Có lẽ Hồ Xuân Hương là người sớm nhất đưa ngôn ngữ đối thoại vào thơ trào phúng nhưng chưa thật rõ. Đến Nguyễn Khuyến đã cụ thể hơn nhưng cũng chỉ “một giọng”. Phải đến Tú Xương mới rõ hẳn với lời thơ có hai/nhiều bè giọng hẳn hoi, có trao đổi, tranh biện, cật vấn, tiến lui… tạo cho tác phẩm là “vũ đại vật lộn của hai/nhiều giọng”.
Thế giới thơ Tú Xương là thế giới của giọng, đa thanh, “phức điệu”. Đây là dấu hiệu rõ nhất về tính hiện đại của thơ để tôn vinh nhà thơ là người mở đầu đưa ngôn ngữ đối thoại vào thơ, cũng là người thành công nhất. Trong lời người kể có sự tham gia của lời kẻ khác, có khi không cụ thể, một phiếm chỉ “người ta” nào đó: “Tôi thấy người ta vẫn bảo rằng…” (Gái góa nhà giàu). Có khi là nhân vật thực tế: “Ấm Kỷ này đây tớ bảo này/ Cha con mày phải cái này cay!” (Chửi cậu ấm). Bài thơ có giọng của “tớ” thân mật suồng sã nói với ấm Kỷ, ẩn trong giọng “tớ” là giọng người khác “chửi” ấm Kỷ…
Đối thoại Tú Xương vượt qua đối đáp trữ tình điệu ngâm trong ca dao để gần với trữ tình điệu nói ngoài đời. Chỉ một lời xuất hiện nhưng vẫn mang tính đối thoại rất rõ: “Người đói, ta đây cũng chẳng no/ Cha thằng nào có tiếc không cho” (Thề với người ăn xin) nhưng vẫn hình dung rõ lời của chủ thể đối diện với người khác (người ăn xin). Câu đầu nêu hoàn cảnh “ta” với giọng chia sẻ ngậm ngùi đồng cảm. Câu sau có một giọng nổi mang chức năng thanh minh: ta có tiếc đâu, vì không có thôi; nhưng giọng chìm lại hướng tới đối tượng khác: “Cha thằng nào có tiếc không cho”. Tức chửi bọn giàu có mà keo kiệt! Đây là hiện tượng “phức điệu” giọng trong giọng cùng vang lên, xung đột nhau, không đồng hướng trong một lời.
Có đối thoại giữa lời gián tiếp và trực tiếp: “Mợ bảo vần tây chẳng khó gì/ Cho tiền đi học để chờ thi/ Thôi thôi lạy mợ xanh căng lạy/ Mả tổ tôi không táng bút chì!” (Không học vần tây). Có thể “thông diễn” bài thơ thành cấu trúc một vở kịch ngắn: vợ khuyên chồng, cho tiền chồng đi học “vần tây”; chồng xin “lạy” với lý do: “Mả tổ tôi không táng bút chì!”. Nhưng giọng “mợ” là gián tiếp để một giọng “tôi” nổi lên, làm chủ. “Tôi” kể với độc giả về nội dung câu chuyện lại như “giải trình” với “mợ”. Đây là hiện tượng một giọng nhưng hướng tới hai đích.
Có trường hợp tuy bề ngoài một giọng nhưng lại có xu hướng mời gọi những giọng khác “đồng hướng” cùng tham gia, đồng cảnh, đồng cảm: “Chị hỡi chị, năm nay túng lắm/ Biết làm sao, Tết đến nơi rồi” (Tết cô đầu). Cuối bài những giọng này “chụm” lại thể hiện một sự “đoàn kết nhất trí”: “Chị em ta cùng nhau giữ giá/ Đến bây giờ ngã cả chẳng ai nâng/ Cũng liều bán váy chơi xuân…”. Đúng là không phân biệt được giọng của một ai mà là giọng chung của những kẻ chung hoàn cảnh “cùng hội cùng thuyền”.
Cuối cùng là chung sự phẫn uất, chua chát, khốn cùng: “Cũng liều bán váy chơi xuân”. Dân gian dùng khẩu ngữ thông tục “bán váy ăn chơi” diễn tả tình trạng khốn khổ trơ trẽn thảm hại đến mức liều lĩnh cố cùng. Bài thơ đắt nhất ở hai chữ “bán váy” này, đúng cả nghĩa đen nghĩa bóng! Muốn có giọng riêng phải kỳ công “thôi xao” chọn chữ là vậy!
Lại có trường hợp ba giọng đan bện vào nhau làm thành một bè bình luận. Mẹ vợ thông dâm với con rể rồi có con được miêu tả ở hai câu thực đầy sự dở dang, tiếc nuối, ngán ngẩm: “Chép miệng bà nuôi to cái dại/ Phờ râu ông rể ẵm con so”. Hai câu luận: “Cắm sào sâu quá nên thêm khổ/ Néo chặt dây vào hóa phải lo” (Mẹ vợ với chàng rể) thì đúng với cả hai nhân vật, cả hai đều đủ tư cách làm chủ giọng ấy. Người kể cám cảnh cho tình thế dở khóc dở cười mà cũng an ủi bằng cái giọng “chia sẻ” này. Thậm chí còn giọng thứ tư cũng tham gia vào “bè đồng giọng” là giọng dân gian, bởi nó thoát thai từ tục ngữ: “Cắm sào sâu khó nhổ” và “Già néo đứt dây”. Nhưng giọng này “xa vắng” và “mở” hơn, như mời gọi thêm các giọng đồng hướng khác cùng nhập vào, để cùng bàn tán, hài hước, giễu cợt, mỉa mai...
Tính hiện đại của thơ Tú Xương trước hết là nhờ tạo ra giọng điệu đa dạng, mới mẻ, cách tân mà gần gũi. Nhìn từ phương diện này cũng cho thấy nhà thơ xứng đáng là ngọn cờ đầu đổi mới thơ, tạo ra một dòng thơ khác, giọng thơ khác, mới hẳn so với trước đó.
Do yêu cầu của giọng mà xuất hiện một “đặc sản” tiếng cười Tú Xương là ngôn ngữ bình luận sắc lẻm phát huy đến tối đa tính chất nhận xét, đánh giá về sự việc, sự kiện, nhân vật: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo/ Văn trường liều lĩnh đấm ăn xôi” (Than đạo học). Động tính từ “rụt rè” đi cùng với thành ngữ “Gà phải cáo” là một so sánh vật hóa cho thấy tinh thần khí tiết của tầng lớp nho sĩ xuống đến mức thảm hại nhất: nhu nhược, căng thẳng, sợ hãi. “Liều lĩnh” kết hợp với thành ngữ “Cố đấm ăn xôi” lại cho thấy sự xuống dốc ở mặt ngược lại, vì sợ hãi mà thành ra liều lĩnh, cố nói liều theo ý quan trường không cần đúng sai, miễn sao được đỗ!
Bài “Năm mới chúc nhau” rất tiêu biểu cho tính kịch, kết thúc bất ngờ, ngôn ngữ đối thoại, giọng bình luận đay đả, chỉ trích, mỉa mai. Mỗi khổ là cặp mâu thuẫn quyết liệt của hai giọng, giọng “chúc” của “nó” (chúng nó) và giọng “ông”. Giọng “ông” đi sau nhưng luôn có ý thức “đè” giọng trước: “Phen này ông quyết đi buôn cối/… Phen này ông quyết đi buôn lọng” (chữ quyết thanh trắc khẳng định mạnh mẽ đặt giữa câu). Càng gần cuối bài mâu thuẫn càng được đẩy cao, bình luận giễu cợt cũng riết róng hơn: “Nó lại mừng nhau sự lắm con/ Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn/ Phố phường chật hẹp người đông đúc/ Bồng bế nhau lên nó ở non”.
Câu cuối đã đủ đau: rồi lũ chúng mày sẽ thành loài khỉ ở trên núi! Nhưng đúng với phong cách bình luận Tú Xương, có thêm khổ cuối - vốn không phải của nhà thơ mà của độc giả dân gian chêm vào, vẫn rất hợp lý: “Bắt chước ai ta chúc mấy lời/ Chúc cho khắp hết ở trên đời/ Vua quan, sĩ thứ người muôn nước/ Sao cho ra được cái giống người!”. Lời bình đau quá, xét về nội dung thì đúng là không phải của Tú Xương bởi là nhà Nho, dù phẫn uất đến mấy vẫn chưa dám “phạm thượng” khi chúc “vua quan” “ra được cái giống người”, tức đang ở tình trạng chưa thành người, là loài vật!
Hình ảnh lễ xướng danh năm 1897.
Bình luận có khi qua miêu tả: “Cổ cong mặt lệnh người đâu thế?” (Cô hầu gửi quan lớn) mỉa ông quan lớn bội tình có cổ to như “cong” (thứ chum thon đựng nước), mặt to như “lệnh” (nhạc khí tròn như mâm đồng nhỏ). Theo quan niệm dân gian, đó là loại người phàm phu. Bình luận qua câu hỏi mỉa: “Có đất nào như đất ấy không?” (Đất Vị Hoàng) tức coi đất đó nhiều nghịch cảnh. Để tăng cường thêm tính chất bình luận cho vừa đúng với tính chất, bản chất hiện tượng, vừa đậm tính cá thể hóa, thơ Tú Xương đầy những tiếng chửi: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc” (Thương vợ); “Đù cha đù mẹ đứa riêng ai” (Đùa ông hàn)…; đầy những tiếng thề: “Việc bác không xong tôi chết ngay!” (“Bỡn người làm mối); “Mai mà tớ hỏng tớ đi ngay!” (Mai mà tớ hỏng).
Thề cả với người ăn xin (tên một bài thơ). Đầy những tiếng nhại: “hẩu lố” (tốt đấy - tiếng Quảng Đông), “Mét xì” (cảm ơn - tiếng Pháp); “cống hỷ” (tiếng chào - tiếng Quảng Đông); “xanh căng” (năm mươi - tiếng Pháp); “Ă, â, u, ơ ngọn bút chì”… Còn là lời than, lời chế, lời giễu, lời đùa, lời bỡn, lời khuyên, lời nhắn… Tất cả nhằm góp phần làm cho thế giới lời văn giọng điệu Tú Xương đa dạng, phong phú, đầy sự xôn xao, đầy sự suồng sã bông phèng của cuộc sống trào tiếu tréo ngoe những nghịch cảnh, nghịch dị.
Chủ trương đưa chất văn xuôi phồn tạp vào thơ nên dễ hiểu nhiều chỗ nhà thơ cố tình “thất niêm”. Câu cuối bài “Giễu ông đồ Bốn ở phố hàng Sắt” không chuẩn “niêm”: “Mũi nó gồ gồ trán nó dô”. Bài “Chế ông đốc học” bốn câu thì hai câu dưới cứ như bị “văng ra” khỏi cấu trúc niêm luật: “Học trò chúng nó tội gì thế/ Để đến cho ông vớ được đầu”... Nhờ tính “lệch chuẩn” này lại nói rõ hơn về sự “lệch lạc” thiếu chuẩn mực của đối tượng bị chế: là đốc học mà chẳng quan tâm đến việc học, chỉ “Cờ bạc rong chơi rặt một màu”…!
Nguyễn Thanh Tú