Tuần đầu tiên trong kỷ nguyên 'Trump 2.0' sẽ như thế nào?

Tuần đầu tiên trong kỷ nguyên 'Trump 2.0' sẽ như thế nào?
3 giờ trướcBài gốc
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump cam kết sẽ triển khai các chính sách trên hàng chục khía cạnh khác nhau ngay trong ngày đầu tiên hoặc tuần đầu tiên nhậm chức.
Đây được xem là một phần trong chương trình nghị sự của ông nhằm chặn đứng dòng người nhập cư, mở rộng ngành khai thác năng lượng, định hình lại ngành thương mại toàn cầu và trả đũa các đối thủ chính trị, theo Politico.
Một vài trong số những tuyên bố này sẽ khó được hiện thực hóa, đơn cử như việc kết thúc xung đột vũ trang ở châu Âu trong 24 giờ. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu mà ông Trump đặt ra có thể đạt được thông qua các lệnh hành pháp và sự giúp đỡ của đội ngũ trợ lý.
Dựa trên những tuyên bố nổi bật của ông Trump, giới quan sát có thể phần nào dự đoán về tuần đầu tiên trở lại nhiệm sở của chính trị gia 78 tuổi.
Giáo dục, y tế và nhập cư
Ông Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ngay ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông sẽ ký một lệnh hành pháp cắt giảm tài trợ kinh phí liên bang đối với bất kỳ trường học nào "thúc đẩy học thuyết đa sắc tộc, sự lệch lạc và chuyển giới và những nội dung không phù hợp liên quan tới sắc tộc, chính trị và giới tính đến với trẻ em".
Hôm 10/5/2024, ông Trump nói trên chương trình phát thanh bảo thủ "Kayal và những người bạn" rằng ông sẽ chấm dứt Quyển 9 trong bộ luật về các biện pháp bảo vệ học sinh chuyển giới ngay trong ngày đầu tiên trở lại vị trí tổng thống.
Ông Trump từ lâu được cho là có lập trường phản đối việc cho trẻ em tiếp cận với vấn đề bản dạng giới. Ảnh: Unsplash.
Ngày 1/2/2023 chứng kiến một loạt cam kết của ông Trump đối với vấn đề y tế trong nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
Trong một video đăng tải bởi chiến dịch tranh cử, chính trị gia gốc New York tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách bảo vệ sự tái định bản dạng giới của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Trước đó, ông Biden đã ký một lệnh hành pháp kêu gọi Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh tăng khả năng tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe cho người tái định bản dạng giới và ngăn việc các cơ quan y tế nhà nước không hỗ trợ chăm sóc người chuyển giới.
Cũng trong video nói trên, ông Trump nói rằng bản thân sẽ ký một lệnh hành pháp "yêu cầu tất cả cơ quan liên bang ngưng thúc đẩy việc chuyển giới ở mọi lứa tuổi".
Tổng thống đắc cử đồng thời nói rằng ông sẽ yêu cầu Quốc hội "ngưng vĩnh viễn việc sử dụng ngân sách liên bang để thúc đẩy hoặc chi trả" cho các phẫu thuật chuyển đổi giới. Ông cũng hứa sẽ thông qua một dự luật cấm việc "làm dị dạng giới tính trẻ em" trên toàn bộ 50 tiểu bang.
Thông điệp cuối cùng trong video nói trên là tuyên bố của ông Trump rằng "tất cả bệnh viện và cơ sở y tế tham gia vào quá trình dị dạng hóa giới tính trẻ vị thành niên thông qua tác động vật lý hoặc hóa học" đều bị xem là không đạt chuẩn an toàn của liên bang, qua đó sẽ không nhận được nguồn kinh phí từ chính phủ.
Dựa trên những tuyên bố nổi bật của ông Trump, giới quan sát có thể hình dung được phần nào tuần đầu tiên trở lại Nhà Trắng của ông. Ảnh: Reuters.
Trong một video khác thuộc chiến dịch tranh cử được đăng tải vào ngày 30/5/2023, ông Trump cho biết bản thân có kế hoạch ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên quay lại nhiệm sở nhằm chấm dứt việc mặc định cấp quyền công dân cho trẻ em sinh ra tại Mỹ bởi những người nhập cư không có giấy tờ.
Ông Trump đã đề cập đến vấn đề này nhiều lần, ít nhất là từ tháng 10/2018, theo Politico.
Cũng trong video trên, ông Trump cam kết sẽ ký thêm một sắc lệnh hành pháp riêng biệt nhằm cấm phụ nữ mang thai du lịch tới Mỹ chỉ để sinh con, qua đó đứa trẻ sẽ nhận được quốc tịch Mỹ.
Tại một cuộc mít tinh ở Hialeah (Florida) vào ngày 8/11/2023, ông Trump chia sẻ về dự định "khôi phục lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân các nước có chứa những tổ chức khủng bố" trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.
Ngoài ra, ông Trump cũng nhiều lần lặp lại các tuyên bố về việc "trục xuất hàng loạt" người nhập cư bất hợp pháp, "đóng cửa biên giới", "chấm dứt sự xâm lấn" và "chấm dứt mọi chính sách mở cửa biên giới của chính quyền Biden".
Tại cuộc mít tinh ở Prarie du Chien, Wisconsin vào ngày 28/9/2024, ông Trump nói rằng bản thân sẽ "chấm dứt toàn bộ chuyến bay nhập cư" ngay khi quay lại cương vị tổng thống, ám chỉ việc kết thúc các chương trình hỗ trợ cư dân tị nạn từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela.
Chưa đầy hai tuần sau khi đắc cử tổng thống, vào ngày 18/11/2024, ông Trump xác nhận trên mạng xã hội Truth Social về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng lực lượng vũ trang để tiến hành chiến dịch trục xuất hàng loạt.
Đối ngoại và thương mại
Trên khía cạnh ngoại giao, ông Trump thường bày tỏ lập trường cứng rắn, bám sát khẩu hiệu "nước Mỹ là trên hết" trong khuôn khổ chiến dịch "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", vốn gắn liền với thương hiệu của ông trên chính trường, theo Guardian.
Đặc biệt, trong một chương trình do CNN tổ chức vào ngày 11/5/2023, ông Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu "trong vòng 24 giờ".
Đây được xem là một trong những cam kết khó có khả năng trở thành hiện thực nhất mà tổng thống đắc cử từng nêu ra, theo Politico.
Cũng trên phương diện quốc tế, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 4/2/2024, ông Trump nói rằng bản thân sẽ áp thuế quan 10-20% đối với toàn bộ khối lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ với tổng trị giá khoảng 3.000 tỷ USD.
Riêng đối với Trung Quốc, mức thuế quan nhập khẩu mà ông Trump đề xuất lên đến 60% cho mọi loại hàng hóa.
Vào ngày 25/11/2024, trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, tổng thống đắc cử cam kết rằng ngay trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông sẽ áp thuế quan 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada trừ khi hai nước láng giềng này tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư và buôn lậu chất cấm fentanyl qua biên giới Mỹ.
Ông cũng đề xuất bổ sung thêm 10% thuế quan lên các mặt hàng nhập từ Trung Quốc trừ khi Bắc Kinh thực hiện án tử hình đối với tội phạm buôn bán ma túy có liên quan đến fentanyl.
Năng lượng và khí hậu
Trong một bài phát biểu tại Michigan vào ngày 29/8/2024, ông Trump hứa sẽ "tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tăng sản lượng khai khoáng" với mục tiêu cắt giảm chi phí năng lượng.
Ông Trump đã nói rằng ngay từ ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, ông sẽ "phê duyệt các dự án khoan khoáng mới, đường ống mới, nhà máy lọc dầu mới, nhà máy điện mới, lò phản ứng mới và loại bỏ những quy định thừa thãi".
Trước đó, trong video đăng tải bởi chiến dịch tranh cử vào ngày 7/9/2023, ông Trump cam kết tăng sản lượng khai thác dầu khí của nước Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai. Khẩu hiệu "Khoan, khoan nữa" của chiến dịch này được lan truyền nhanh chóng trên Internet.
Một phần trong cam kết nói trên bao gồm việc đảo ngược các quyết sách của chính quyền Biden về vấn đề sử dụng điện ngay trong ngày đầu tiên ông Trump trở lại nhiệm sở.
Khẩu hiệu "Khoan, khoan nữa" của chiến dịch ông Trump phản ánh cách tiếp cận của chính quyền tương lai đối với ngành khai thác năng lượng. Ảnh: MarketWatch.
Dưới thời Tổng thống Biden, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) ban hành giới hạn về mức khí thải và ô nhiễm gây ra bởi các loại phương tiện, hướng tới mục tiêu biến xe điện thành phương tiện phổ thông, chiếm 2/3 tổng số xe bán ra trước năm 2032.
Tại một sự kiện vào ngày 22/10/2024 tại North Carolina, ông Trump nói sẽ chấm dứt "chủ trương điện hóa phương tiện giao thông" của chính quyền Biden.
Ngày 5/11/2024, tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ cho ngưng các dự án điện gió ngoài biển ngay trong ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai.
"Những dự án này hủy hoại môi trường, chúng giết chết chim và cá voi", ông Trump nói trong một bài phát biểu.
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa tìm ra bằng chứng về việc các dự án điện gió ngoài biển trở thành nguyên nhân khiến chim và cá voi thiệt mạng, theo hãng tin AP.
Bộ Tư pháp
Kể từ khi "thất trận" trước ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 cho tới thời điểm đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai hồi tháng 11/2024, ông Trump đã dính vào một loạt lùm xùm pháp lý, nổi bật là 4 phiên tòa hình sự riêng biệt và bị khởi tố với 34 trọng tội tại chính quê nhà Manhattan.
Điều này làm dấy lên một số luồng ý kiến lo ngại rằng ông Trump có thể tác động đến các vấn đề liên quan đến luật và Bộ Tư pháp khi quay trở lại vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng, theo New York Tiimes.
Liên quan đến vấn đề này, trong một cuộc phỏng vấn với phát thanh viên bảo thủ Hugh Hewitt vào ngày 24/10/2024 rằng ông sẽ sa thải Công tố viên đặc biệt Jack Smith "trong vòng 2 giây" khi nhậm chức.
Công tố viên đặc biệt Smith là người chịu trách nhiệm điều tra hai vụ án cấp liên bang của ông Trump, liên quan đến nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020 và sai phạm trong quá trình xử liệu tài liệu mật.
Ông Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự nói trên vào ngày 25/11/2024.
Trước đó, New York Times cũng dẫn nguồn tin nội bộ cho biết ông Smith có kế hoạch từ chức trước khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, do đó chính trị gia 78 tuổi sẽ không có cơ hội sa thải ông Smith.
Công tố viên đặc biệt Jack Smith. Ảnh: New York Times.
Liên quan đến các vấn đề tư pháp, ông Trump cũng từng nhiều lần hứa hẹn rằng "ngay ngày đầu quay lại nhiệm sở", ông sẽ ân xá cho những người bị tuyên án trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 "nếu họ vô tội", theo Politico.
Các tổng thống Mỹ có toàn quyền ân xá cho bất kỳ ai bị kết án liên bang.
Lao động và Công nghệ
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, vào ngày 21/3/2023, ông Trump từng hứa sẽ khôi phục một lệnh hành pháp năm 2020 được gọi là "biểu F", cho phép sa thải hàng loạt những nhân viên liên bang phi đảng phái.
“Mục tiêu là tạo không gian để đưa những người trung thành vào các vị trí công chức sự nghiệp”, Ronald Sanders, cựu nhân viên liên bang từng được ông Trump bổ nhiệm song đã từ chức, nói với CNN.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã chế giễu các công chức và quân nhân, nhiều người đã nghỉ việc song một số vẫn kiên trì.
Giờ đây, họ sẽ đối mặt thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa của ông Trump. Chính trị gia gốc New York từng úp mở rằng lực lượng công chức liên bang sẽ còn chật vật hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông tại Nhà Trắng, theo CNN.
Max Stier, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội Quan hệ đối tác vì dịch vụ công (Partnership for Public Service), nhận định rằng nếu ông Trump thực hiện chấn chỉnh đội ngũ công chức liên bang, đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất đối với bộ phận này kể từ cuối thế kỷ XIX, đưa chính phủ liên bang trở lại “hệ thống chiến lợi phẩm” của năm 1883 khi các đảng phái chính trị chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ nhiệm những người ủng hộ họ vào bộ máy chính quyền.
"Hệ thống chiến lợi phẩm" đã được thay thế bằng phương pháp đánh giá và bổ nhiệm dựa trên thành tích như hiện tại. Theo đó, các nhân viên có năng lực và kinh nghiệm làm việc có thể phục vụ qua nhiều đời tổng thống mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.
Ông Trump khiến nhiều công chức liên bang lo ngại vì các tuyên bố liên quan đến việc sa thải hàng loạt. Ảnh: Reuters.
Trên khía cạnh công nghệ, ông Trump từng đưa ra một số tuyên bố đáng chú ý liên quan đến mảng trí tuệ nhân tạo và quản lý các phương tiện truyền thông mạng xã hội.
Ngày 2/12/2023, tại một sự kiện ở Cedar Rapids, Iowa, ông Trump cam kết rằng ngay khi nhậm chức, ông sẽ bãi bỏ lệnh hành pháp của Tổng thống Biden về việc quản lý, kiểm tra và phân tích rủi ro của trí tuệ nhân tạo, đồng thời kiểm tra tính hữu dụng của công nghệ này đối với chính phủ.
Trước đó, vào ngày 15/12/2022, ông Trump tuyên bố trong một video rằng "trong vòng vài giờ kể từ lễ nhậm chức", ông sẽ ký một lệnh hành pháp nhằm "đập tan chế độ kiểm duyệt của phe cánh tả và đòi lại quyền tự do ngôn luận cho toàn bộ người dân Mỹ".
Lệnh hành pháp này được cho là sẽ cấm tất cả cơ quan liên bang làm việc với bất kỳ tổ chức nào giới hạn quyền phát ngôn, đồng thời cắt nguồn tài trợ liên bang cho công tác kiểm duyệt tin giả, theo Politico.
Ông cũng tuyên bố trong video nói trên rằng ông sẽ sa thải các công chức liên bang "tham gia vào việc kiểm duyệt nội địa".
Đại Hoàng
Nguồn Znews : https://znews.vn/tuan-dau-tien-trong-ky-nguyen-trump-20-se-nhu-the-nao-post1515791.html