Từ vụ sản xuất sữa giả: Doanh nghiệp cần tránh điều gì?

Từ vụ sản xuất sữa giả: Doanh nghiệp cần tránh điều gì?
2 ngày trướcBài gốc
Theo kết quả điều tra ban đầu, đường dây này đã sản xuất sữa giả trong thời gian dài, nhắm vào nhóm đối tượng tiêu dùng dễ tổn thương như trẻ em và người bệnh. Tổng doanh thu bất chính ước tính gần 500 tỷ đồng. Không chỉ vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh hàng giả là thực phẩm, các đối tượng còn hợp thức hóa dòng tiền, gian lận kế toán và có dấu hiệu trốn thuế, rửa tiền.
Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty Luật TAT nhận định: "Hành vi này có thể bị truy cứu theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, nếu đủ căn cứ, các đối tượng còn có thể bị xử lý thêm các tội danh như trốn thuế, vi phạm kế toán, rửa tiền".
Vụ việc cho thấy một thực tế đáng báo động: Chỉ một hành vi sai lệch trong quản lý sản phẩm cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng và đẩy cả hệ thống doanh nghiệp vào vòng lao lý.
Luật sư Trương Anh Tú (người đứng). Ảnh:NVCC
Theo luật sư Trương Anh Tú, các doanh nghiệp sản xuất thường có ba nhóm rủi ro pháp lý trong quá trình vận hành, cụ thể là:
Chất lượng hàng hóa: Nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn công bố, quảng cáo sai sự thật hoặc không đảm bảo an toàn – dù không có yếu tố cố ý – vẫn có thể bị xử lý về hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả.
Chuỗi phân phối liên đới: Các đại lý, nhà thuốc, siêu thị, chuỗi cung ứng nếu không kiểm soát rõ ràng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm có thể trở thành đối tượng liên quan trong quá trình điều tra, truy tố.
Vi phạm tài chính – kế toán: Báo cáo sai lệch, gian lận dòng tiền, "lách" thuế hay chi phí ảo đều là những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trương Anh Tú chia sẻ, doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ quy trình công bố, quảng cáo, phân phối – đặc biệt với sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng; Thiết lập bộ phận kiểm soát tuân thủ nội bộ, phối hợp giữa pháp chế, kế toán và điều hành và nên tham vấn luật sư định kỳ để cập nhật các rủi ro tiềm ẩn, điều chỉnh kịp thời.
"Câu nói 'sai một ly, đi một đời' không chỉ mang tính đạo lý, mà còn phản ánh chính xác hậu quả pháp lý. Doanh nghiệp và người lãnh đạo không nên đánh cược tương lai bằng sự chủ quan hay những tính toán ngắn hạn", luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh
Pháp luật không chỉ xử lý khi vi phạm xảy ra, mà còn là công cụ để doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro và phát triển bền vững. Việc chủ động xây dựng nền tảng quản trị pháp lý vững chắc không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại và trưởng thành trong môi trường ngày càng siết chặt về pháp lý và đạo đức kinh doanh.
T.Sơn
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tu-vu-san-xuat-sua-gia-doanh-nghiep-can-tranh-dieu-gi-169250417144805819.htm