Ngày 7-1, TAND TP.HCM đã ra phán quyết sơ thẩm vụ tranh chấp di sản thừa kế; yêu cầu hủy quyết định cá biệt và đòi nhà cho ở nhờ giữa em gái ruột và con gái nuôi của ông Võ Văn Ngoan (cố NSƯT Vũ Linh).
HĐXX đã tuyên con gái nuôi của cố nghệ sĩ là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông. Đồng thời, HĐXX cũng xét công sức đóng góp và hoàn cảnh hiện nay của em gái ruột cố nghệ sĩ để tuyên cho bà được hưởng 15% giá trị khối di sản do đã chăm sóc mẹ già, nuôi con nuôi cho cố nghệ sĩ để ông đạt được đỉnh cao sự nghiệp và tiền tài...
HĐXX vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Đây là vụ án tranh chấp di sản phức tạp và gây nhiều tranh cãi. Phán quyết của tòa vì vậy đã được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều thắc mắc về quy định pháp luật xung quanh việc HĐXX tuyên em gái ruột của cố nghệ sĩ được hưởng 15% giá trị khối di sản.
Đã có án lệ tính đến công sức đóng góp, tôn tạo di sản
Theo ThS Nguyễn Đức Hiếu (ĐH Quốc tế, ĐHQG TP.HCM), trước năm 2016, các vụ tranh chấp về chia di sản thừa kế, người quản lý và có công tôn tạo di sản thừa kế không được tòa án xem xét giải quyết. Trong khi đó, nhiều người đã bỏ ra nhiều công sức và chi phí để duy trì và tăng giá trị di sản trong nhiều năm.
Cần áp dụng lẽ công bằng
Dù pháp luật không quy định việc được chia và chia tỉ lệ bao nhiêu nhưng căn cứ khoản 2 Điều 6 BLDS thì tòa án có quyền xem xét vụ án dựa trên lẽ công bằng.
TS-LS NGUYỄN THỊ KIM VINH, nguyên thẩm phán TAND Tối cao
Sau đó, Án lệ số 05/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua và công bố vào ngày 6-4-2016.
Theo nội dung án lệ, tuy chị Phượng (cháu nội của hai người để lại tài sản) không thuộc hàng thừa kế thứ nhất nhưng chị đã có nhiều công sức quản lý, đã chi tiền sửa chữa nhà. Trong quá trình tòa giải quyết vụ án, chị Phượng không yêu cầu xem xét công sức vì chị Phượng cho rằng vụ án đã hết thời hiệu chia thừa kế, không đồng ý trả nhà đất cho các thừa kế. Như vậy, yêu cầu của chị Phượng đề nghị xác định quyền lợi là lớn hơn yêu cầu xem xét về công sức, nhưng tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét công sức cho chị Phượng là giải quyết chưa triệt để yêu cầu của đương sự.
Về ý nghĩa, Án lệ số 05/2016 hướng dẫn các tòa án khi giải quyết các vụ án tương tự cần xem xét công bằng giữa quyền lợi của các đồng thừa kế và những người có công sức đóng góp vào di sản.
Bà Võ Thị Hồng Loan. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
"Vụ chia di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh là một trường hợp đặc biệt. Trong BLDS và các văn bản hướng dẫn cũng chưa nói rõ vấn đề này. Bên cạnh đó, án lệ cũng không nêu trực tiếp vấn đề người có công sức trong việc hỗ trợ các công việc khác cho người để lại di sản (án lệ chỉ nêu vấn đề liên quan đến công sức đóng góp trực tiếp cho tài sản là căn nhà)" - ThS Nguyễn Đức Hiếu nói.
Theo luật sư (LS) Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), Điều 616 BLDS quy định người quản lý di sản có thể là người được chỉ định trong di chúc hoặc do người thừa kế thỏa thuận. Theo Điều 618 BLDS thì người quản lý di sản được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế, được thanh toán chi phí bảo quản di sản…
Trong vụ án tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh, nếu không xác định được người quản lý di sản thì việc xác định người quản lý di sản để áp dụng quyền lợi của họ sẽ dựa vào người nào đang trực tiếp quản lý. Án lệ số 05/2016 cũng quy định về việc này và cần phải xem xét đến công sức đóng góp, quản lý di sản của người được xác định có công sức đóng góp, quản lý di sản.
Có cần phải chứng minh công sức đóng góp?
Theo LS Phát, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tính tiền cho người quản lý di sản là bao nhiêu và dựa trên giá trị nào, nên sẽ tùy thuộc vào sự đánh giá của HĐXX. Nếu việc đóng góp bằng việc duy tu, bảo dưỡng tài sản có hóa đơn chứng từ sẽ được xem là thực chi và sẽ được công nhận. Riêng phần công sức quản lý, chăm sóc… thì khá mơ hồ nếu chỉ xác định dựa vào lời khai.
Bà Lê Thị Hồng Phượng (áo xanh) và bà Võ Thị Hồng Nhung tại phiên xét xử. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trong khi đó, theo TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, BLDS không quy định về việc phải chia di sản thừa kế cho người có công sức đóng góp, tôn tạo mà chỉ có quy định về người quản lý di sản. Dù pháp luật không quy định việc được chia và chia tỉ lệ bao nhiêu nhưng căn cứ khoản 2 Điều 6 BLDS thì tòa án có quyền xem xét vụ án dựa trên lẽ công bằng. Trên thực tế, cần phải xem xét tài liệu, chứng cứ để đánh giá em gái ruột của cố nghệ sĩ có công sức và tỉ lệ đóng góp như thế nào. Ngoài ra, tòa án cũng cần xem xét tình hình thực tế, diễn biến sự việc để cân nhắc và đảm bảo quyền và nghĩa vụ của em gái cố nghệ sĩ.
***
Nhiều ý kiến đồng tình với phán quyết của tòa trong việc tuyên cho em gái ruột của cố NSƯT Vũ Linh được hưởng 15% giá trị khối di sản. Cũng có không ít ý kiến thắc mắc, sao không là 5%, 10%, hay thậm chí 20-30% mà lại là 15%...
Chúng tôi xin ghi nhận ý kiến tiếp theo của bạn đọc gần xa. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về email: phapluat@phapluattp.vn
Công sức đóng góp đã rõ ràng
Theo một thẩm phán chuyên xét xử án dân sự tại TP.HCM, việc tòa án tính cho em gái ruột cố nghệ sĩ được hưởng 15% giá trị khối di sản là phù hợp.
Hiện nay luật chưa quy định cụ thể về cách tính tỉ lệ mà người có công sức đóng góp được hưởng nên có nhiều quan điểm trong cách giải quyết. Có quan điểm sẽ chia theo tỉ lệ, nhưng tỉ lệ này không có con số cụ thể mà sẽ do thẩm phán quyết định; có quan điểm sẽ chia tương đương một phần kỷ phần thừa kế...
Em gái ruột của cố nghệ sĩ đã công sức đóng góp không nhỏ khi chăm sóc mẹ già, chăm sóc con gái nuôi cho cố nghệ sĩ để ông phát triển đến đỉnh cao sự nghiệp. Điều này đã được khai ở phiên xét xử và được những người tại phiên xét xử thừa nhận. Do đó, căn cứ Điều 92 BLTTDS thì đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh bởi những tình tiết, sự kiện này đã rõ ràng mà mọi người đều biết và được tòa án thừa nhận.
SONG MAI