Từ vụ tranh chấp tài sản của cố diễn viên Đức Tiến: Người Việt Nam có thể lập di chúc ở nước ngoài?

Từ vụ tranh chấp tài sản của cố diễn viên Đức Tiến: Người Việt Nam có thể lập di chúc ở nước ngoài?
một ngày trướcBài gốc
Như PLO đã đưa tin, TAND TP.HCM đang thụ lý và tiến hành các bước tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp thừa kế tài sản giữa vợ và mẹ của của ông Hoàng Đức Tiến (cố diễn viên Đức Tiến).
Trong vụ kiện này, phía vợ của cố diễn viên khởi kiện cho rằng chồng đã lập di chúc tại Mỹ để giao tài sản nhà, đất ở Việt Nam cho cô. Phía mẹ của cố diễn cho rằng, di chúc này được công chứng ở Mỹ nhưng không phù hợp pháp luật Việt Nam và đề nghị tòa án không công nhận.
Từ vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc rằng người Việt Nam ở nước ngoài có thể lập di chúc phân chia tài sản ở Việt Nam được không?
Ảnh minh họa.
Ths Nguyễn Đức Hiếu - Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM cho biết, căn cứ theo BLDS hiện hành thì người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình tại Việt Nam.
Theo Khoản 5 Điều 638 BLDS, di chúc bằng văn bản được lập ở nước ngoài sẽ có giá trị pháp lý nếu được cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại chứng nhận.
Nghĩa là người Việt Nam ở nước ngoài có thể lập di chúc bằng văn bản và thực hiện thủ tục chứng nhận tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại. Khi này di chúc của người nước ngoài sẽ có giá trị như di chúc được công chứng.
Di chúc có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, theo Điều 630 BLDS, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép. Nội dung di chúc không được vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội, đồng thời hình thức di chúc cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với di chúc của người từ 15 đến dưới 18 tuổi, cần lập thành văn bản và có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp di chúc được lập bởi người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ, thì cần có sự chứng kiến của người làm chứng, và phải được công chứng hoặc chứng thực.
Di chúc bằng văn bản không có công chứng hay chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Về nội dung, di chúc phải có nội dung không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Cụ thể, Điều 631 BLDS quy định, di chúc phải bao gồm ngày, tháng, năm lập di chúc; họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; họ, tên của người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; và di sản để lại cùng với nơi có di sản. Ngoài ra, còn có thể chứa thêm các thông tin khác.
Đặc biệt, di chúc không được viết tắt hoặc sử dụng ký hiệu; nếu di chúc có nhiều trang, thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trong trường hợp di chúc có sự tẩy xóa hoặc sửa chữa, người tự viết di chúc hoặc người làm chứng cần ký tên bên cạnh các chỗ đã tẩy xóa hoặc sửa chữa.
Theo Điều 643 BLDS, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế, tức là khi người để lại di sản qua đời.
"Trên đây là những quy định chung của pháp luật về việc lập di chúc. Đối với di chúc của cố diễn viên Đức Tiến có giá trị ra sao thì tòa án sẽ dựa vào các quy định của luật để ra phán quyết", ThS Hiếu nói.
SONG MAI
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/tu-vu-tranh-chap-tai-san-cua-co-dien-vien-duc-tien-nguoi-viet-nam-co-the-lap-di-chuc-o-nuoc-ngoai-post840960.html