Những người nổi tiếng từng quảng cáo sai sự thật
Trước vụ việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố về tội phạm sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, hoa hậu, YouTuber, TikToker cũng từng bị người tiêu dùng phản ứng vì những quảng cáo thổi phồng, quảng cáo sai sự thật.
Tháng 6/2021, nghệ sĩ Hồng Vân quảng cáo một viên sủi thảo dược có công dụng chữa u xơ tử cung, gây hiểu nhầm về công dụng thực sự của sản phẩm. Sau khi bị chỉ trích, Hồng Vân đã lên tiếng xin lỗi, thừa nhận thiếu sót và khẳng định sẽ cẩn trọng hơn trong các phát ngôn quảng cáo.
Tháng 7/2021, Hoa hậu Mai Phương Thúy quảng cáo sản phẩm giảm cân có “tác dụng giảm mỡ nhanh chóng” gây tranh cãi khi Cục An toàn thực phẩm thu hồi giấy phép của sản phẩm. Cô đã lên tiếng xin lỗi khán giả, thừa nhận thiếu sót trong việc kiểm tra thông tin trước khi nhận lời quảng cáo.
Tháng 9/2023, nghệ sĩ Cát Tường tham gia quảng cáo một loại sữa có khả năng điều trị dứt điểm nhiều triệu chứng bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Trước phản ứng dữ dội từ công chúng, Cát Tường đã tổ chức buổi gặp gỡ truyền thông, thẳng thắn thừa nhận sai sót và gửi lời xin lỗi chân thành. Cô khẳng định không cố ý lừa đảo và mong khán giả cho cơ hội sửa sai.
Tháng 10/2023, kênh TikTok “Chuyện Nhà Linh Bí”, kênh này quảng cáo thạch canxi dành cho trẻ em mà không có chứng cứ xác thực về chất lượng hay xuất xứ, gây lo ngại cho các bậc phụ huynh.
Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố, bắt tạm giam về tội phạm sản xuất hàng giả và lừa dối khách hàng. Ảnh: Diệu Linh
Một ví dụ khác là MC Quyền Linh từng quảng cáo một thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị loét dạ dày với những lời lẽ thổi phồng công dụng. Sau khi nhận phản hồi tiêu cực, anh đã thẳng thắn thừa nhận sai sót, coi đây là bài học sâu sắc và hứa sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai.
Hay TikToker Yona Cươn (tên thật là Đinh Thị Cươn, sinh năm 2004) nổi tiếng với hơn 6 triệu người theo dõi trên TikTok. Cuối năm 2023, cô tham gia quảng cáo sản phẩm sữa tăng cân Yarmy, gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, Yona Cươn xuất hiện trong các video quảng cáo với trang phục trắng, nhún nhảy tại nơi được cho là nhà máy sản xuất sữa, gây nhầm lẫn và phản ứng tiêu cực từ người xem.
Sau phản ứng tiêu cực, Yona Cươn cũng đã lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng đã tin tưởng và sử dụng sản phẩm do cô quảng cáo. Cô thừa nhận thiếu sót trong việc kiểm tra thông tin sản phẩm và hứa sẽ cẩn trọng hơn trong tương lai...
Những vụ việc trên là lời nhắc nhở về trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc quảng cáo sản phẩm. Họ cần thận trọng, tìm hiểu kỹ về sản phẩm và cân nhắc trước khi nhận lời quảng cáo, để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến công chúng và uy tín cá nhân.
Bài học từ vụ khởi tố Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục
Có thể nói, trong thời đại bùng nổ công nghệ số, ai cũng có thể trở thành KOL, người nổi tiếng, từ nghệ sĩ, hoa hậu, YouTuber đến TikToker ngày càng chiếm sóng mạng xã hội với những màn quảng cáo rầm rộ. Nhưng đằng sau ánh hào quang, không ít cái tên đang tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng, thổi phồng công dụng, có thể gây hại cho sức khỏe cộng đồng.
Khi người có sức ảnh hưởng sử dụng danh tiếng để quảng bá thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm… người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng như lời khuyên từ chuyên gia. Nhưng họ không có chuyên môn y tế, càng không phải là người có trách nhiệm kiểm chứng độ an toàn của sản phẩm.
Mới đây nhất là vụ việc, ngày 4/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục có dấu hiệu tội phạm sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng, theo quy định tại điều 193 và điều 198 Bộ Luật hình sự đã trở thành tâm điểm của dư luận.
Cả 2 KOL này đã phát ngôn không căn cứ khoa học như “1 viên kẹo bằng cả đĩa rau” để tạo ra ấn tượng sai rằng sản phẩm có thể thay thế hoàn toàn rau xanh trong khẩu phần ăn của người tiêu dùng.
Bởi, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs là các nhân vật có ảnh hưởng lớn với cộng đồng hàng triệu người theo dõi, đặc biệt trong môi trường số. Họ có vai trò định hướng hành vi tiêu dùng, vì vậy, phát ngôn không đúng sự thật gây hệ lụy lớn hơn so với quảng cáo từ doanh nghiệp. Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục sẽ phải đối diện với những hình phạt về các hành động sai lầm của mình trong quảng cáo. Mặc dù họ đã xin lỗi nhưng hình ảnh của họ trong lòng công chúng đã bị tổn thương sâu sắc.
Đây là bài học cho tất cả người nổi tiếng về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi quảng cáo, đồng thời là lời nhắc nhở cho người tiêu dùng trong việc cẩn trọng với các thông tin quảng cáo.
Các chuyên gia truyền thông và pháp lý cho rằng, đây là thời điểm cần siết chặt quản lý nội dung quảng cáo, đặc biệt trên nền tảng số như TikTok, Facebook, YouTube… Đồng thời, người tiêu dùng cần kiểm tra nguồn gốc, thành phần và giấy phép của sản phẩm trước khi mua và lên tiếng, báo cáo khi phát hiện quảng cáo có dấu hiệu sai phạm.
Hạ Vy