Hơn 1 năm qua, nam thanh niên sinh năm 1996 (ở TP HCM) đã gọi điện thoại tới Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (1800-6606) để được hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Nhân viên Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí tư vấn cho khách hàng
Tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí
Nam thanh niên 9x cho biết anh hút thuốc lá từ khi đang học lớp 11. Suốt thời gian này, anh đã hút cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu. Trung bình mỗi ngày anh hút khoảng 5 - 7 điếu và có thể hút thuốc nhiều hơn khi đi cà phê hoặc ăn nhậu với bạn bè. Trong lần đi khám sức khỏe, thanh niên phát hiện bị trào ngược dạ dày thực quản và được được bác sĩ khuyên bỏ thuốc.
Tuy nhiên, sau khi sức khỏe ổn định, nam thanh niên lại thường xuyên hút thuốc lá điện tử. Gần đây cảm thấy sức khỏe "có vấn đề", nên anh có ý định bỏ thuốc và mong muốn được các nhân viên Tổng đài tư vấn cai Thuốc lá (Bệnh viện Bạch Mai) tư vấn để có thể cai thuốc lá thành công.
Chị Nguyễn Thu Huyền, nhân viên Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết thời điểm hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho anh N.T.T là 22-10-2023 thì đến 30-10-2023 anh T. đã cai thuốc được một tuần.
"Trong 1 tháng đầu tiên, mỗi tuần một lần, nhân viên của tổng đài liên tục điện thoại cho nam thanh niên này để tư vấn hỗ trợ việc cai nghiện thuốc lá cũng như hướng dẫn cách ứng phó với hội chứng sau cai và các biện pháp để vượt qua sự khó chịu khi cai thuốc. Sau đó, thời gian gọi và tư vấn sẽ thưa hơn. Việc tư vấn, hỗ trợ này kéo dài trong vòng 1 năm và được thực hiện miễn phí"- chị Huyền chia sẻ.
Theo chị Huyền, với nam thanh niên nói trên đến nay đã hơn 1 năm anh không còn cảm giác thèm thuốc lá và thuốc lá điện tử. Điều đó tức là khách hàng đã cai thuốc lá thành công.
Nhiều người đã cai nghiện thuốc lá thành công
Một trường hợp khác là ông N.N.Đ (60 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) đã kết nối với Tổng đài để được các chuyên gia hỗ trợ, tư vấn cai thuốc lá. Trong lần đầu tiên kết nối, ông Đ.được khai thác thông tin hút thuốc, tiền sử cai thuốc, đánh giá mức độ nghiện, được hỏi thăm và chia sẻ để nhận ra những khó khăn thuận lợi. Cuộc tư vấn kéo dài 30 phút đã giúp bệnh nhân thêm động lực, mong muốn cai thuốc.
Các nhân viên thuộc Tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá cho biết có những trường hợp nghiện thuốc lá hàng chục năm đã được cai nghiện thành công.
Hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá
Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, Quỹ tiếp tục hỗ trợ Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí tại Bệnh viện Bạch Mai (1800-6606), Bệnh viện Nhân dân Gia Định (1800-1224) và Phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 9 bệnh viện trên cả nước.
Cùng với hoạt động đó là hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ y tế trong công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá thông qua đào tạo giảng viên nguồn về tư vấn cai nghiện thuốc lá; tập huấn kỹ năng tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế, triển khai thí điểm mô hình tư vấn tại các cơ sở y tế và cộng đồng như Phòng tư vấn trực tiếp, tư vấn tại Trạm Y tế xã/phường, hệ thống tin nhắn.
Tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá
Tại 10 bệnh viện, đã có hơn 208.000 lượt bệnh nhân được tư vấn cai nghiện thuốc lá gồm cả tư vấn qua Tổng đài và tư vấn trực tiếp. Trong số hơn 50.000 bệnh nhân được tư vấn chuyên sâu cai nghiện thuốc lá, với gần 6.500 người cai nghiện thành công trong 3 tháng; hơn 3.100 người cai nghiện thành công trên 1 năm.
PGS-TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện là cơ sở tiếp nhận điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng, phức tạp, trong đó có rất nhiều bệnh lý liên quan đến sử dụng các sản phẩm thuốc lá như các bệnh lý ung thư (ung thư phổi, thanh quản, vòm, thực quản, dạ dày, đại tràng…), các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ).
Bên cạnh chữa bệnh thì việc tư vấn điều trị cai nghiện thuốc lá đóng vai trò rất quan trọng cho các bệnh nhân này vì đây thường là những bệnh nhân nghiện thuốc lá nặng.
Nhiều thành phần trong điếu thuốc lá rất độc hại
Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân có liên quan đến thuốc lá điện tử. Không ít trường hợp đến viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan…
Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử. Hàng tuần, Trung tâm Chống độc của bệnh viện đều tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận…
Các nghiên cứu cho thấy trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Ngọc Dung