng cách bố trí họ vào những công việc đúng với khả năng của họ, nhằm khai thác sở trường, sở đoản của mỗi người. Hồ Chí Minh cho rằng, trí thức là những người lao động có chuyên môn cao, vì thế khi bố trí công việc cho trí thức cần xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ cũng không được. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng ta gồm có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó, sĩ, công, nông, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ, văn hóa khác nhau; tính tình cá nhân cũng không giống hệt. Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là một vấn đề rất trọng yếu. Vì vậy, chúng ta cần phải chú ý mấy việc dưới đây: Hiểu biết cán bộ, Khéo dùng cán bộ, Cất nhắc cán bộ, Thương yêu cán bộ, Phê bình cán bộ”10. Hồ Chí Minh có thái độ rất rộng lượng và dân chủ, luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết trong việc sử dụng cán bộ. Người cho rằng: “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy”11.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. (GS Trần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ). Ảnh http://baotanglichsu.vn
Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng và Nhà nước phải có những chính sách đúng đắn với trí thức để trí thức phát huy hết tài năng, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Đó là những chính sách nhằm bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng trí thức, các chính sách nhằm phát hiện nhân tài, “chiêu hiền, đãi sĩ”; có cơ chế dân chủ cho trí thức tìm tòi, sáng tạo. Người chỉ rõ: “Để xây dựng nước nhà, chúng ta cần càng ngày càng nhiều trí thức tốt. Đảng và Chính phủ vừa phải giúp cho thế hệ trí thức ngày nay càng ngày càng tiến bộ, vừa phải ra sức đào tạo thêm trí thức mới”12. Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức có ý nghĩa to lớn cả về lý luận và thực tiễn, trở thành quan điểm chỉ đạo cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, huy động đội ngũ trí thức phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như cải thiện đời sống, tạo điều kiện phát triển không ngừng cho tầng lớp trí thức trong xã hội.
TIẾP TỤC NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ VỊ TRÍ, VAI TRÒ, TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC
Tổng Bí thư Tô Lâm đặt kỳ vọng đổi mới khoa học công nghệ, tầm thức mới đối với đội ngũ trí thức Việt Nam.
Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về trí thức, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo đội ngũ trí thức, Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới khẳng định: “Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Chú trọng phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước, có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng, học thuật, thực hành dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức. Động viên đội ngũ trí thức Việt Nam nêu cao lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đóng góp cho phát triển của đất nước”.
TRỌNG NHÂN (lược khảo)
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, t.5, tr.275
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.54
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.184
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.71-72
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.56-59
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.97
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.472
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.275
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.316-317
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.43
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.378