Ngày 3-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng liên quan đến Công ty Cổ phần ASIA LIFE và Công ty Cổ phần tập đoàn Chị Em Rọt xảy ra tại TP. HCM và Đắk Lắk.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 5 người, trong đó có Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục).
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã xác định các bị can có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại Điều 193 và Điều 198 BLHS. Vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ.
Thông tin Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng đã làm dậy sóng dư luận. Công chúng đặc biệt quan tâm không chỉ vì cả hai là những nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng mạng, mà còn bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi của các bị can, liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng và sự thật trong quảng cáo sản phẩm.
Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng.
Hình phạt mà các bị can phải đối mặt
Những vấn đề mà công chúng quan tâm là: Vì sao 5 bị can này bị khởi tố về tội sản xuất hàng giả là thực phẩm và tội lừa dối khách hàng? Hình phạt mà các bị can có thể phải chịu ra sao?
Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Duy Binh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích:
Luật sư NGUYỄN DUY BINH
Theo quy định tại Điều 193 BLHS (tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm) thì người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm,… Mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Vậy thế nào là hàng giả? Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020 quy định hàng giả gồm:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa
Luật sư Binh phân tích thêm: Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng giả. Theo đó, hành vi này tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về hành vi phạm tội lừa dối khách hàng, hành vi này được quy định tại Điều 198 BLHS hiện hành. Theo đó, người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác… để thu lợi bất chính thì tùy mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù đến 5 năm...
Trong trường hợp này, các bị can biết sản phẩm là giả, không đạt chất lượng nhưng vẫn mua về, sau đó livestream, đưa ra các thông tin gây hiểu nhầm để lừa mua số lượng lớn nhằm thu lợi bất chính, ảnh hưởng đến niềm tin cũng như có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe của khách hàng.
Không ai đứng ngoài pháp luật, kể cả người nổi tiếng
Trước đó, Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục đã bị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ VH-TT&DL xử phạt vi phạm hành chính do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo, buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Công an tìm người đã bị lừa mua hàng
Để phục vụ công tác điều tra, xử lý triệt để vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra thông báo cho các cá nhân, tổ chức mua 135.325 hộp kẹo Kera biết, liên hệ với Cơ quan cảnh sát điều tra (Phòng 3 - C01, địa chỉ số 47 Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hoặc điều tra viên Lưu Thị Thanh Hiếu, SĐT 0904.58 28 82) để được hướng dẫn giải quyết theo quy định.
Trong thời đại số, sức ảnh hưởng của các KOLs, YouTubers lớn hơn bao giờ hết. Chỉ với một video, một bài đăng, họ có thể thuyết phục hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người tin tưởng vào một sản phẩm, dù sản phẩm đó chưa qua kiểm định. Họ dễ dàng quảng cáo sai sự thật, hoặc tệ hơn là hàng giả, hàng kém chất lượng, mà quên đi trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Trường hợp của Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục là ví dụ điển hình: họ quảng cáo sản phẩm "kẹo rau củ Kera" như một loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe, khiến người tiêu dùng hiểu lầm nghiêm trọng. Việc quảng cáo sai sự thật này có thể lừa được vài người chứ không thể lừa được cả xã hội.
Trong bối cảnh mà "mua hàng trên mạng dễ bị mua nhầm" như phản ánh của nhiều người, thì việc cơ quan chức năng khởi tố hình sự chính là bước đi mang tính răn đe mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc bảo vệ người tiêu dùng và lập lại trật tự trên không gian mạng.
Chúng ta đang sống trong một nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật nên các hành vi vi phạm sẽ luôn bị xử lý đúng theo quy định, cho dù bạn là ai, sức ảnh hưởng của bạn như thế nào. Dù là Youtuber, người truyền cảm hứng hay doanh nhân mạng xã hội, khi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe cộng đồng, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Khi người nổi tiếng quảng bá sai sự thật, họ không chỉ làm tổn hại lòng tin của công chúng, mà còn góp phần tiếp tay cho vi phạm pháp luật nếu sản phẩm gây hại cho sức khỏe. Vụ việc lần này có thể xem là “án điểm” mà pháp luật áp dụng biện pháp hình sự rõ ràng với hành vi lừa dối khách hàng của người nổi tiếng.
NGUYỄN CHÍNH