Từ vụ kẹo Kera: Các nguyên tắc vàng khi nhận quảng cáo sản phẩm

Từ vụ kẹo Kera: Các nguyên tắc vàng khi nhận quảng cáo sản phẩm
9 ngày trướcBài gốc
Với sự phát triển của mạng xã hội, việc các KOL, nghệ sĩ,… tham gia giới thiệu, quảng cáo sản phẩm ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, việc quảng cáo sản phẩm không đơn thuần chỉ là dùng danh tiếng để thu lại lợi ích vật chất mà còn cả vấn đề về trách nhiệm pháp lý.
Đối với vụ kẹo rau củ Kera, hiện cơ quan chức năng xác định Thùy Tiên có liên quan đến vụ án, còn mức độ thế nào (chỉ tham gia quảng cáo hay là sâu hơn nữa) chúng ta cần chờ kết quả điều tra chính thức. Tuy nhiên, đây là một vụ việc cụ thể cho thấy, bất cứ ai - dù nổi tiếng hay không - khi quảng cáo cho 1 sản phẩm nào đó đều phải lường trước được các rủi ro pháp lý.
Những yếu tố cần thiết để tránh rủi ro
Trao đổi với PLO, Luật sư Ngô Việt Bắc (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng các KOL, nghệ sĩ,… khi ký hợp đồng quảng cáo không chỉ cần giữ hình ảnh cá nhân mà còn phải lưu ý về trách nhiệm đạo đức và pháp lý. Trách nhiệm này không chỉ gói gọn trong phạm vi hợp đồng mà còn ảnh hưởng đến dư luận xã hội, uy tín cá nhân của họ.
Theo Luật sư Bắc, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (sau đây gọi là người thực hiện quảng cáo) cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ pháp lý của sản phẩm. Bản thân họ có nghĩa vụ phải biết sản phẩm mình quảng cáo cần đảm bảo tiêu chuẩn, giấy tờ nào để đề nghị doanh nghiệp cung cấp đầy đủ.
"Nghệ sĩ nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh chất lượng sản phẩm, bao gồm giấy chứng nhận lưu hành, tiêu chuẩn chất lượng và xác nhận của cơ quan chức năng (nếu có),… Điều này sẽ giúp người thực hiện quảng cáo bảo vệ bản thân trong trường hợp phát sinh tranh chấp sau này", Luật sư Bắc khuyến nghị.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, người thực hiện quảng cáo cần cẩn trọng khi ký kết hợp đồng quảng cáo, liệt kê cụ thể các điều khoản bảo vệ trách nhiệm của họ.
Một điểm quan trọng khác là chủ thể ký kết hợp đồng quảng cáo phải có thẩm quyền. Nếu hợp đồng được ký với đại lý hoặc cửa hàng, họ cần chứng minh rằng mình đã nhận ủy quyền hợp pháp từ nhà sản xuất để thực hiện việc quảng bá sản phẩm, nếu không hợp đồng có thể bị xem là vô hiệu.
Ngoài ra, một cá nhân không nên cùng một lúc quảng cáo cho cho hai doanh nghiệp là đối thủ của nhau. Thông thường trong các hợp đồng hợp tác làm ăn sẽ có điều khoản ràng buộc về vấn đề này.
Hoa hậu Thùy Tiên có liên quan đến vụ án "Kẹo rau củ Kera"
Luật buộc chúng ta phải biết!
Lưu ý cho các KOL, nghệ sĩ,... khi tham gia quảng cáo sản phẩm, bà Ủ Thị Bạch Yến - nguyên Thẩm phán Tòa Kinh tế, TAND TP.HCM, cho biết trước khi quyết định tham gia quảng cáo cho một sản phẩm nào đó, cá nhân, tổ chức cần phải tìm hiểu quy định pháp luật liên quan, bao gồm Bộ Luật dân sự, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
"Luật bắt buộc mình phải biết chứ không thể nói tôi chỉ làm theo yêu cầu của doanh nghiệp, đối tác mà không quan tâm đến quy định pháp luật. Việc thiếu hiểu biết có thể khiến họ rơi vào tranh chấp hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý vượt ngoài dự liệu", bà Yến nói.
Cũng theo bà, khi các KOL, nghệ sĩ chủ động ký hợp đồng quảng cáo, họ cần lưu ý nội dung quảng cáo phải tuân thủ đúng quy định pháp luật. Họ phải hiểu rõ và thực hiện đúng nội dung hợp đồng, tránh trường hợp quảng cáo sai với nội dung thỏa thuận. Nếu quảng cáo sai nội dung thỏa thuận mà vi phạm pháp luật thì chính họ là người phải chịu trách nhiệm.
Một nguyên tắc quan trọng là quảng cáo không được gây hiểu lầm, đặc biệt không được gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Đây không chỉ là cách để bảo vệ quyền lợi của người tham gia quảng cáo mà còn là sự an toàn cho người tiêu dùng.Bởi, nếu người thực hiện quảng cáo đưa quan điểm cá nhân của mình vào nội dung quảng cáo mà vi phạm điều cấm trong hoạt động quảng cáo thì họ phải chịu trách nhiệm về những nhận định của đó.
Ngược lại, nếu hình ảnh của người thực hiện quảng cáo bị sử dụng trái phép, trong trường hợp này, cá nhân bị xâm phạm cần chứng minh hành vi sử dụng hình ảnh là trái pháp luật hoặc vượt ngoài thỏa thuận. Nếu nội dung bị chỉnh sửa, gán ghép, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu, đó có thể là căn cứ quan trọng để khiếu nại hoặc khởi kiện.
Nhà sản xuất phải đảm bảo pháp lý về sản phẩm
Các doanh nghiệp khi đưa sản phẩm ra thị trường để quảng bá cần phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố pháp lý cơ bản. Đầu tiên, doanh nghiệp phải đảm bảo tư cách pháp nhân và có giấy phép kinh doanh. Điều này sẽ giúp sản phẩm có được sự công nhận và bảo vệ về mặt pháp lý.
Thêm vào đó, doanh nghiệp phải thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu để tránh các tranh chấp với các đơn vị khác, đồng thời công khai tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đối với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hay thiết bị y tế, việc được cơ quan chuyên ngành thẩm định và phê duyệt trước khi lưu hành là điều bắt buộc.
Ngoài ra, các thông tin liên quan đến sản phẩm cần phải rõ ràng, bao gồm thành phần, cách sử dụng, hạn sử dụng, cách bảo quản và các cảnh báo về tác dụng phụ (nếu có). Đặc biệt, đối với các sản phẩm nhập khẩu, các hồ sơ nhập khẩu phải hợp lệ và thông tin sản phẩm phải được dịch sang tiếng Việt đầy đủ theo quy định.
Luật sư NGÔ VIỆT BẮC, Đoàn Luật sư TP.HCM
NGUYỄN CHÍNH
Nguồn PLO : https://plo.vn/tu-vu-keo-kera-cac-nguyen-tac-vang-khi-nhan-quang-cao-san-pham-post843074.html