Ngày 10-4, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố, bắt tạm giam TikToker Mai Văn Dưỡng (Dưỡng Dướng Dường) vì đăng video xuyên tạc, xúc phạm danh dự người khác, vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, tài khoản “Nhật Hải Biết Tuốt” bị phạt 7,5 triệu đồng vì phát ngôn sai lệch về TP.HCM; còn TikToker “Nờ Ô Nô” bị xử phạt 30 triệu đồng vì nội dung thiếu chuẩn mực, xúc phạm hình ảnh lãnh tụ.
Việc cơ quan chức năng nhanh chóng xử phạt những người vi phạm giúp cảnh tỉnh cho người dùng mạng xã hội.
Tự do không phải tùy tiện
“Trong thời đại số, mạng xã hội trở thành một phần quan trọng của đời sống con người. Việc phát ngôn tùy tiện, xuyên tạc sự thật hay xúc phạm người khác không thể được bao biện bằng lý do “chỉ là mạng thôi”. Tôi cho rằng việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật là cần thiết để làm sạch không gian mạng, bảo vệ cộng đồng mạng và quan trọng hơn là để xác lập ranh giới rõ ràng giữa quyền tự do ngôn luận và hành vi vi phạm pháp luật” - bạn đọc Dương Linh.
“Nhiều người nghĩ đơn giản “đăng lên mạng thì vô hại”, “nói cho vui thôi mà”. Chính suy nghĩ ấy đã khiến họ thoải mái tung tin sai lệch, bôi nhọ người khác, thậm chí là cố tình xuyên tạc để gây chú ý. Nhưng mạng xã hội không phải là chốn vô hình bởi mỗi phát ngôn, hình ảnh, clip lan truyền đều có thể gây hậu quả thật - cả về tinh thần, uy tín lẫn pháp lý. Tôi tin rằng một xã hội văn minh cần đi kèm với đạo đức số” - bạn đọc Thúy Vy.
“Thực tế cho thấy không ít người đã “đưa miệng đi chơi xa” mà quên mất rằng mọi hành động đều có giới hạn. Việc cơ quan chức năng xử phạt, khởi tố những hành vi phát ngôn lệch chuẩn là lời nhắc rõ ràng rằng mạng xã hội không phải là nơi để thử thách pháp luật hay xem thường đạo đức cộng đồng” - bạn đọc Phạm Khang.
Nhiều TikToker bị xử phạt vì phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội.
Quyền lợi phải đi kèm nghĩa vụ
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí và các quyền tự do dân chủ khác. Công dân có thể thông qua báo chí, trang mạng xã hội để thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình phải không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước. Nếu xâm phạm quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước thì đó lại là hành vi vi phạm pháp luật” - LS Thảo nhấn mạnh
LS Thảo chia sẻ, thời gian qua TikToker Dưỡng Dướng Dường đã nhiều lần livestream trên mạng xã hội với nội dung sử dụng ngôn từ mang tính xúc phạm, nhục mạ người khác. TikToker này lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân và tính lan tỏa của mạng xã hội để chia sẻ thông tin đời tư của người khác mà không kiểm chứng, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức hay Nhà nước là vi phạm pháp luật. Điều luật này thể hiện rõ nguyên tắc: quyền tự do phải đi kèm với trách nhiệm, và mọi cá nhân, tổ chức - kể cả cơ quan nhà nước - đều phải tuân thủ pháp luật.
Đáng chú ý, luật không yêu cầu mức độ “xâm phạm nặng” mới bị coi là phạm tội, chỉ cần có hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác là đã đủ yếu tố cấu thành. Mức án cao nhất cho tội danh này có thể lên tới 7 năm tù.
Trong bối cảnh các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người dân có thể sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều để biểu đạt tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mình. Tuy nhiên cần phải hết sức thận trọng để tránh việc vì quyền tự do dân chủ của mình mà lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác hay tổ chức hoặc của Nhà nước.
Mạng xã hội không phải “vùng đất vô pháp”
Quyền tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân; nhưng giống như các quyền khác, việc thực hiện quyền này phải tuân thủ pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Mạng xã hội lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi sử dụng: không lan truyền tin giả, chưa được xác thực; tuyệt đối tránh xúc phạm, bôi nhọ danh dự người khác dưới bất kỳ hình thức nào như lời lẽ miệt thị, cà khịa, hình ảnh gán ghép hay video chế nhạo.
Bên cạnh đó, không đăng tải các nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; không kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo; không công kích cá nhân, dùng lời lẽ thô tục khi tranh luận và tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân của người khác khi chưa được phép.
Đặc biệt, không nên lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn gây tranh cãi nhằm thu hút sự chú ý hay nổi tiếng bằng mọi giá. Tự do ngôn luận không đồng nghĩa với “muốn nói gì thì nói”, mà phải đi kèm trách nhiệm cá nhân, đạo đức xã hội và sự hiểu biết pháp luật. Hãy luôn “gõ phím bằng lý trí, chia sẻ bằng trái tim và chịu trách nhiệm bằng chính mình”.
ThS TRẦN XUÂN TIẾN, Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến
THẢO HIỀN - HUỲNH THƠ