Vì lợi nhuận, quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C01) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng", khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giam đối với Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và Phạm Quang Linh (Quang Ling Vlogs) cùng 3 đồng phạm.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định sản phẩm thực phẩm bổ sung Kera SuperGreens Gummies (thường được gọi là kẹo rau củ Kera) là sản phẩm của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, do Công ty CP Asia life sản xuất là hàng giả.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam đối với các cá nhân trong vụ án kẹo Kera. Ảnh: Bộ Công an
Trong thời gian từ 12/12/2024 đến ngày 19/3, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt đã bán ra thị trường 135.325 hộp. Mỗi hộp kẹo Kera có 30 viên, giá dao động 150.000 - 165.000 đồng. Như vậy ước tính với giá bán lẻ niêm yết ở mức 150.000 đồng/sản phẩm, Chị Em Rọt thu về hơn 20 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Điều đáng nói, sản phẩm kẹo rau củ Kera do Công ty CP Asia Life tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) sản xuất, được lan truyền với thông tin gây hiểu lầm về công dụng sản phẩm. Trên sóng livestream có hàng trăm nghìn người theo dõi, Quang Ling Vlogs quảng cáo “một viên thay thế một đĩa rau xanh”. Rồi trong phiên livestream bán kẹo rau củ Kera có sự tham gia của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, các thành viên truyền tay nhau khoe “giấy chứng nhận” chất lượng của sản phẩm và không quên nhấn mạnh “nhà không có gì ngoài giấy chứng nhận”.
Sản phẩm kẹo rau củ Kera được quảng cáo là bổ sung chất xơ và hướng đến đối tượng người lười hoặc kén ăn rau. Như ê kíp của Quang Ling Vlogs quảng cáo, mỗi người chỉ cần ăn 2 – 3 viên/ngày là đủ bổ sung chất xơ. Với độ phủ sóng lớn, có nhiều người biết đến và hâm mộ, Quang Ling Vlogs, Hằng Du Mục và còn có cả sự xuất hiện của hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo sản phẩm, rất nhiều người tiêu dùng đã theo dõi, tin tưởng và mua sản phẩm kẹo Kera.
Thế nhưng, khi các cơ quan chức năng kiểm tra và ghi nhận, việc quảng cáo nêu trên là thổi phồng công dụng. Theo điều tra, lực lượng chức năng phát hiện sản phẩm này chứa hơn 33% chất sorbitol, loại nguyên liệu sử dụng làm thuốc xổ. Trước đó, theo kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia báo cáo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện sản phẩm có chứa sorbitol là một chất tạo ngọt với hàm lượng 33,4 g/100g nhưng không có ghi trên nhãn sản phẩm theo quy định.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, sorbitol là hóa chất dạng chất lỏng màu trắng, không mùi, với vị ngọt, tan hoàn toàn trong nước, rượu. Sobiton thuộc nhóm phụ gia tạo vị ngọt, được phép sử dụng trong thực phẩm. Chất này còn có tác dụng tạo độ bóng và giữ độ ẩm cho thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sorbitol là một chất tạo vị ngọt không năng lượng, không gây béo nhưng cũng không có lợi cho sức khỏe. Đối với thực phẩm, người tiêu dùng nên ưu tiên các chất có lợi. Do đó, sorbitol không được khuyến khích sử dụng trong thực phẩm hàng ngày.
Bài học đắt giá cho sự lừa dối
Sau khi thông tin Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục bị bắt được công bố, rất nhiều người đã bày tỏ sự hụt hẫng, bất ngờ và tiếc nuối. Bởi cả hai đều đã xây dựng được hình tượng tốt đẹp trong mắt công chúng, được nhiều người tin tưởng, ủng hộ trong các hoạt động cộng đồng.
Hằng Du Mục, xuất phát điểm từ người livestream bán táo đỏ Tân Cương và xây dựng hình tượng một người phụ nữ đẹp, thành đạt, tự chủ với cuộc sống phiêu du nhiều người mơ ước, trong một thời gian ngắn bỗng vụt sáng trở thành “chiến thần livestream” với những phiên live “cháy hàng” nhanh chóng, thậm chí khi cô còn chưa giới thiệu xong về sản phẩm. Cái tên Hằng Du Mục cũng trở thành bảo chứng cho nhiều nhãn hàng khi thực hiện các chiến dịch truyền thông hay các phiên livestream bán hàng. Đặc biệt, Hằng Du Mục luôn ghi điểm khi luôn đứng về phía quyền lợi người tiêu dùng, thương thảo với nhãn hàng để người mua trên phiên livestream của cô nhận được mức giá ưu đãi nhất.
Kẹo rau củ Kera được quảng cáo thổi phồng công dụng.
Quang Linh Vlogs còn gây tiếc nuối hơn khi nhìn cả chặng đường dài vừa qua, nam vlogger sinh năm 1998 đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp cho người dân Angola cũng như các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam, truyền cảm hứng cho hàng triệu người hâm mộ. Nhiều người còn nói vui, Quang Linh Vlogs chính là “đại sứ văn hóa của Việt Nam tại Angola” khi anh không chỉ giúp bà con vùng nông thôn đất nước châu Phi xa xôi biết cách canh tác, trồng lúa, trồng ngô, nuôi dê, cải thiện cuộc sống mà anh còn đưa văn hóa đón Tết cổ truyền, vui Trung thu, tổ chức đám cưới, đám hỏi theo phong cách Việt Nam tới những bản làng châu Phi…
Thế nhưng, thật tiếc khi Quang Linh Vlogs bước chân vào con đường kinh doanh tại Việt Nam, anh đã mắc phải những sai lầm. Có thể thấy, việc sử dụng hình ảnh cá nhân để quảng cáo sai sự thật, không có sự kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng, thể hiện sự thiếu trách nhiệm, đạo đức làm nghề của người nổi tiếng như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục đối với cộng đồng. Họ đã lợi dụng lòng tin của người hâm mộ, người tiêu dùng, bất chấp tất cả để đạt được mục tiêu lợi nhuận lên, coi thường sức khỏe và quyền lợi của khách hàng.
Kênh YouTube “Quang Linh Vlogs - Cuộc Sống ở châu Phi” có hơn 4,1 triệu người đăng ký; trang Facebook cá nhân Quang Linh Vlogs của anh cũng có hơn 2,2 triệu người theo dõi; kênh TikTok của Hằng Du Mục có 4,8 triệu lượt theo dõi… Những con số này cho thấy tầm ảnh hưởng của Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục tới người hâm mộ cũng như công chúng nói chung, khi những sản phẩm được họ đại diện sản xuất và quảng cáo sai sự thật, chắc chắn tác động, hậu quả sẽ rất lớn.
Điều đáng nói, trước Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, không ít nghệ sĩ đã từng bị xử phạt, lên án vì quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật. Trước đây, các nghệ sĩ như Cát Tường, Quyền Linh, Hồng Vân, Kim Tử Long… cũng phải lên tiếng xin lỗi sau khi bị cộng đồng lên án vì quảng cáo thổi phồng công dụng một số loại sữa, thực phẩm chức năng…
Hậu quả, chính những người nổi tiếng ấy đã tự làm sụp đổ hình tượng, thành quả của mình gây dựng bấy lâu nay trong lòng công chúng. Hành vi này thể hiện sự xuống cấp đạo đức, tỷ lệ nghịch với những giá trị tốt đẹp vốn dĩ của một số người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội. Đây là “cái kết đắng” và cũng là bài học đắt giá cho sự trung thực và trách nhiệm, đạo đức trong kinh doanh của người nổi tiếng.
Cần chế tài xử lý mạnh tay hơn
Tuy nhiên, vụ việc của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong thị trường thực phẩm chức năng trực tuyến khi đây là “mảnh đất màu mỡ” với vô số chiêu trò lừa đảo.
Trong kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ VHTT&DL đầu năm 2025 có nêu rõ, cử tri bày tỏ quan ngại về tình trạng quảng cáo sai sự thật, thiếu kiểm soát trên mạng xã hội hiện nay và cho rằng công tác quản lý hoạt động này còn chưa hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, cử tri đề nghị cần bổ sung các quy định pháp luật cụ thể, chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn những tác động tiêu cực từ quảng cáo sai sự thật.
Cần xử phạt nặng việc quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội. Ảnh minh họa
Về vấn đề này, Bộ VHTT&DL cho biết, ngày 4/7/2024, Bộ VHTT&DL đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình số 350/TTr-CP trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 3/1/2025, Bộ VHTT&DL đã có Báo cáo số 03/BC-BVHTTDL gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Tại dự thảo Luật, nội dung “quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng” được quy định tại khoản 13, Điều 1; đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 23 về quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và Điều 23a quy định về quy trình, biện pháp quản lý Nhà nước đối với quy định hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường hợp KOLs hay nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có thể thu về hàng trăm triệu đồng thậm chí đến hàng tỷ đồng từ các chiến dịch quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội tuy nhiên chế tài xử lý còn chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng quảng cáo sai sự thật vẫn liên tục lặp đi lặp lại trong thời gian qua. Do đó, cần có hình thức xử phạt nặng hơn đối với các đối tượng này, thậm chí là tiến hành “cấm sóng” trên các nền tảng mạng xã hội, truyền hình hay cấm tham gia các sự kiện và nặng hơn, cần xử lý hình sự nếu các vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dùng cũng như xã hội. Có ý kiến còn đề nghị lập "danh sách đen" nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật để có biện pháp quản lý, răn đe.
Với người tiêu dùng, cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, xem xét sản phẩm có được chứng nhận lưu hành của các cơ quan chức năng hay không để tránh bị lừa bởi những quảng cáo sai sự thật. Đặc biệt, người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo quá đà bởi không có sản phẩm nào có thể “chữa bách bệnh” hay mang lại kết quả thần kỳ trong vài ngày.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, để tránh rơi vào “bẫy” của những quảng cáo thiếu căn cứ, mỗi người cần trở thành những người tiêu dùng thông thái, đừng để những lời quảng cáo hoa mỹ hay hình ảnh của người nổi tiếng trên mạng đánh lừa. Cẩn trọng và tỉnh táo là điều cần thiết khi đối mặt với những quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Sự chủ động và thông minh của người tiêu dùng chính là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và ví tiền của mình.
Trích dẫn
Trích dẫn 1
Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về an toàn thực phẩm (sửa đổi Luật An toàn thực phẩm 2010 và Nghị định hướng dẫn). Theo đó, Luật An toàn thực phẩm sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, hậu kiểm để nâng cao chất lượng; kiểm soát tính năng, công dụng, đảm bảo đúng bản chất sản phẩm, tránh quảng cáo quá mức công dụng sản phẩm thực phẩm chức năng.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Thiện Quang,Trần Thảo