Tu viện mang tên một món ăn, ai đến cũng được mời bữa no lòng

Tu viện mang tên một món ăn, ai đến cũng được mời bữa no lòng
6 giờ trướcBài gốc
Tọa lạc tại KCN Gò Dầu, xã Phước Thái (tỉnh Đồng Nai), Tu viện Phước Hải còn được người dân gọi là “chùa bún riêu”. Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc không chỉ với Phật tử mà cả những người lao động mưu sinh quanh vùng.
Không nổi bật bởi kiến trúc hay quy mô nhưng ngôi chùa lại níu chân người ghé thăm bằng một điều rất thân thương. Đó là món bún riêu chay miễn phí được nấu mỗi ngày để chia sẻ cho bất kỳ ai cần, dù là Phật tử hay người dân qua đường.
Bên trong gian bếp sau chánh điện, bà Phạm Thị Khởi (66 tuổi, quê Cà Mau) - một thiện nguyện viên đã gắn bó nhiều năm với nơi này - đang đều tay múc từng vá nước dùng nóng hổi, trao tô bún tận tay người đến ăn.
“Ngày thường đã nấu nhiều, cuối tuần thì có khi chúng tôi nấu cả chục thùng nước lèo, mỗi thùng 200 lít cùng vài trăm ký bún phục vụ bà con. Có ngày đông quá, tôi múc không kịp, mọi người phải chờ để ăn mà vẫn vui vẻ” - bà Khởi kể.
Để có thể lo chu toàn phục vụ bà con, những dịp cao điểm, bếp chùa huy động khoảng 30 người cùng phụ giúp. Mỗi người một tay, người xắt rau, người dọn dẹp, nấu nước, làm các nguyên liệu…
“Hồi mới về đây, tôi nghĩ đơn giản là mình góp chút công sức. Vậy mà càng làm, tôi càng thấy cuộc sống nhẹ nhõm và ý nghĩa hơn” - bà Khởi tâm sự.
Cái tên “chùa bún riêu” cũng từ đó mà ra. Được người dân truyền tai nhau, chùa trở thành điểm dừng chân đặc biệt giữa khu công nghiệp gần quốc lộ 51, nơi mà đôi khi, chỉ một bữa ăn giản dị cũng đủ ấm lòng biết bao người.
Không ít du khách khi đi tắm biển Vũng Tàu cũng chọn dừng lại nơi đây.
Anh Phạm Hữu Tấn (31 tuổi, du khách TPHCM) chia sẻ rằng anh biết đến "chùa bún riêu" qua một người bạn từng làm công nhân ở đây. Lúc đầu, anh chỉ tính ghé viếng Phật, không ngờ được mời lại ăn. Ngồi ăn trong không khí yên bình như vậy, anh thấy lòng nhẹ nhõm lạ thường.
“Tô bún giản dị nhưng chứa đựng quá nhiều yêu thương. Tôi nghĩ nơi này không chỉ là chùa mà còn là một mái nhà chung, giúp những người khó khăn” - anh Tấn nói.
Theo ni sư Thích Nữ Như Như (tu viện Phước Hải), tinh thần mà nhà chùa hướng đến có thể gói gọn trong bốn chữ “từ bi rộng mở”. Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm cúng dường.
“Nhà chùa chỉ là nơi trung gian chuyển hóa lòng tốt thành hành động cụ thể. Khi tâm từ bi được thể hiện một cách công bằng, minh bạch thì việc thiện lại tiếp tục được nuôi dưỡng và lan tỏa” - ni sư Thích Nữ Như Như chia sẻ.
Ngoài bún riêu chay, tu viện Phước Hải còn phục vụ cơm chay miễn phí cho những ai có nhu cầu. Mỗi ngày, hàng trăm suất cơm nóng hổi, đủ đầy rau củ được các thiện nguyện viên chuẩn bị chu đáo cho người dân, công nhân lao động hay khách hành hương.
Hoàng Anh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tu-vien-mang-ten-mot-mon-an-ai-den-cung-duoc-moi-bua-no-long-2419099.html