Từ vụ sữa giả, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất giải pháp 'vá' kẻ hở pháp lý

Từ vụ sữa giả, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất giải pháp 'vá' kẻ hở pháp lý
4 giờ trướcBài gốc
Ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt nhiều đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Lực lượng chức năng đã thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa. Bước đầu cơ quan điều tra xác định 12 loại sản phẩm là sữa giả (giả chất lượng), 72 sản phẩm khác đang được điều tra.
Xung quanh việc quyền lợi của người tiêu dùng bị vi phạm nghiêm trọng, khi dùng “tiền thật” để mua… “sữa giả”, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Theo ông Vũ Văn Trung, khi biết thông tin có hàng trăm loại sữa giả với quy mô cực kỳ lớn đã bị tuồn ra thị trường trong suốt 4 năm qua, ông rất sốc và bức xúc.
"Điều đó (sản xuất sữa giả - PV) thật kinh khủng, nó gây ra nguy cơ bệnh tật cho trẻ em, người già, người đang điều trị bệnh”, ông Trung bức xúc.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng việc cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm như hiện nay "chưa ổn", tạo kẽ hở cho những đối tượng kinh doanh gian dối sản xuất hàng giả. Vì vậy, cần điều chỉnh bỏ quy định này.
- Như ông đã đề cập, sữa giả được sản xuất, tiêu thụ ra thị trường trong suốt 4 năm qua mới bị phát hiện, triệt phá cho thấy có “kẽ hở” về mặt pháp lý và trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Ông có thể nói rõ vấn đề này?
- Qua vụ việc phát hiện sữa giả chúng ta rút ra được bài học, đó là quy định không chặt chẽ trong việc công bố sản phẩm sẽ gây hậu quả rất lớn cho người tiêu dùng và xã hội. Việc quy định cho tổ chức, cá nhân sản xuất sữa, thực phẩm chức năng tự công bố sản phẩm mà không theo tiêu chuẩn và không thực hiện tiền kiểm thể hiện quy định không chặt chẽ, thậm chí là sai. Bởi điều này vô hình chung đã tạo điều kiện quá dễ dàng cho những tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa, thực phẩm chức năng giả tung ra thị trường khối lượng hàng giả khổng lồ như vụ việc mà lực lượng Công an đã triệt phá vừa qua.
Vì vậy, chúng ta phải xem lại quy định về việc để tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm liệu đã đúng hay chưa? Đồng thời đưa ra những chế tài xử phạt thật nghiêm khắc, nghiêm minh với hành vi làm giả sản phẩm. Tôi cho rằng nên bổ sung vào Bộ Luật hình sự tội sản xuất, kinh doanh sữa giả. Quan điểm của tôi là điều này cần được quy định theo hướng “thuốc đắng dã tật”.
Tôi cũng nhấn mạnh ở đây các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc nhiều hơn, quyết liệt hơn, thường xuyên hơn để phát hiện ra các mặt hàng giả, nhất là đối với các sản phẩm là thực phẩm - ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, khi người tiêu dùng phát hiện hàng giả, hãy lên tiếng. Hội của chúng tôi rất coi trọng vấn đề này, bởi vì khi người tiêu dùng lên tiếng thì Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước mới nắm được thông tin để vào cuộc.
Thực tế hàng hóa rất nhiều nếu người tiêu dùng vẫn im lặng khi biết mình sử dụng hàng giả thì dẫn đến Hội và các cơ quan quản lý Nhà nước không tiếp nhận được những phản ánh để vào cuộc. Thứ nữa là những kẻ làm giả lại càng được đà, càng lấn tới thì hậu quả lại càng lớn hơn.
Tôi cũng mong toàn xã hội hãy lên tiếng khi phát hiện có hàng giả, các bộ tích cực vào cuộc chống hàng giả, đặc biệt tôi mong Bộ Công an vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để phát hiện ra những trường hợp làm giả sản phẩm khác (nếu có).
- Hiện nay, đối với việc quảng cáo sữa, có sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng, trong đó có cả diễn viên, MC truyền hình hoặc những người có danh tiếng trong ngành y. Theo ông, chúng ta cần có cơ chế quản lý việc quảng cáo sữa, các thực phẩm chức năng như thế nào?
- Hội chúng tôi đã rất nhiều lần phản đối và đã có những kiến nghị lên các cơ quan để xem xét các trường hợp này bởi làm như vậy là gây nguy hại cho người tiêu dùng và thể hiện sự “bát nháo” trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi đã có những văn bản kiến nghị gửi các cơ quan quản lý Nhà nước để xem xét đưa vấn đề này vào nền nếp.
Theo tôi, cũng cần có quy định rõ về việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo sữa và thực phẩm nói chung. Muộn còn hơn không. Bây giờ, cần có quy định rõ về vấn đề này, những người quảng cáo những sản phẩm như vậy có trách nhiệm như thế nào, quảng cáo sai thì sẽ như thế nào? Và cao nhất, nếu gây hậu quả nặng nề thì sẽ xử lý hình sự.
Rất nhiều biện pháp tổng hợp lại được thực hiện thì dần dần thì thị trường sản xuất, kinh doanh mới đi vào nền nếp; người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trở nên nghiêm túc, đứng đắn thì người tiêu dùng đỡ bị thiệt hại, rủi ro trong tiêu dùng hàng ngày và giảm được nhiều mối nguy hại cho xã hội.
- Đối với vụ việc phát hiện sữa giả lần này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang triển khai những giải pháp như thế nào để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thưa ông?
- Việc đầu tiên chúng tôi làm đó là tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng là hãy cảnh giác đối với những sản phẩm đã được công bố là hàng giả.
Thứ hai là phải lắng nghe tham khảo ý kiến, trước hết là của những người xung quanh trong chuyện có nên mua hay không mua các sản phẩm.
Thứ ba là thường xuyên theo dõi tin tức, thông tin từ các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương về các vấn đề về hàng giả để có thông tin, kiến thức đầy đủ hơn để tránh xa những sản phẩm hàng giả.
Hàng ngàn hộp sữa bột giả lưu hành trên thị trường.
Chúng tôi cũng khuyến cáo người tiêu dùng ở các tỉnh, thành phố thường xuyên thông tin cho nhau để cùng biết thông tin và cùng tránh sử dụng các sản phẩm hàng giả.
Đối với việc tuyên truyền bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố, hiện nay bà con đều rất hoan nghênh. Chúng tôi cũng yêu cầu các Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở 63 tỉnh, thành vào cuộc nhanh hơn, nhiều hơn và thường xuyên hơn để giúp cho người tiêu dùng được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Chúng tôi tuyên truyền từ Trung ương Hội xuống đến các Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở các tỉnh, thành, từ các Hội ở tỉnh, thành xuống tận các xã, phường. Chúng tôi tuyên truyền chủ yếu qua loa phóng thanh ở các thôn, xóm vào sáng sớm và từ khoảng 5h chiều trở đi để tuyên truyền cho bà con về các thông tin chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đối với trường hợp sữa giả lần này, chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Bộ Công Thương để góp thêm tiếng nói bảo vệ cho quyền lợi của người tiêu dùng.
- Qua vụ việc sữa giả lần này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam có những kiến nghị gì đối với cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông?
- Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại các quy định pháp lý về sữa như thế nào? Những nội dung nào không còn phù hợp hoặc còn thiếu thì đề nghị sửa đổi bổ sung. Bộ Y tế cũng cần vào cuộc trong việc tiền kiểm, hậu kiểm các sản phẩm thuộc chuyên ngành quản lý, không để việc tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm tự công bố sản phẩm. Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi quy định về tự công bố sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng theo hướng quy định tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Song hành với đó, Bộ Công Thương với lực lượng Quản lý thị trường hùng hậu được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương tới các địa phương cần vào cuộc kịp thời và mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để tạo thành mạng lưới rộng khắp, ngăn chặn và xử lý theo đúng pháp luật, tiến tới triệt tiêu sữa giả, thực phẩm chức năng giả và thuốc chữa bệnh giả, vì mục tiêu cao cả là an toàn sức khỏe, tính mạng của trẻ em, người bệnh, người già và cả cộng đồng người tiêu dùng nói chung.
Tôi cũng rất mong người tiêu dùng cả nước có nhận thức đúng đắn và đồng lòng thực hiện các việc sau: Tuyệt đối không mua hoặc để trẻ em, người bệnh, người già sử dụng các sản phẩm là hàng giả đã bị lực lượng Công an phát hiện, triệt phá.
Khi phát hiện sữa giả, thực phẩm chức năng giả và thuốc chữa bệnh giả, người tiêu dùng không những không mua những sản phẩm giả này mà phải thông báo cho những người tiêu dùng khác cùng biết và lên tiếng để mọi người và các cơ quan chức năng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng biết và tiến hành các biện pháp hỗ trợ cần thiết.
Tôi cũng rất mong Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Chi Hội, Tổ Hội bảo vệ người tiêu dùng ở các xã, phường cùng vào cuộc nhanh hơn, tích cực hơn để giúp người tiêu dùng tránh xa được sữa giả, thực phẩm chức năng giả, thuốc chữa bệnh giả cũng như các sản phẩm hàng giả khác.
- Xin cảm ơn ông!
Bảo Trâm
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/tu-vu-sua-gia-pho-chu-tich-hoi-bao-ve-nguoi-tieu-dung-de-xuat-giai-phap-va-ke-ho-phap-ly-post184905.html