Từ vụ cô gái bịa chuyện bị cướp điện thoại: Báo tin giả bị xử lý ra sao?

Từ vụ cô gái bịa chuyện bị cướp điện thoại: Báo tin giả bị xử lý ra sao?
11 giờ trướcBài gốc
Theo Công an Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tối 9-11 khi đang trên đường đi làm về thì N.N.U, 20 tuổi, ở xã Xuân Trường, TP Đà Lạt bị ngã xe khiến màn hình điện thoại bị vỡ. Do sợ bị gia đình la mắng, U đã đến một cửa hàng điện thoại trên đường Phan Đình Phùng và bán chiếc điện thoại bị vỡ rồi tung tin mình bị ba người đi xe máy ép ngã rồi cầm dao đe dọa cướp điện thoại Iphone 11, một ví da trong đó có 5,8 triệu đồng.
Trong quá trình xác minh thông tin, làm việc với U, lực lượng công an phát hiện nhiều nghi vấn trong lời khai về thời gian và một số tình tiết khác không phù hợp với những chứng cứ tài liệu mà trinh sát báo về. Cuối cùng U đã thừa nhận hành vi bịa chuyện bị cướp điện thoại của mình.
Cô gái báo tin giả về việc bị cướp điện thoại tại cơ quan công an
Sự việc trên không phải hi hữu. Cách đây không lâu, tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, do đầu tư tiền ảo thua lỗ, N.H.S đã tự rạch vào tay, rồi tạo dựng hiện trường vụ bị 3 nam thanh niên cướp tài sản để nói dối gia đình.
Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, để xử lý đúng người đúng tội, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của các đối tượng thực hiện hành vi này.
Nếu việc dựng hiện trường giả này không phải là thủ đoạn nhằm thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm nào khác thì có thể xem xét, xử lý hành chính về hành vi ‘gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác’ (theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định144/2021/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể bị phạt tiền 2 - 3 triệu đồng. Trường hợp báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả sẽ bị áp dụng mức phạt từ 4-6 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu có thiệt hại do hành vi báo tin giả gây ra, người báo tin giả còn có thể phải bồi thường. Trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng.
Còn nếu cá nhân biết rõ thông tin đó là sai sự thật, nhưng vẫn bịa đặt, dựng chuyện, vu khống người khác đến cơ quan tổ chức có thẩm quyền với mục đích nhằm xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người đó hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
“Hiện có không ít người dân nghĩ rằng việc khai báo tin giả, án giả sẽ không bị xử lý và có thể che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tất cả các tin trình báo của công dân đều được lực lượng công an ghi nhận, tiến hành xác minh làm rõ thông qua các biện pháp nghiệp vụ và điều này mất khá nhiều thời gian, công sức của người thi hành công vụ. Để hạn chế những vụ việc tương tự, cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng có hành vi này để răn đe” - luật sư Lê Hồng Vân đề xuất.
Huệ Linh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tu-vu-co-gai-bia-chuyen-bi-cuop-dien-thoai-bao-tin-gia-bi-xu-ly-ra-sao-post595447.antd