Khi người chết để lại di sản, một người không được hưởng thừa kế vẫn có thể được xem xét hưởng thanh toán từ khối di sản khi có công sức đối với người chết hay/và khối tài sản mà người chết để lại.
Khi một người được hưởng thừa kế theo pháp luật mà có công sức tương tự, họ cũng được hưởng thanh toán từ khối di sản bên cạnh việc được hưởng thừa kế với vai trò là người thừa kế.
HĐXX vụ tranh chấp di sản thừa kế giữa em gái ruột và con gái nuôi của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Công sức đối với người đã chết hay/và công sức đối với khối di sản thừa kế
Pháp luật dân sự có một số cơ chế cho phép thực hiện việc thanh toán này.
Thứ nhất là thanh toán công sức trước khi người để lại di sản thừa kế chết:
Trước khi chết, người để lại di sản có thể có nghĩa vụ tài sản với người khác nhưng chưa kịp thực hiện. Lúc này, nghĩa vụ tài sản của người chết vẫn được duy trì và được chuyển sang người thừa kế (Điều 614 BLDS), được ưu tiên thanh toán khi chia di sản thừa kế (Điều 658 BLDS).
Nghĩa vụ tài sản này có nguồn gốc rất đa dạng, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của người để lại di sản. Khi một người chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản trước khi người để lại di sản chết và vượt quá phần trách nhiệm thông thường, có thể xác định người để lại di sản có một nghĩa vụ tài sản (thanh toán công sức) cho người chăm sóc, nuôi dưỡng và tòa án có xu hướng chấp nhận tính công sức này trước khi chia di sản; nhất là khi người đáng ra phải chăm sóc, nuôi dưỡng người chết đã không làm việc này nhưng vẫn được hưởng thừa kế (do là người thừa kế theo pháp luật).
Do đó, nếu em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh chứng minh có chăm sóc, nuôi dưỡng ông những năm cuối đời thì bà được thanh toán công sức từ khối tài sản mà ông để lại.
Thứ hai là thanh toán công sức sau khi người để lại di sản thừa kế chết:
Sau khi người để lại di sản chết, một người có thể bỏ ra công sức và chi phí để lo cho việc mai táng người để lại di sản. Ở đây, người bỏ ra công sức, chi phí được ưu tiên thanh toán đối với chi phí hợp lý cho việc mai táng khi chia di sản (Điều 658 BLDS).
Sau khi người để lại di sản chết, một người có thể bỏ ra công sức quản lý di sản. Lúc này, người đó được ưu tiên thanh toán chi phí bảo quản di sản khi chia di sản (các điều 618, 658 BLDS). Bên cạnh đó, Án lệ số 05/2016/AL còn ghi nhận thanh toán “công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế”.
Do đó, nếu em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh chứng minh có thực hiện công việc trên thì bà cũng được thanh toán công sức từ khối tài sản mà ông để lại.
Điều 6 BLDS 2015 quy định:
1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng.
Pháp luật quy định ra sao về thanh toán công sức, trích tỉ lệ?
Khi một người có công sức như nêu trên, họ được thanh toán; việc thanh toán được trích từ khối tài sản người chết để lại khi chia di sản. Thực tiễn xét xử, TAND Tối cao đã từng có hướng xử lý như vậy.
Đơn cử trong một quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xét rằng “tòa án cấp phúc thẩm xác định ông Vân có công chăm sóc cha mẹ và công quản lý di sản, ông Vi có công lớn trong việc nuôi dưỡng cha mẹ (ông Vi là người gửi tiền cho cha mẹ để không phải bán nhà) nhưng không xác định rõ công sức chăm sóc cha mẹ và quản lý di sản mà ông Vân, ông Vi được hưởng là bao nhiêu để đối trừ, số tiền còn lại mới chia cho các đồng thừa kế là chưa hợp tình, hợp lý”.
Tương tự, một bản án khác, sau khi nhận định “vợ chồng cụ Thạch Cây (chết vào năm 1980), cụ Um (chết vào năm 1979) có tám người con, bốn người chết (trong đó có ông Thạch Chiên chết nhưng có một con là anh Thạch Oanh), còn lại bốn người là các bà Ba, Két, Sương và ông Còn”, Tòa Dân sự TAND Tối cao cũng đã xét rằng “chưa làm rõ có hay không công sức của ông Còn trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng vợ chồng cụ Cây và giữ gìn tài sản sau khi hai cụ chết để xem xét, giải quyết quyền lợi hợp pháp cho ông Còn là thiếu sót”.
“Thanh toán công sức” thông thường được tính bằng tiền hay hiện vật trích từ khối di sản thừa kế. Về việc quy đổi công sức thành tiền, không có văn bản hướng dẫn cụ thể; khi có tranh chấp thì tòa tự xác định. Khi trích từ khối di sản để thanh toán công sức cũng không có bất kỳ văn bản nào hướng dẫn cụ thể về tỉ lệ trích; khi có tranh chấp thì tòa tự xác định.
Thực tiễn cho thấy công sức càng lớn, tỉ lệ trích từ khối di sản càng cao; khi các bên không đạt được thỏa thuận, tòa xác định tỉ lệ trích từ khối di sản dựa vào “lẽ công bằng” (Điều 6 BLDS).
Pháp luật dân sự hiện hành đã có cơ chế để có hướng giải quyết có tình, có lý nhằm bảo vệ người đã có công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người để lại di sản trước khi chết cũng như đối với người đã lo hậu sự, quản lý di sản. Hy vọng rằng cái tình, cái lý đó được vận dụng cho vụ việc đã gây ra rất nhiều tiếng ồn không đáng có.
Phán quyết sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh
Chiều 7-1, HĐXX TAND TP.HCM do thẩm phán Châu Thị Điệp làm chủ tọa đã tuyên án sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ giữa em gái ruột và con gái nuôi của cố NSƯT Vũ Linh.
HĐXX đã ra phán quyết rằng con gái nuôi của ông là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông. HĐXX cũng tính toán cho em gái ruột của ông được hưởng 15% giá trị của khối tài sản mà ông để lại do bà có công sức đóng góp không nhỏ trong việc phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con gái nuôi của ông để ông tập trung phát triển đến đỉnh cao sự nghiệp và tiền tài, bà cũng là người chăm sóc khi ông bệnh…
GS-TS ĐỖ VĂN ĐẠI, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM