Từ xếp hàng đặt chỗ đến mua hàng qua mạng

Từ xếp hàng đặt chỗ đến mua hàng qua mạng
4 giờ trướcBài gốc
Thời bao cấp, mọi người muốn mua hàng Tết thường phải xếp hàng, mua bằng tem phiếu (Ảnh tư liệu của TTXVN)
Một thời tem phiếu
Tôi sinh ra đầu thập niên 80 nên trong ký ức, hình ảnh mẹ tôi dậy sớm, len vào dòng người xếp hàng mua sắm Tết thật khó phai. Hàng hóa thời đó rất khan hiếm và theo chế độ phân phối, tất cả các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm đều được quy định trong tem phiếu.
Bình thường xếp hàng giữ chỗ đã khó, vào những ngày áp Tết thì người xếp hàng càng đông và mua hàng càng khó hơn. Nhà nào cũng phải đi xếp hàng từ 3–4 giờ sáng để mua theo tiêu chuẩn Tết. Mẹ tôi cũng vậy.
Túi hàng Tết mẹ mang về bao giờ cũng có hộp mứt thập cẩm với ít kẹo trứng chim, mứt dừa màu hồng, xanh, vàng, trắng, mứt cà rốt đóng trong chiếc hộp hình lục giác, xung quanh có dòng chữ “Chúc mừng năm mới”; gói chè, bao thuốc, chai rượu chanh, gói kẹo, măng, miến, đậu xanh và gạo nếp để gói bánh chưng và bánh pháo, mỗi thứ một ít.
Những thứ đồ để được lâu như miến, măng, đường, mứt… thì mua từ trước Tết khoảng nửa tháng, còn lá dong, lạt gói bánh... thì chỉ mua trước Tết một tuần. Đặc biệt là thịt lợn, do không để được lâu nên từ ngày 27 tháng chạp mọi người mới bắt đầu tập trung xếp hàng mua thịt. Trong mấy ngày từ ngày 27 đến ngày 30 Tết, cửa hàng nào cũng chật cứng người xếp thành hàng dài.
Một cửa hàng bán đồ Tết ở Hà Nội thời bao cấp (ảnh tư liệu của TTXVN)
Bà Nguyễn Thị Thúy, cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh đã nghỉ hưu ở phố Kim Sơn, phường Tân Bình kể: “Thời bao cấp cái gì cũng thiếu nên việc chuẩn bị Tết rất công phu. Bắt đầu từ tháng chạp, các cơ quan đã phải cử người xuống các địa phương liên hệ để mua thêm lợn, gạo nếp, cả miến, măng, lá dong... về chia cho cán bộ, công nhân viên. Thành ra những người làm công tác công đoàn như tôi thường có rất nhiều việc. Chúng tôi phải mổ lợn, chia gạo, chia lá rồi đem đến cho từng gia đình”. Bởi những kênh riêng như thế nên cơ quan nào có quan hệ mật thiết với các địa phương thì khẩu phần Tết sẽ phong phú hơn.
Sản xuất số, giao thương số
Anh Phạm Tiến Dư, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Kim Thành thường quảng cáo sản phẩm của hợp tác xã trên kênh TikTok “Mắm cáy Hải Dương”. Ảnh: MINH NGUYỆT
Năm 1986, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, việc sản xuất, kinh doanh thông thoáng.
“Quả ngọt” của quá trình hiện đại hóa nền kinh tế là bây giờ chỉ cần ngồi nhà, nhấp chuột hoặc bấm điện thoại thông minh là đã có những giỏ hàng đủ đầy. Kinh tế số không còn là khái niệm mà đã len lỏi trong các hoạt động giao thương.
Dịp Tết Ất Tỵ, Công ty TNHH Long Hải ở TP Hải Dương sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1,7 triệu thùng sản phẩm thạch (tương đương 12.000 tấn), tăng 15% so với Tết Giáp Thìn 2024. Hiện công ty đã lắp đặt và đưa dây chuyền sản xuất thạch kem tươi vào sản xuất với công suất khoảng 4 tấn/ngày.
Bên cạnh đầu tư cho sản phẩm, Long Hải chú trọng đẩy mạnh quảng bá tới người tiêu dùng. Công ty đàm phán ký kết với các chuỗi và hệ thống lớn như Coopmart, Bách Hóa Xanh, Go, Winmart để đưa sản phẩm vào phục vụ trong các hệ thống này. Việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… cũng được thúc đẩy đầu tư.
Tết này, người tiêu dùng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cài ứng dụng Thạch Long Hải là có thể mua được toàn bộ sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất, với tiến độ giao hàng nhanh chóng kèm theo nhiều ưu đãi, tiện lợi.
Những video ngắn mà anh Phạm Tiến Dư phát trên tài khoản Tiktok “Mắm cáy Hải Dương” đã trở thành xu hướng chỉ trong một thời gian ngắn.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Kim Thành, để thúc đẩy doanh số, anh Dư mày mò tự học cách quay video, chào bán sản phẩm của mình trên Facebook, Fanpage, Zalo, TikTok.
Sở Công thương tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp, các hộ kinh doanh về bán hàng qua mạng. Ảnh: HUYỀN TRANG
Ngoài quảng bá mắm cáy Hải Dương (sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã Nông sản sạch Kim Thành đã được công nhận OCOP 3 sao), hợp tác xã còn là đầu mối cung cấp các mặt hàng thịt sạch, các món ăn dân dã theo mùa như rươi, cà ra… Mùa nào thức ấy, anh Dư đều sản xuất các video quảng bá cho sản phẩm của mình. Nhờ vậy, các kênh mạng xã hội hiện là kênh giao dịch chủ lực của hợp tác xã.
Bán hàng bằng cách quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội, tham gia các sàn thương mại điện tử là hình thức phổ biến thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, và nhiều nông dân tại Hải Dương tham gia mà công ty Long Hải hay Hợp tác xã Nông sản sạch Kim Thành là những ví dụ.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng ngày càng phổ biến. Ảnh: THÀNH CHUNG
Hải Dương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại. Duy trì các ứng dụng phục vụ phát triển thị trường thương mại điện tử như: bản đồ trực tuyến Điểm bán hàng Việt; sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh; phần mềm thu thập và quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu của tỉnh…
Người dân giờ đây chỉ cần ngồi nhà, tìm hiểu thông tin, lựa chọn sản phẩm và bấm nút là có thể đặt hàng. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng trở nên phổ biến. Theo Sở Công thương, trong 11 tháng năm 2024, tổng doanh thu bán hàng thông qua thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh ước đạt 4.500 tỷ đồng (năm 2023 là 4.070 tỷ đồng).
Theo báo cáo kết quả giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh ước đạt 17,5% (số liệu do Bộ Thông tin và Truyền thông ước đạt năm 2023).
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh hiện có 323 doanh nghiệp công nghệ số; 77 doanh nghiệp nền tảng số; 2026 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận, tham gia chương trình SMEdx25 (chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số)...
Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 95%. Số giao dịch trên sàn thương mại điện tử của Hải Dương đứng thứ 7/63 toàn quốc. Doanh thu tại các kho ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 6; sản lượng bán tại các kho ở Hải Dương trên sàn thương mại điện tử đứng thứ 4 toàn quốc.
45% số hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh; trên 70% hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện giao dịch điện tử trong các hoạt động về tài chính; trên 50% thành viên hợp tác xã có tài khoản thanh toán điện tử…
MAI LIÊN
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/tu-xep-hang-dat-cho-den-mua-hang-qua-mang-401001.html